3 bài tập giúp F0 giảm triệu chứng khó thở

Thở chúm môi, thở cơ hoành, thở buteyko giúp giảm triệu chứng khó thở ở F0 trong lúc chờ hỗ trợ y tế và tập lâu dài tăng sức mạnh hô hấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Giảng viên Đại học Y dược TP HCM chia sẻ: Khó thở là một trong 5 triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân Covid-19 bên cạnh sốt, ho khan, mệt mỏi, khạc đàm. Thậm chí có một số F0 vì tâm lý lo sợ nên cũng dễ cảm thấy khó thở dù chưa tổn thương phổi. Trong trường hợp này những bài tập thở sẽ giúp ích rất nhiều.

“Về lâu dài việc tập thở cơ hoành sẽ làm tăng sức mạnh cơ hô hấp”, bác sĩ Vinh chia sẻ. Ngoài ra, đối với các trường hợp F0 khó thở nhiều thì trong lúc chờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế, việc tập thở chúm môi, thở buteyko sẽ giúp giảm tình trạng khó thở hiệu quả.

Thở chúm môi

Nguyên tắc : Động tác chúm môi vừa tạo công đẩy khí ứ trong các phế nang ra ngoài, vừa cản bớt khí để giữ áp lực và không làm xẹp đường thở trong thì thở ra. Từ đó giúp phổi thông khí tốt hơn và tăng lưu lượng oxy.

Cách thực hiện:

– Ngồi trên ghế tư thế thoải mái, thả lỏng cơ thể.

– Hít vào bằng mũi, mím môi (hai giây).

– Nếu được, nín thở trong ba giây.

– Chúm môi để thở ra bằng miệng (4 giây).

– Lặp lại động tác hít vào, mím môi – thở ra, chúm môi cho đến khi nào cảm thấy giảm cảm giác khó thở.

Lưu ý: thời gian hít vào chỉ bằng nửa thời gian thở ra.

Thở chúm môi giúp giảm tình trạng khó thở. Ảnh: Urdu2eng

Thở cơ hoành/thở bụng

– Nguyên tắc: Tập thở cơ hoành giúp cơ hoành hoạt động mạnh hơn để hỗ trợ hô hấp.

– Cách thực hiện:

Ngồi trên ghế, người hơi ngửa ra sau.

Đặt một tay trên bụng và một tay trên ngực.

Hít thở chậm và cảm nhận di chuyển của ngực và bụng.

Hít vào bụng nhô lên sau đó nín thở 1-2 giây và thở ra, bụng xẹp xuống.

– Tập luyện thường xuyên để tăng sức mạnh cơ hoành. Mỗi lần có thể tập 3-6 động tác rồi tăng lên, mỗi ngày 3-6 lần.

– Lưu ý: Khi thở đúng, tay đặt trên ngực ít di chuyển, tay đặt trên bụng di chuyển lên xuống theo nhịp thở. Bụng sẽ phình lên mỗi khi hít vào và xẹp xuống mỗi khi thở ra. Hít sâu vừa sức cùng với thở ra vừa sức. Không nên gắng sức khi tập thở cơ hoành.

Thở buteyko

– Nguyên tắc: Giảm thể tích thông khí và tần số hô hấp, giúp thở chậm và bình tĩnh hơn, làm dịu tình trạng khó thở.

– Cách thực hiện:

Bắt đầu bằng động tác hít vào – thở ra nhẹ nhàng.

Khi chưa kết thúc thì thở ra, bạn hãy nín thở và đếm thầm cho đến khi hết nín thở được thì hít thở bình thường.

Tập mỗi lần 5-7 động tác, lặp lại 3-4 lần/ngày.

Sa sâm trị phế, vị âm hư

Sa sâm là rễ của loài Nam sa sâm (Adenophora veticillata Fisch.), thuộc họ hoàng liên (Campanunaceae); hoặc Bắc sa sâm (Glehnia littoralis Fr. Schmidt. Ex Miq.), thuộc họ hoa tán (Apiaceae).

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, sa sâm chủ yếu từ cây (Launaca pinnatifida Cass.), thuộc họ cúc (Asteraceae), được dùng thay Bắc sa sâm và Nam sa sâm; tác dụng chữa ho, trừ đờm, chữa sốt.

Sa sâm có các dẫn xuất saponin, coumarin và các hợp chất đường, sinh tố B 2 … Tác dụng giãn mạch, làm tăng trương lực cơ tim, trừ đàm và kháng trực khuẩn. Theo Đông y, sa sâm vị ngọt hơi đắng, tính lương; vào phế, vị. Tác dụng dưỡng âm, thanh phế, ích vị sinh tân, hóa đàm chỉ khái. Trị phế táo âm hư, vị âm hư. Ngày dùng 9-25g; có thể nấu, hầm hoặc sắc. Sau đây là một số cách dùng sa sâm làm thuốc.

Nhuận phế chỉ khát: trị chứng phế nhiệt, ho khan, ho lâu ngày, khản tiếng.

Bài 1 – Thang thanh kim ích khí: sa sâm 20g, hoàng kỳ 4g, sinh địa 20g, tri mẫu 12g, huyền sâm 12g, ngưu bàng tử 12g, xuyên bối mẫu 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị chứng hư nhược khí ngắn, phổi yếu, mất tiếng.

Bài 2 – Thang sa sâm mạch đông: sa sâm 12g, mạch môn 12g, ngọc trúc 12g, thiên hoa phấn 12g, tang diệp 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị chứng phế vị táo nhiệt, ho khan ít đờm, họng khô, miệng khát. Nếu trong người nóng quá thì gia thêm địa cốt bì 12g.

Sinh tân chỉ khát: trị bệnh nhiệt về cuối kỳ còn sốt lai rai, họng khô, miệng khát. Dùng Thang ích vị: sa sâm 16g, sinh địa 20g, ngọc trúc 12g, mạch đông 12g. Sắc uống.

Món ăn thuốc có sa sâm:

Nước đường sa sâm: sa sâm 25g, đường phèn 15g, nước lượng thích hợp, đun nhỏ lửa 15 phút. Món này rất tốt cho người bị ho sốt (phế nhiệt khái thấu).

Canh thịt gà sa sâm: sa sâm 15-60g, trứng gà 3 quả. Nấu dạng canh trứng. Dùng tốt cho người bị đau nhức răng.

Sa sâm hầm thịt nạc: sa sâm 12g, thịt nạc 100g. Cả hai hầm nhừ, thêm gia vị (hạn chế tiêu ớt). Món này tốt cho sản phụ ít sữa.

Kiêng kỵ: không dùng sa sâm khi ho do cảm cúm (cảm mạo phong hàn). Sa sâm phản lê lô.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *