Cha mẹ lưu ý: Học sinh Mầm non, Tiểu học tại Hà Nội được đề xuất sẽ nghỉ học nếu ô nhiễm không khí tới mức nguy hại

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND TP ban hành thông báo tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục và Đào tạo để thông báo các trường mầm non, trường Tiểu học cho các em học sinh nghỉ học.

Chiều 18/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị đ.ánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thành phố thiết lập quy định về tình trạng khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI>300) và đề nghị UBND Hà Nội ban hành thông báo về tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục Đào tạo để các trường Mầm non, Tiểu học cho các em học sinh nghỉ học.

Nhiều ngày vừa qua, chỉ số chất lượng không khí AQI các trạm ở mức kém, xấu và rất xấu.

Thời gian gần đây, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Air Visual. Nhiều trạm quan trắc phủ màu tím với chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Một số điểm thậm chí chạm mốc nâu.

Ngày 10/12, trạm quan trắc tại Đại sứ quán Pháp ở Hoàn Kiếm báo chỉ số AQI ở mức 336. Ngày 13/12, trang Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức nâu 316.

Ngày 14/12, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí miền Bắc của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, ô nhiễm không khí lần lượt ở ngưỡng tím, là rất xấu, rất có hại cho sức khỏe.

Nhiều vị trí tại Hà Nội có mức tím và nâu.

Trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng này, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có động thái bảo vệ sức khỏe học sinh.

Từ tháng 10, trường Tiểu học Lê Quý Đôn (khu đô thị Mỹ Đình 1, Từ Liêm) đã thông báo tạm dừng các hoạt động dã ngoại, thể chất ngoài trời để đảm bảo sức khỏe học sinh. Với các môn thể dục và các môn năng khiếu, thay vì hoạt động ngoài trời học sinh sẽ học ở các phòng chức năng.

Thông báo của trường Lê Quý Đôn.

Ông Tạ Như Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội nặng nhất vào buổi sáng, trường đã tiến hành đổi thời khóa biểu một số tiết thể dục ở buổi sáng, giữa giờ sang buổi chiều khi không khí bớt ô nhiễm.

Ngoài ra, trong lớp học sẽ bật điều hòa, đóng kín cửa sổ để hạn chế tối đa ô nhiễm không khí.

Trường Tiểu học Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) và trường Phổ thông liên cấp Việt – Úc Hà Nội (khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) trước đó cũng có động thái tượng tự.

Tiểu học Lômônôxốp và Phổ thông liên cấp Việt – Úc cũng có động thái bảo vệ học sinh.

Mới đây trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy) cũng gửi tin nhắn khuyến cáo phụ huynh mặc áo ấm cho con em khi ra đường, đồng thời đeo khẩu trang tránh khói bụi. Trong thời gian tới, trường không tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể ngoài trời. Học sinh chơi và vận động tại lớp.

Trường Tiểu học Lý Thái Tổ đưa ra khuyến cáo.

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo ngại cho sức khỏe con em và cùng kiến nghị nhà trường mua máy lọc không khí.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí hiện tại hoặc dự báo mức độ ô nhiễm không khí trong tương lai. Rủi ro sức khỏe cộng đồng tăng lên khi AQI tăng.

Chất lượng không khí được chia làm 5 mức.

– Từ 0-100, chất lượng không khí tốt và chấp nhận được.

– Từ 101-200 là kém, người dân cần hạn chế ra đường.

– Từ 201-300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm.

– Trên 300 là thang màu nâu, ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.

Theo các chuyên gia, không khí Hà Nội hiện tại có nồng độ bụi mịn PM 2.5 rất cao, có thể gây nhiều bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn…

Theo Helino

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến mức nào, ai lên tiếng đi chứ!

Dù khá muộn, nhưng người dân vẫn chờ đợi sự vào cuộc của chính quyền Hà Nội. Nếu không có giải pháp mạnh và hữu hiệu thì người dân không biết sẽ sống chung với ô nhiễm không khí đến bao giờ

Tối nào tôi cũng có thói quen gọi điện về quê “buôn chuyện” với mẹ. Chuyện của mẹ con tôi cơ bản chỉ về sức khỏe, học hành, ăn uống của người thân trong gia đình. Nhưng giờ đây, mở đầu câu chuyện, bao giờ mẹ tôi cũng lo lắng “Hà Nội đã đỡ ô nhiễm không khí chưa con?”. Trước khi nghỉ hưu, bà công tác trong ngành Y nên khá hiểu và lo cho sức khỏe người thân sống ở Hà Nội, nhất là những đứa cháu đang còn nhỏ.

Quả vậy, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong thời gian qua không còn là bình thường nữa mà trở nên đáng lo ngại, là mối quan tâm của tất cả người dân không chỉ ở Hà Nội mà cả nước. Đó cũng là chuyện rất bình thường, khi Thủ đô là trái tim của cả nước, còn ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.

Không khí ở Hà Nội liên tục ở mức “Xấu”, “Rất xấu”(ảnh: Nguyễn Ngân)

Trong thời gia qua, đã có rất nhiều khuyến cáo của các chuyên gia Y tế được đưa ra cảnh báo sự nguy hiểm đối với sức khỏe con người khi mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tục ở mức “Xấu”, “Rất xấu”.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe. Các chất ô nhiễm kích thước nhỏ trong không khí có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp và tuần hoàn khiến tổn thương phổi, tim và não. Cũng theo thống kê của tổ chức này, mỗi năm có 7 triệu người c.hết sớm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.

Và thực tế, thống kê ở nhiều bệnh viện ở Hà Nội, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ trong thời gian qua tăng lên nhiều lần.

Sống ở Hà Nội hiện nay, không ai là không lo lắng, bất an nhưng thực sự vẫn chưa biết làm cách nào và chưa biết đến bao giờ thì được thoát ra khỏi bầu không khí ô nhiễm như vậy. Mỗi người “tự cứu lấy mình” bằng cách trang bị thêm các vật dụng che chắn hệ hô hấp khi ra đường, hạn chế ra ngoài nếu không có việc gì cần thiết, nhà nào có điều kiện hơn thì tự mua máy lọc không khí…

Cả tháng trời qua, mặc dù người dân phải tự loay hoay, xoay sở tìm cách tồn tại trong bầu không khí ô nhiễm thì dường như chưa có một động thái chính thức nào từ chính quyền Thủ đô trong việc tìm giải pháp cũng như hỗ trợ người dân khi phải sống chung với không khí “bẩn”.

Còn nhớ, cách đây gần 2 tháng, người dân Hà Nội đã không khỏi bức xúc, bất an khi hơn 7 vạn người ở 4 quận phải ăn, uống nước sông Đà nhiễm dầu thải gần cả chục ngày trời mà không có bất cứ cơ quan nào lên tiếng. Người dân sau khi phát hiện nước bẩn đã cầu cứu các cơ quan liên quan nhưng sau gần một tuần vẫn không có động thái nào từ chính quyền, các cơ quan liên quan, đặc biệt là Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).

Mãi đến khi Viwasupco có văn xác nhận sự việc thì sau đó vài ngày, khi người dân đã ăn, uống đủ thứ “nước bẩn” thì Hà Nội mới có sự chỉ đạo về việc cung cấp nguồn nước sạch tạm thời cũng như giải quyết sự cố để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền Hà Nội khiến người dân mệt mỏi, bức xúc.

Và trước đó cũng không lâu, sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông khiến môi trường xung quanh khu vực này độc hại, hàng ngàn người phải “bỏ nhà, bỏ cửa” đi tìm chỗ ở để tự cứu mình và trẻ nhỏ ra khỏi vùng ô nhiễm mà cũng không có sự vào cuộc, khuyến cáo kịp thời của chính quyền Hà Nội.

Những tưởng vụ việc cháy nhà máy Rạng Đông và sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải sẽ là bài học xương m.áu để chính quyền rút kinh nghiệm trong các sự cố tương tự. Nhưng đến nay, sau cả tháng trời người dân phải tự loay hoay tự cứu mình, thì vẫn chưa có động thái chính thức nào từ chính quyền Hà Nội.

Dù đã là khá muộn, nhưng người dân vẫn chờ đợi và mong mỏi sự vào cuộc chính thức của Hà Nội và các cơ quan liên quan. Bởi nó không chỉ liên quan đến sức khỏe, tính mạng của một nhóm người mà liên quan đến tất cả người Hà Nội, tự mỗi người dân không thể giải quyết.

Chỉ khi có sự vào cuộc thực sự của chính quyền Hà Nội với việc công bố rõ ràng, minh bạch nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, từ đó đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục với sự hợp tác, giám sát của người dân thì mới mong giảm thiểu được sự ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Tất cả người dân Thủ đô vẫn đang chờ đợi./.

Theo VOV

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *