Những ngày lễ Tết khiến người ta hưng phấn và thường “quá chén” suốt nhiều ngày liền. Một vài ly bia phù hợp với sức khỏe có thể giúp bạn vui vầy hơn bên người thân, bạn bè nhưng nếu uống quá nhiều rượu thì lợi bất cập hại.
Ngộ độc rượu có nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ thì gây khó chịu, ảnh hưởng tiêu hóa. Nặng thì có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong nếu không kịp thời cấp cứu. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ triệu chứng và cách sơ cứu hiệu quả.
Triệu chứng ngộ độc rượu
Thông thường, biểu hiện của say rượu và ngộ độc sau khi dùng thức uống chứa cồn Methanol quá mức khá giống nhau. Việc này khiến nhiều người không phân biệt được và không có biện pháp sơ cứu kịp thời, có thể gây nguy hiểm.
Theo các chuyên gia sức khỏe, một số biểu hiện cơ bản sau đây có thể giúp bạn nhận biết khi nào chỉ là say rượu, khi nào là ngộ độc rượu để xử lý đúng cách.
Biểu hiện của say rượu
- Buồn nôn, nôn mửa
- Tinh thần lờ đờ
- Khả năng nói chuyện không rõ ràng
- Bước đi chệnh choạng
- Phối hợp toàn thân kém
- Khó chịu ở đường tiêu hóa
- Khát nước nhiều
Biểu hiện của ngộ độc rượu
Nếu uống phải rượu pha Methanol, chậm nhất là sau 24 giờ thì người bị ngộ độc rượu thường có những biểu hiện sau:
- Tỉnh táo nhưng bỗng dưng bị nói ngọng
- Tê hoặc cảm giác yếu tứ chi, có khi là một bên mặt
- Thở khò khè và yếu ớt, hoặc thở sâu và nhanh
- Co giật toàn thân
- Da, môi nhợt nhạt và lạnh
- Ho yếu nhưng có đờm
- Mờ mắt
- Rối loạn màu sắc
- Đại tiểu tiện ra quần không kiểm soát
- Đau bụng dữ dội
- Mệt và nôn nhiều
- Ngất xỉu
Cách sơ cứu nạn nhân ngộ độc rượu
Khi phát hiện người có triệu chứng ngộ độc rượu, bạn nên nhanh chóng sơ cứu để tránh hậu quả đáng tiếc.
- Để bệnh nhân nằm ở tư thế đầu và vai kê hơi cao.
- Nếu bệnh nhân thở khò khè thì nên cho nằm nghiêng một bên, xoa hai bên má hoặc một số biện pháp vật lý giúp họ có thể nôn ra.
- Trời lạnh cần giữ ấm cho bệnh nhân.
- Cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm, có thể kết hợp nước gừng tươi, nước cà chua để giải rượu nhẹ.
- Nếu bệnh nhân đã tỉnh và ăn uống được thì nên bổ sung cháo loãng để tránh hạ đường huyết.
- Trường hợp bệnh nhân rơi vào hôn mê, thở sâu, co giật hoặc cảm thấy sợ ánh sáng, ra mồ hôi nhiều, tay chân lạnh, không nhìn thấy đường… thì cho bệnh nhân nằm nghiêng, đầu kê cao và nhanh chóng gọi xe cấp cứu.
- Chú ý không cho bệnh nhân uống thuốc tùy tiện như thuốc giải rượu, thuốc hạ sốt, giảm đau, giải rượu…
Làm sao để phòng ngừa ngộ độc rượu?
- Dù ngày Tết vui vẻ đến mấy cũng không nên uống rượu bia có nồng độ cồn từ 30o trở lên, và không uống quá 30ml/người/ngày. Nhậu nhẹt cần phải ăn uống đầy đủ.
- Không uống rượu ngâm có nguồn gốc không rõ ràng vì dễ ngộ độc.
- Khi cơ thể đang yếu hoặc có bệnh, tốt nhất bạn nên nói mọi người trên bàn tiệc thông cảm và thay bằng thức uống khác an toàn hơn.
- Trẻ em dưới 16 tuổi không nên uống rượu bia.
Hy vọng bài viết với những kiến thức cơ bản về ngộ độc rượu sẽ giúp bạn đón một cái Tết vui tươi, khỏe mạnh.
Thiên Khuê (Theo Tips)