Ý tưởng “thay áo mới” cho cầu thang cũ

Không chỉ giúp kết nối, lưu thông giữa các tầng, cầu thang còn điểm nhấn kiến trúc nổi bật cho toàn bộ ngôi nhà. Theo thời gian, cầu thang trở nên cũ kỹ, xuống cấp, lỗi thời, không đảm bảo an toàn… Để khắc phục tất cả những vấn đề này, gia chủ cần phải tu sửa, cải tạo cầu thang cho phù hợp.

Cầu thang là một trong những chi tiết quan trọng ảnh hưởng tới giao thông trong nhà tầng cũng như tính thẩm mỹ và phong thủy của công trình. Do đó, thiết kế và thi công cầu thang luôn được gia chủ chú trọng. Tuy vậy, sau một thời gian dài sử dụng, cầu thang nhà bạn có thể trở nên cũ kỹ, lỗi thời, thậm chí xuống cấp nghiêm trọng… Với những hạn chế về diện tích và không gian, việc cải tạo cầu thang cũ không đơn giản như xây mới.

Trong phạm vi bài viết này, Dothi.net giới thiệu tới bạn đọc một số ý tưởng cải tạo cầu thang cũ đơn giản, dễ ứng dụng và những lưu ý không nên bỏ qua khi thi công hạng mục này.

Khi nào thì nên cải tạo cầu thang cũ?

Bạn nên cải tạo cầu thang trong những trường hợp như cầu thang đã trở nên cũ kỹ sau một thời gian dài sử dụng, bong tróc lớp sơn nơi lan can, tay vịn; thảm trải bạc màu, gây mất thẩm mỹ; không còn hài hòa với nội thất mới… Hoặc đơn giản, nếu bạn cảm thấy hạng mục này trông thật đơn điệu, nhàm chán, tẻ nhạt không còn sức hút như ban đầu thì hãy bắt đầu lên ý tưởng, kế hoạch tân trang.

Chi phí cải tạo cầu thang cũ là bao nhiêu?

Kinh nghiệm cho thấy, chi phí cải tạo cầu thang phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên rất khó để đưa ra một con số cụ thể. Khoản kinh phí này sẽ phụ thuộc vào việc gia chủ cải tạo nhiều hay ít, cải tạo chi tiết nào, đơn giản hay phức tạp, sử dụng vật liệu tự nhiên hay tổng hợp… 

Nếu bạn chỉ sơn sửa lại cầu thang, không thay đổi về cấu trúc thì chi phí khá thấp. Tuy nhiên, trường hợp bạn muốn thay đổi nhiều hạng mục có liên quan tới kết cầu thì kinh phí cải tạo có thể lên đến hàng chục triệu đồng hoặc cao hơn nữa. Do đó, trước khi cải tạo cầu thang, bạn cần xác định sẽ cải tạo hạng mục nào, cải tạo ra sao để ước lượng khoản kinh phí phù hợp. Tốt nhất, gia chủ nên tham vấn ý chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong việc này.

Cải tạo cầu thang cũ cần lưu ý gì?

Bạn có thể sửa chữa, cải tạo một hoặc nhiều hạng mục của cầu thang cũ. Dù cải tạo hạng nào đi chăng nữa thì gia chủ vẫn nên lưu ý những vấn đề sau đây:

Về chiều cao cầu thang: Thông số này phụ thuộc khá nhiều vào chiều cao thông thủy của ngôi nhà. Đối với nhà dân, chiều cao phổ biến của cầu thang là 3,6m; số bậc là 24.

Về bậc thang: Diện tích các bậc thang phải hợp lý, có kích thước cơ bản bằng nhau (ngoại trừ một số bậc ở khúc cua, gấp của cầu thang). Độ cao bậc thang thường từ 16-17cm, bề rộng 25-30cm, độ dốc 27-30 độ. Những thông số này đảm bảo an toàn khi di chuyển, nhất là với trẻ nhỏ và người già.

Về tay vịn: Tay vịn cầu thang thường cao khoảng 90cm, vừa tầm người lớn, tương đối cao để trẻ nhỏ không trèo lên được. Đồng thời, hàng rào chắn dưới tay vịn cần đảm bảo chắc chắn với khoảng cách không vượt quá 14cm.

Chiều cao tay vịn cầu thang phổ biến là 90cm

Về chiếu nghỉ: Chiếu nghỉ là một khoảng hình chữ nhật hoặc hình vuông có diện tích phù hợp để bạn đứng nghỉ chân khi di chuyển lên xuống cầu thang. Cứ 11 bậc bạn nên bố trí 1 chiếu nghỉ. Độ rộng tối thiểu của chiếu nghỉ là 90cm.

Bề rộng chiếu nghỉ không nhỏ hơn chiều rộng của cầu thang

Về mặt phong thủy, gia chủ tránh đặt chân và đỉnh cầu thang đối diện với cửa ra vào; không để xà ngang đè lên cầu thang. Cầu thang không được từ phía sau nhà đi lên, không đâm vào khu bếp ăn, phòng vệ sinh hoặc cửa chính; không bắt đầu hoặc kết thúc trước cửa nhà vệ sinh mỗi tầng.

Ý tưởng cải tạo cầu thang ấn tượng

Thay đổi màu sắc

Việc cải tạo cầu thang cũ là cần thiết khi lớp sơn đã xỉn màu, kiểu dáng hoặc hoa văn trang trí lỗi thời. Đối với trường hợp này, bạn nên thay đổi lớp vỏ bọc bên ngoài, sơn lại lan can, tay vịn và bề mặt bậc thang. Đây là ý tưởng đơn giản để thay đổi và làm nổi bật diện mạo của cầu thang cũ. Hiện nay, xu hướng trang trí bậc cầu thang bằng những hình ảnh 3D ấn tượng được nhiều người lựa chọn.

Mẫu thiết kế cầu thang 3D mang cả thế giới thần tiên kỳ diệu vào nhà.

Nếu cầu thang đã trở nên quá cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng thì gia chủ cần nâng cấp lại trước khi sơn mới. Đồng thời, để tạo sự khác biệt cho từng chi tiết, gia chủ có thể chọn màu sơn khác nhau cho phần trụ, bậc thang, tay vịn. Lưu ý, màu sơn mới của cầu thang cần hài hòa với tổng thể chung của ngôi nhà.

Làm mới lan can, tay vịn

Để lựa chọn được mẫu lan can phù hợp, bạn nên căn cứ vào kiến trúc cũng như phong cách nội thất của ngôi nhà. Vật liệu làm lan can phổ biến hiện nay là gỗ, inox, kính cường lực. Trong đó, lan can bằng gỗ được nhiều người ưa chuộng khi cải tạo cầu thang cũ bởi vẻ đẹp sáng bóng, chắc chắn, họa tiết phong phú. Lan can bằng inox đơn giản, hiện đại, tạo cảm giác thoáng sáng hơn cho không gian sống.

Cầu thang tay vịn bằng xi măng cổ điển hoàn toàn lột xác sau cải tạo với chất liệu gỗ màu sáng và kính cường lực trong suốt. 

Đặc biệt, lan can kính cường lực là lựa chọn lý tưởng đối với nhà phố nhỏ hẹp. Mặt kính trong suốt không chỉ chịu được tác dụng lực lớn, sốc nhiệt cao, an toàn mà còn tạo sự thông thoáng, không cản trở tầm nhìn cũng như đường đi của ánh sáng. Lan can kính cường lực đã và đang là xu hướng thịnh hành trong thiết kế cầu thang hiện đại.

Tay vịn kim loại kiểu dáng đơn giản thay thế cho tay vịn gỗ mang đến vẻ đẹp sang trọng, thanh thoát cho cầu thang. 

Bậc thang mở thông thoáng

Cầu thang bậc mở được đánh giá là giải pháp tối ưu trong việc tạo cảm giác rộng thoáng hơn cho không gian sống có diện tích khiêm tốn. Thông thường, loại cầu thang này được tạo thành bởi cấu trúc sắt/thép chắc chắn kết hợp cùng bậc gỗ tự nhiên mộc mạc. Gia chủ cần lưu ý, độ rộng của các bậc thang nên nhỏ hơn 10cm để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

Thực tế cho thấy, việc mở rộng thêm không gian ở bậc cầu thang sẽ mang đến cái nhìn mới lạ, độc đáo cho ngôi nhà bạn. Tuy nhiên, để đảm bảo công năng và tính thẩm mỹ cao nhất, bạn cần bỏ ra một khoản kinh phí cải tạo khá lớn.

Cầu thang kim loại bậc hở đảm bảo độ thông thoáng cho không gian nhà.

Tạo điểm nhấn hút mắt

Sau một thời gian dài sử dụng, cầu thang nhà bạn vẫn còn mới và bền chắc do được làm từ những nguyên vật liệu chất lượng. Tuy nhiên, kiểu dáng của cầu thang có thể đã trở nên lỗi thời, đơn điệu, không còn phù hợp với không gian sống hiện đại. 

Để xua tan vẻ đơn điệu đó, bắt buộc gia chủ phải cải tạo cầu thang cũ với điểm nhấn ấn tượng. Bạn có thể trang trí lan can màu đen – trắng tương phản, cá tính mà vẫn hài hòa với tổng thể chung hoặc tháo bỏ lớp vải bọc nặng nề cho tay vịn, thay vào đó là các khối gỗ màu đen, nâu còn nguyên vân, nổi bật trên nền lan can màu trắng chủ đạo…

Lột bỏ tấm thảm hoa văn, cầu thang nhỏ không còn cảm giác tối mắt, chật hẹp như trước.

Chỉ với tấm thảm trải màu sắc trẻ trung, cầu thang bậc gỗ cũ kỹ sẽ trở nên tươi mới hơn hẳn. Trong khi đó, tấm thảm hoa văn sẽ tạo cảm giác rối mắt và cầu thang như hẹp hơn. Trong trường hợp này, gia chủ hãy mạnh dạn lột bỏ tấm thảm, đánh bóng lại bậc gỗ, sơn trắng ở hai bên rìa giúp khu vực cầu thang thoáng sáng hơn.

Một trong những cách đơn giản nhất để tạo điểm nhấn hút mắt cho khu vực cầu thang là bài trí những chậu cảnh nhỏ xinh dọc lối đi hoặc lắp đặt thêm đèn trang trí trên tường, đèn LED cho tay vịn, lan can, ốp gạch bông cho mặt đứng của bậc thang…

Mặt đứng của bậc cầu thang được ốp gạch bông đa dạng về màu sắc, họa tiết nhưng không hề tạo cảm giác rối mắt.

“Biến tấu” với gầm cầu thang

Gầm cầu thang thường bị lãng quên và bỏ phí. Trên thực tế, không gian này vô cùng hữu dụng. Nếu khu vực này đang bị bỏ trống, bạn có thể bố trí thêm phòng vệ sinh nhỏ hoặc kho chứa đồ gọn gàng. Khéo léo một chút, gia chủ hoàn toàn có thể bài trí nơi đây thành góc đọc sách, vui chơi, thư giãn dành cho trẻ. Quầy bar mini, nhà cho thú cưng, tủ kệ tivi… đều có thể đặt ở gầm cầu thang, miễn sao sắp xếp hợp lý, hài hòa với kiến trúc tổng thể.

Gầm cầu thang trở thành không gian đa chức năng với kệ tivi, tủ lưu trữ và bày đồ trang trí.

Đặc biệt, thiết kế tiểu cảnh cầu thang là xu hướng “hot” trong những năm gần đây bởi những ưu điểm vượt trội như giúp tận dụng tối đa diện tích, tránh để góc trống trong nhà bụi bặm, ẩm mốc; tạo điểm nhấn ấn tượng, đưa các mảng xanh vào nhà, thanh lọc không khí, tạo cảm giác thư thái, gần gũi với thiên nhiên. Hơn nữa, gầm cầu thang trong phong thủy được xem là góc chết có sát khí mạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên gia đình. Việc tận dụng gầm cầu thang để thiết kế tiểu cảnh sẽ giúp bạn hóa giải được sát khí này. Ý tưởng cải tạo gầm cầu thang thành tiểu cảnh mát mắt rất đáng để tham khảo nếu trước đây bạn chưa từng nghĩ tới.

Cầu thang nhà phố chất lừ với hầm rượu phong cách công nghiệp đơn giản.

Thay đổi kết cấu, vị trí cầu thang

Với những ngôi nhà đã cơi nới thêm diện tích hoặc cải tạo nâng tầng, việc thay đổi kết cấu và vị trí cầu thang là điều tất yếu. Tuy nhiên, vị trí và kết cấu cầu thang thay đổi sẽ liên quan trực tiếp tới kết cấu tổng thể công trình. Do đó, cách tốt nhất là gia chủ nên tìm tới đội ngũ kiến trúc sư, xây dựng để được tư vấn cụ thể, hợp lý. Có vậy, sau khi cải tạo, cầu thang nhà bạn vừa đảm bảo yếu tố an toàn, tính thẩm mỹ và phong thủy tốt.

Theo Báo mới

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *