Ngưu tất có vị chua, đắng, bình, không độc, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng phá huyết, hành ứ (sống), bổ can thận, mạnh gân cốt ( chế biến chín).
1. Đặc điểm của cây ngưu tất
Ngưu tất còn có tên gọi khác là cây cỏ xước, hoài ngưu tất. Tên khoa học Achyranthes bidentata Blume. Thuộc họ Giền Amaranthaceae.
Ta dùng rễ phơi hay sấy khô – Radix Achyranthis bidentatae – của cây ngưu tất.
Sách cổ nói: Vị thuốc ngưu tất giống đầu gối con trâu nên gọi là ngưu tất (ngưu là trâu, tất là đầu gối).
Cây ngưu tất.
Cây ngưu tất là một loại cỏ xước cho nên người ta nhầm với cây cỏ xước Achyranthes aspera L. Cỏ có thân mảnh, hơi vuông, thường chỉ cao 1m, cũng có khi tới 2m. Lá mọc đối có cuống, dài 5 – 12cm, rộng 2 – 4cm, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên. Cụm hoa mọc thành bông ở đầu cành hoặc kẽ lá.
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, trong rễ ngưu tất người ta chiết xuất ra một chất saponin, khi thủy phân sẽ cho acid oleanic và galactoza, rhamnoza, glucoza. Ngoài ra, còn có ecdysteron, inokosteron và muối kali.
Tính vị theo đông y: Vị chua, đắng, bình, không độc, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng phá huyết, hành ứ (sống), bổ can thận, mạnh gân cốt (chế biến chín).
Trong nhân dân, ngưu tất được dùng trong bệnh viêm khớp, đau bụng, k.inh n.guyệt khó khăn… do có tính hoạt huyết hóa ứ mạnh. Ngày dùng 3 – 9g dưới dạng thuốc sắc. Người có thai không được dùng.
Vị thuốc ngưu tất.
2. Bài thuốc trị đau bụng kinh có ngưu tất
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số bài thuốc trị đau bụng kinh có ngưu tất như sau:
Bài 1: Hoàn ninh khôn: Ngưu tất 200g; a giao, mộc hương, sa nhân, mỗi vị 25g; phục linh, bạch thược, ô dược, bạch truật, trần bì, sinh địa, đương quy, thục địa, trầm hương, hương phụ, xuyên khung, mỗi vị 50g; cam thảo 150g; đảng sâm 40g; hoàng cầm, tô diệp, hổ phách, mỗi vị 25g; ích mẫu 300g, mật ong 1.000g. Các vị làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, trước bữa ăn 30 phút.
Công dụng: Điều hòa khí huyết, thông kinh, chỉ thống. Trị phụ nữ k.inh n.guyệt không đều, hành kinh đau bụng, suy nhược cơ thể sau sinh.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh không nên dùng.
A giao (cao da lừa) kết hợp với ngưu tất và các vị thuốc khác trong bài Hoàn ninh khôn.
Bài 2: Bát bảo khôn thuận hoàn: Ngưu tất, hổ phách, nhân sâm, ích mẫu, trầm hương, sa nhân, mỗi vị 40g; thục địa, bạch truật, xuyên khung, bạch thược, cam thảo, hoàng cầm, quất hồng, địa hoàng, đương quy, phục linh, mỗi vị 80g; mộc hương 16g. Các vị làm viên hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g, sau bữa ăn 1 – 1,5 giờ.
Công dụng: Ích khí, dưỡng huyết, điều kinh. Trị khí huyết lưỡng hư, k.inh n.guyệt không đều, đau bụng kinh, kinh ít.
Bài 3: Ngưu tất (chích rượu) 12g, ích mẫu 16g; hương phụ (tứ chế), đào nhân, uất kim, tạo giác thích (gai bồ kết), mỗi vị 8g. Dùng trong trường hợp bế kinh, khi có kinh đau bụng. Sau kỳ kinh khoảng 7 – 10 ngày, sắc uống ngày 1 thang. Mỗi thang sắc 2 lần, hợp hai nước với nhau, chia ra uống 2 – 3 lần trong ngày, uống trước bữa ăn, 14 ngày là một liệu trình.
Hổ phách kết hợp với ngưu tất và các vị thuốc khác trong bài Bát bảo khôn thuận hoàn.
Bài 4: Ôn kinh thang gồm có các vị ngưu tất 12g, đương quy 12g, xích thược 12g, đào nhân 12g, diên hồ sách 12g, đơn bì 12g, quế tâm 6g, mộc hương 6g. Các vị nghiền thành bột, mỗi lần uống 12g, ngày uống 2 – 3 lần, dùng rượu loãng đun nóng để uống. Trị đau bụng không ra kinh.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, k.inh n.guyệt quá nhiều không được dùng.
Trời mưa nồm, độ ẩm cao làm gì để giữ gìn sức khỏe?
Trời nồm ẩm là điều kiện thuận lợi khiến nhiều bệnh tật phát sinh, phát triển, nhiều bệnh mạn tính như đau nhức xương khớp, đau đầu… trầm trọng hơn.
Theo Đông y, tiết trời nồm ẩm này là lúc thấp khí thịnh hành. Dưới đây là một số điều cần lưu ý để giữ gìn sức khỏe trong khoảng thời gian này.
1. Không để nước mưa ngấm vào người
Khoảng thời gian này độ ẩm không khí rất cao, nhưng mưa lại thường nhỏ. Mưa lất phất rả rích cả ngày dễ khiến nhiều người chủ quan không mặc áo mưa do đó bị nước mưa ngấm vào quần áo rồi ngấm vào người.
Rất nhiều người thể trạng yếu khi bị nước mưa ngấm vào như thế sẽ lập tức bị cảm, đau bụng, thậm chí dẫn đến miệng nôn trôn tháo. Người khỏe mạnh mặc dù không có những biểu hiện trên nhưng lâu dài cũng sẽ phát sinh nhiều tác hại đến sức khỏe.
Vì vậy, mưa tuy nhỏ nhưng vẫn phải đề phòng cẩn thận, không để ướt quần áo. Ngoài ra, khi thời tiết có độ ẩm cao cũng không được mặc quần áo khi còn ẩm, nếu có thể thì nên sấy khô quần áo trước khi mặc. Đồng thời cần chú ý nếu bị ra mồ hôi cũng cần thay ngay quần áo.
Những điều này mục đích là ngăn không để quần áo bị ẩm, hơi ẩm sẽ ngấm từ quần áo vào người, theo Đông y khi ấy cơ thể sẽ bị cảm phải thấp khí mà gây bệnh.
2. Không nằm đất khi trời nồm ẩm
Nhiều người có thói quen nằm đất, điều này gây những tác hại vô hình đến sức khỏe, đặc biệt là khi thời tiết nồm ẩm. Thậm chí có những người sẽ thấy mệt mỏi, tay chân nặng nề nếu nằm đất.
Việc nằm đất sẽ khiến khí thấp ngấm từ dưới đất lên, cơ thể sẽ bị cảm phải thấp khí mà gây bệnh. Nếu không có điều kiện nằm giường cũng không nên để trực tiếp chiếu hoặc đệm lên nền đất, giữa đệm và nền cần nên có một khoảng hở để không khí lưu thông, tránh thấp khí từ đất ngấm ngược lên.
Không chỉ có vậy, theo Đông y khi ngủ là lúc cơ thể dễ bị các loại tà khí gây bệnh xâm nhập, thời tiết có độ ẩm cao chúng ta cũng cần giữ gìn môi trường sống, đặc biệt là chỗ ngủ khô ráo, ấm áp. Điều này giúp cơ thể hạn chế phải tiếp xúc với thấp khí quá thịnh vượng, tránh nguy cơ nhiễm phải loại tà khí này.
Trời nồm ẩm không nên nằm đất để giữ sức khỏe.
3. Xông nhà bằng một số loại thảo mộc giúp trừ thấp
Độ ẩm cao, thấp khí lan tràn, Đông y có một số loại thuốc dùng xông nhà có tác dụng giúp môi trường sống của chúng ta ấm áp, khô thoáng hơn, qua đó giúp phòng tránh nhiều loại bệnh tật.
Chúng ta có thể sử dụng một số loại thảo mộc đơn giản, dễ tìm như thương truật, trần bì, ngải cứu… đặt trên than hồng hoặc thiết bị xông chuyên dụng để tinh dầu khuếch tán là sẽ đạt được mục đích.
Sử dụng thảo dược xông nhà giúp không khí ấm áp hơn khi trời nồm ẩm.
4. Lưu ý với những người có “thể trạng thấp thịnh”
Theo Đông y, những người có nhiều thấp thịnh sẽ có những biểu hiện tương đối phức tạp nhưng thông thường sẽ có những biểu hiện như người béo, thường là béo bệu, cơ thể nặng nề, tay chân nặng nề không có lực, nhiều đờm, đại tiện nát…
Những người này vốn dĩ thấp khí trong cơ thể đã quá thịnh vượng, nay gặp thời tiết nồm ẩm lại càng thịnh vượng hơn, bệnh tật do đàm thấp gây ra do đó sẽ dễ phát sinh hơn.
Những người có thể trạng thế này cần giữ gìn thật cẩn thận hơn, tăng cường vận động thể lực, ăn uống thanh đạm, có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt cần lưu ý các vấn đề bệnh lý phát sinh trên cơ thể để được thăm khám và điều trị kịp thời, đề phòng những biến chứng nặng nề hơn.