Vì sao bạn cần quan tâm đến cách thiết kế bữa ăn?
Ăn uống khoa học giúp chúng ta bổ sung đủ dinh dưỡng và duy trì sự khỏe mạnh của thể chất lẫn tinh thần. Hầu hết các loại thực phẩm đều có thể ăn chung trong một bữa ăn nhưng không phải tuyệt đối.
Kết hợp thực phẩm không hợp lý có thể gây trở ngại cho quá trình tiêu hóa và hấp thu. Trên thực tế, rất nhiều người có thói quen chỉ ăn uống theo sở thích của khẩu vị, vô tình bạn có thể tiêu thụ những “cặp đôi” gây bất lợi chướng bụng, béo phì, tích tụ độc tố…
Chính vì vậy, tạo ra bữa ăn cân bằng và có lợi cho hệ tiêu hóa rất quan trọng. Dưới đây là những thực phẩm không nên ăn chung mà bạn có thể tham khảo, ghi nhớ để hạn chế những tác động tiêu cực cho bản thân và gia đình.
Những nhóm thực phẩm nên hạn chế ăn cùng một lúc trong bữa ăn
Thực phẩm chứa nhiều carbs và protein động vật
Carbohydrate hay còn gọi là tinh bột, nếu kết hợp ăn chung với nhóm chứa nhiều protein nạc có thể gây ra hiện tượng phản tác dụng lẫn nhau. Protein động vật bị phân hủy và carbs được lên men trong cơ thể dễ gây đầy hơi, chướng bụng.
Hai nhóm thực phẩm đều chứa protein cao
Một ví dụ cụ thể như trứng và thịt xông khói, đây là 2 thực phẩm giàu protein và cũng có nhiều chất béo bất lợi do chiên rán. Sự kết hợp này nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, làm chậm quá trình trao đổi chất.
Nếu thật sự muốn thưởng thức, bạn có thể dùng món có hàm lượng protein nhẹ trước rồi mới tiếp tục ăn các món thịt sau. Nhớ bổ sung thêm rau xanh và trái cây để hỗ trợ tiêu hóa, cũng giúp cải thiện khẩu vị sau khi ăn quá nhiều protein.
Uống nước hoặc nước trái cây quá nhiều trong bữa ăn
Dịch tiêu hóa trong dạ dày có nhiệm vụ tiêu hóa những thức ăn phức tạp để hấp thu dinh dưỡng trước khi vận chuyển chúng vào ruột. Nếu bạn có thói quen uống nước, đặc biệt là nước ép như cam quýt sẽ làm loãng axit dạ dày.
Vì vậy, hạn chế uống nước khi đang ăn để tránh gây cản trở quá trình phân hủy protein và carbs cũng như đường và chất béo trong thức ăn. Chuyên gia khuyến cáo bạn có thể uống nước trước khi ăn khoảng 10 phút nếu muốn ăn kiêng.
Sữa chua và trái cây tươi
Sự kết hợp thực phẩm từ sữa chua với trái cây tươi được khá nhiều người ưa thích vì nó giúp kích thích vị giác và tạo cảm giác sảng khoái khi thưởng thức. Mặc dù sữa chua chứa lợi khuẩn và trái cây giàu vitamin nhưng ăn chung lại không phải là lựa chọn tốt nhất.
Vi khuẩn trong sữa chua tác động lên thành phần đường trong trái cây có thể tạo ra độc tố và gây dị ứng. Bạn nên chọn sữa chua nguyên vị hoặc chỉ thêm quế, nho khô, các loại hạt để tăng hương vị mà không lo vấn đề sức khỏe.
Chuối và sữa
Đây có vẻ là “cặp đôi” được dùng phổ biến trong bữa ăn, đặc biệt là với người đang ăn kiêng giảm cân vì nó giúp mau no và no lâu hơn. Tuy nhiên, chuối và sữa cũng là hai thực phẩm chứa nhiều carbs, tiêu thụ nhiều cùng lúc dễ khiến dạ dày nặng nề.
Cà chua và mì ống
Sự kết hợp này cũng khá được ưa thích nhưng nên hạn chế. Cà chua có tính axit làm suy yếu các enzyme trong mì ống giàu tinh bột, có thể gây tình trạng đau bụng, đầy hơi, khó tiêu và buồn nôn.
Rượu và đồ ngọt
Rượu vang thường được thưởng thức cùng với các món tráng miệng nhưng nó lại không được khuyến khích, nhất là khi bạn dùng chung với đồ ngọt. Tannin trong rượu vang tạo cảm giác đắng trong miệng, khi kết hợp với thực phẩm có đường sẽ càng đắng hơn.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm thông tin để hạn chế những kết hợp thực phẩm không có lợi cho vị giác và sức khỏe.
Thiên Khuê (Theo Style)