Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết từ xa xưa, các loại thảo mộc đã được sử dụng để tạo hương vị cho các món ăn và giúp phòng chữa bệnh. Dưới đây là các loại thảo mộc và gia vị phổ biến có tính cay ấm, vị thơm và chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp xây dựng khả năng miễn dịch và mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Rau mùi
Rau mùi còn được gọi là ngò ta. Loại rau này có tính cay, ấm, không độc, có tác dụng nhuận tràng, trị phong tà, thông đại tiểu tiện, trị các chứng đậu, sởi khó mọc, phá mụn độc…
Sả
Sả thường được ăn sống hoặc dùng làm gia vị trong các món ướp. Loại cây này có vị ngọt, hăng, thơm, tính ấm, rất có lợi cho hệ tiêu hóa, có tác dụng ra mồ hôi, sát trùng, trị cảm, ho, lợi tiểu. Sả còn được dùng chữa co thắt cơ, thấp khớp, chuột rút, đau đầu…
Húng chanh
Húng chanh còn có tên gọi khác là rau tần. Người ta thường dùng lá tươi làm rau sống trong các bữa ăn. Húng chanh có vị chua, mùi thơm hăng, tính ấm, vào phế có công dụng giải cảm, tiêu đờm, khử độc và các chứng bệnh cảm cúm, lạnh phổi, có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, có công dụng chữa viêm họng, giải cảm, cho ra mồ hôi và chữa ho, chữa cảm cúm, sốt không ra mồ hôi được,…
Trong dân gian, lá húng chanh thường được ăn tươi hoặc sắc uống. Ngoài ra, các nhà sản xuất y học cổ truyền thường chưng cất tinh dầu húng chanh kết hợp với một số loại thảo mộc khác để tạo ra các bài thuốc chữa ho, cảm cúm.
Húng quế
Theo Đông y, húng quế có vị hăng, tính nóng, thơm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau, tiêu hóa. Toàn cây có tác dụng chữa cảm cúm, sốt nhức đầu, ho, nghẹt mũi, chướng bụng, khó tiêu.
Bạc hà
Bạc hà cùng họ với húng quế và là một loại gia vị được dùng để ăn sống. Loại lá này là vị thuốc rất hữu hiệu để trị cảm cúm, côn trùng cắn, hỗ trợ tiêu hóa, trị đầy hơi, thấp khớp, nấc cục, trị viêm xoang nhẹ, v.v…
Tía tô
Tía tô là một vị thuốc được Đông y xếp vào loại thuốc giải biểu (đổ mồ hôi), thuốc nhóm phát tán phong hàn (nhóm do lạnh gây bệnh). Có 2 loại tía tô: tía tô mép lá phẳng, màu tía nhạt, ít thơm và tía tô mép lá quăn, màu tía sẫm, mùi thơm nồng.
Tía tô không chỉ là loại gia vị thơm ngon mà còn là cây thuốc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Tía tô có tính cay nồng, tính ấm, có tác dụng chữa cảm, chướng bụng, nôn mửa…
Lá lốt
Lá lốt còn có tên là tất bát, thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae). Đây một loại cây dại mọc khắp nơi. Lá lốt có tác dụng làm ấm trung tiêu, ấm dạ dày. Chủ yếu dùng để điềutrị nôn mửa do bị khí lạnh bụng đầy đau, đau răng, nhức đầu, mũi luôn luôn chảy nước, đại tiện lỏng ra nước, ra máu.
Trong y học dân gian, loại lá này thường được dùng chữa các bệnh đau xương khớp, các bệnh phụ khoa (nhiễm trùng âm đạo, ngứa, tiết khí hư), ra nhiều mồ hôi tay chân…
Một số lời khuyên xây dựng khả năng miễn dịch khi chuyển mùa
– Giữ ấm cơ thể: Trong thời tiết nóng lạnh xen kẽ, cơ thể rất dễ bị cảm lạnh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, hãy chú ý giữ ấm cổ, ngực, lưng và đặc biệt là lòng bàn chân.
– Ăn đủ chất để đảm bảo dinh dưỡng, đồng thời ăn nhiều trái cây để giúp cơ thể tăng cường vitamin và nâng cao sức đề kháng. Các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cân bằng: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm và tránh ăn uống trực tiếp từ tủ lạnh. Ăn các loại trái cây có múi như cam, bưởi là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào.
– Tập thể dục nhiều hơn: Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, hãy tập thể dục nhiều hơn vào những ngày chuyển mùa. Nhiệt độ thay đổi giữa 2 mùa khiến bạn dễ bị cảm lạnh vào buổi sáng và buổi tối. Vì vậy, hãy chú ý lựa chọn quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường khi tập luyện.
– Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Đeo khẩu trang để phòng bệnh là cách đơn giản và hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của virus, vi khuẩn qua đường hô hấp. Khi hắt hơi, ho và các triệu chứng khác xảy ra, bạn nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.
– Vệ sinh sạch sẽ: Cần vệ sinh tay chân sạch sẽ để tránh lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng tay, chân, miệng.
Loan Mạc (Tổng hợp)