Những dấu hiệu tắc ống dẫn trứng thường gặp
Kinh nguyệt không đều
Ống dẫn trứng và buồng trứng có thể nói là “hàng xóm lân cận”, vì vậy khi phụ nữ bị tắc ống dẫn trứng sẽ ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng. Đặc biệt nếu bạn còn kèm theo tình trạng viêm nhiễm thì vấn đề rối loạn kinh nguyệt càng rõ rệt hơn. Thường gặp nhất chính là số lần kinh nguyệt tăng, lượng máu cũng nhiều hơn.
Đau bụng
Chị em một khi bị tắc ống dẫn trứng cũng thường có biểu hiện đau bụng với những mức độ khác nhau. Thông thường là cảm giác khó chịu âm ỉ, không quá kịch liệt nhưng cứ đau râm ran liên tục, thậm chí còn bị chướng bụng giống như khó tiêu hóa.
Đa số bệnh nhân sẽ bị đau một bên ở vùng bụng dưới, dịch tiết âm đạo tăng bất thường. Cảm giác đau đớn hoặc mệt mỏi sẽ nghiêm trọng hơn trong ngày “đèn đỏ” hoặc khi giao hợp, làm việc quá sức.
Chảy máu vùng kín
Tình trạng xuất huyết này không giống với chu kỳ kinh nguyệt mà thường có biểu hiện chảy máu rỉ giọt, kèm theo huyết trắng, toàn thân uể oải. Do một số vấn đề phụ khoa khác cũng có thể gây hiện tượng chảy máu âm đạo nên nhiều người khó tự phán đoán bệnh. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Vô sinh
Nếu vợ chồng bạn không áp dụng biện pháp ngừa thai nào mà suốt thời gian dài vẫn không có “tin vui” thì nên cân nhắc vấn đề tắc ống dẫn trứng ở người phụ nữ. Chức năng chủ yếu của ống dẫn trứng chính là đưa tinh trùng đến gặp trứng. Do đó, nếu “con đường giao thông” này bị ách tắc sẽ khó thụ thai.
Tắc ống dẫn trứng có chữa được không?
Vị trí bị tắc nghẽn ở ống dẫn trứng khác nhau thì sẽ có phương pháp phẫu thuật khác nhau. Nếu bị tắc ở vùng chóp (đoạn đầu hoặc cuối ống dẫn trứng), thông thường bác sĩ sẽ phẫu thuật “tạo cửa”, tức là làm thông chỗ bị tắc này, giúp ống dẫn trứng làm tốt chức năng như ban đầu.
Nếu tắc nghẽn ở đoạn giữa thì sẽ phẫu thuật trực tiếp cắt bỏ đoạn này, sau đó tiến hành kết nối hai đoạn còn lại. Thực tế, ống dẫn trứng bình thường sẽ có độ dài từ 10 – 15cm, trong khi sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng chỉ cần khoảng 6 – 8cm là đủ để hoàn thành nên không quá lo lắng khi phải cắt một đoạn ống dẫn trứng.
Bị tắc ống dẫn trứng cần chăm sóc như thế nào để mau hồi phục và ngăn ngừa tái phát?
Tránh để sảy thai hoặc phá thai
Bất kể là sảy thai tự nhiên hay phá thai do can thiệp y khoa thì vẫn tạo nên tổn thương không nhỏ đối với tử cung và ống dẫn trứng, càng làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn, viêm nhiễm về sau.
Đặc biệt là sau tổn thương thì nội mạc tử cung sẽ mỏng và yếu ớt, dễ bị vi khuẩn xâm nhập, tạo thành các vấn đề phụ khoa như viêm vùng chậu, viêm niệu đọa, viêm nội mạc tử cung và kéo theo tắc nghẽn ống dẫn trứng ở khu vực lân cận.
Đảm bảo vệ sinh thân thể đúng cách
Phòng ngừa tắc ống dẫn trứng cũng như các bệnh phụ khoa thì chị em cần có thói quen vệ sinh cá nhân thật tốt, nhất là bộ phận sinh dục được cấu tạo đặc thù, thường bị ẩm nóng và dễ viêm nhiễm.
Ngoài việc tắm rửa hằng ngày thì quần áo cũng phải thay mới, giặt giũ và phơi dưới ánh nắng mặt trời để tăng cường hiệu quả diệt khuẩn. Phòng ốc nên mở cửa sổ để thoáng khí, quét dọn sạch sẽ gọn gàng để hạn chế nấm mốc, độc bệnh.
Chế độ ăn uống khoa học
Thói quen ăn uống không tốt cũng làm tăng nguy cơ tắc nghẽn ống dẫn trứng. Chị em nên ăn nhiều rau củ quả, uống trà xanh hợp lý để tăng hiệu quả làm sạch mạch máu, giảm mỡ thừa, nâng cao sức đề kháng để ít bị viêm nhiễm, tắc nghẽn các cơ quan trong cơ thể.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)