‘Y tế TP HCM sẵn sàng tiếp quản điều trị Covid khi rút chi viện’

Sở Y tế đã chuẩn bị từ sớm kế hoạch tiếp quản các bệnh viện Covid-19 khi lực lượng chi viện rút về, và sẽ đảm đương được nhiệm vụ của mình trong tình hình mới.

Thời điểm số ca bệnh tại TP HCM tăng nhiều, có khi 36.000 ca một lúc ở các cơ sở điều trị, thành phố phải đáp ứng nhanh bằng cách xác định các tầng, mở rất nhiều bệnh viện thu dung, điều trị. Bộ Y tế đã huy động trên 6.700 y bác sĩ, 3.000-4.000 sinh viên y khoa, cùng lực lượng quân y để đáp ứng nhu cầu điều trị khẩn cấp.

Đến nay, số ca bệnh mới giảm, số xuất viện nhiều hơn số ca nhập viện hàng ngày, một số bệnh viện dã chiến đã hoàn thành sứ mệnh. Các lực lượng chi viện đến từ các tỉnh, thành phố phía Bắc rút về là phù hợp với tình hình dịch ở thành phố. Hiện, một số bệnh viện Covid-19 vẫn duy trì hoạt động, số ca điều trị không nhiều. Lực lượng y bác sĩ của TP HCM đã tỏa ra và phụ trách ở các đơn vị này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, chiều 7/10.

Hôm 6/10, Bộ Y tế đã có quyết định rút các lực lượng chi viện khỏi TP HCM, chậm nhất là trước ngày 15/10.

Theo đó, Sở Y tế đã chuẩn bị kế hoạch từ rất lâu, lúc lực lượng chi viện mới vào thành phố, cho tình huống chuyển đổi, tiếp quản các cơ sở y tế khi lực lượng này rút quân, bà Mai nói. Hàng ngày, Sở Y tế tổ chức giao ban giữa các tầng để nâng cao năng lực điều trị, chuyên môn của từng bệnh viện, nhân viên y tế. Toàn bộ nhân viên y tế TP HCM tham gia điều trị cùng các bệnh viện trung ương cũng duy trì giao ban bệnh viện, tập huấn, đào tạo, nhất là về chuyên khoa nhiễm, hồi sức cấp cứu.

“Do đó, ngay khi y bác sĩ phía Bắc rút đi, y tế địa phương có thể đảm đương được ngay các công việc đang có”, bà Mai nói.

Sở Y tế và các sở, ngành đang tham mưu cho UBND TP HCM lộ trình chuyển đổi các bệnh viện Covid-19 theo hướng tái cấu trúc ngành y tế.

Về cơ bản sẽ tái cấu trúc như sau:

Nhóm bệnh viện dã chiến, khu cách ly quận huyện sẽ thu gọn, giải thể khi hết người cách ly, trả lại cơ sở vật chất cho trường học.

Các quận, huyện sẽ thành lập bệnh viện dã chiến thu dung chăm sóc F0 tại cộng đồng có triệu chứng, nguy cơ trở nặng; còn các F0 nhẹ, không triệu chứng sẽ điều trị ở nhà.

Các bệnh viện ở tầng hai và ba do Sở Y tế quản lý sẽ tái thiết lập thành bệnh viện ba tầng (như bệnh viện dã chiến 13, 14, 16 có trung tâm hồi sức tích cực – ICU).

Các bệnh viện cấp thành phố sẽ được trả lại công năng ban đầu, củng cố chất lượng điều trị. Thành phố giữ lại các bệnh viện có ICU, với 900 giường có gắn máy thở, monitor và 3.000 giường có oxy, đáp ứng cho tình huống dịch bệnh và cũng như các tiêu chí của Bộ Y tế.

Bệnh viện hồi sức Covid-19 Thủ Đức (đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2) quy mô ICU lớn nhất tại TP HCM được các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách chính, cùng sự hỗ trợ của các đồng nghiệp thành phố và các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Quỳnh Trần

TP HCM có hai bệnh viện “tách đôi” được hoàn trả công năng ban đầu, là Bệnh viện quận 7 và Đa khoa khu vực Củ Chi, từ ngày 28/9. Thống kê trước dịch, Bệnh viện cửa ngõ Đa khoa khu vực Củ Chi tiếp nhận khoảng 3.000 bệnh nhân thông thường mỗi ngày, khi tách đôi chỉ còn 400 bệnh, nay sau 10 ngày mở cửa, lượng bệnh nhân không Covid đã tăng lên 1.500-2.000 ca. Tại Bệnh viện quận 7, lượt bệnh nhân khám ngoại trú thông thường đã đạt khoảng 500 lượt, bằng 50% so với trước dịch.

“Nhân sự của bệnh viện vẫn đang tăng cường ở các bệnh viện dã chiến nên một số chuyên khoa sâu chưa thể mở lại. Khi dịch ổn định hơn, nhân sự về lại bệnh viện đầy đủ thì lượng bệnh nhân sẽ tăng lên”, bà Mai nói.

Tính đến 18h ngày 6/10, TP HCM ghi nhận 403.997 ca Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. Trong ngày 6/10, số bệnh nhân nặng đang thở máy giảm còn 631 ca, số F0 nhập viện giảm còn 1.205, số ca xuất viện là 2.740. Đặc biệt, số ca t.ử v.ong những ngày gần đây liên tục giảm, chỉ còn dưới 100 ca mỗi ngày.

Di chứng khốc liệt vì Covid-19

Hai tuần đầu sau khi xuất viện, anh Nguyễn Đồng Tháp, 35 t.uổi, vẫn bị h.ành h.ạ bởi những cơn ho bất chợt dài 20-30 phút, thở ran như tiếng máy kêu.

Anh Tháp là bệnh nhân suy hô hấp nặng được chuyển đến Khoa Hồi sức Bệnh viện Covid-19 TP Thủ Đức (do Bệnh viện TP Thủ Đức phụ trách). Khi ấy hai phổi anh tổn thương trắng xóa, nồng độ oxy m.áu mao mạch (SpO2) lúc ngồi tụt xuống 60-65%.

Anh Tháp thuộc trường hợp thiếu oxy thầm lặng (silent hypoxia), nồng độ oxy m.áu giảm thấp nhưng lại không cảm thấy khó thở nhiều, vẫn dung nạp được oxy lưu lượng cao qua thở máy không xâm lấn (HFNC), SpO2 đạt 80-85% nếu kết hợp nằm sấp. Người bệnh “xin” bác sĩ để mình cố gắng tập thở, nếu không ráng được nữa mới đặt nội khí quản. Các bác sĩ đồng ý, đổi lại, họ phải theo dõi bệnh nhân 24/24 giờ, để sẵn máy thở bên giường bệnh, can thiệp ngay khi anh có dấu hiệu thở nhanh.

May mắn, anh Tháp vượt qua đại nạn, phổi dần hồi phục, thở oxy qua mũi, xét nghiệm Covid-19 âm tính. Gần một tháng điều trị, anh xuất viện nhưng sức khỏe khá yếu, đi lại chưa vững, chỉ tự làm vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, anh vẫn thiếu oxy thầm lặng, thở nặng nhọc, SpO2 dao động 88-92%.

“Anh ấy sút 14 kg, da xanh như tàu lá. Sợ nhất là những cơn ho bất chợt dài 20-30 phút, tiếng ho dội khắp khu nhà trọ, mỗi lần ho là một lần anh khó thở”, chị Hà Thị Bích Phương, 34 t.uổi, vợ anh Tháp kể. Cơn ho không sao dừng lại được giữa chừng như rút hết sức lực người đàn ông, các cơ ngực đau thắt, tai ù đi, anh ôm ngực, dựa lưng vào tường, thở bằng miệng.

Chồng mệt, chị Phương cũng căng thẳng theo, nhiều đêm liền chị không dám ngủ, chốc chốc lại kiểm tra xem anh có thở nhanh hay sắp ho không. Chị cố gắng giữ yên tĩnh nhất có thể, tránh khiến anh thức giấc, “đánh động” cơn ho.

Hiện, sau hơn một tháng ở nhà, anh Tháp nói đã hồi phục được khoảng 70-80% sức khỏe, tăng hơn 5 kg, đi bộ được 3 km mới bắt đầu thở nhanh. Dù vậy, nếu để trở lại với công việc bốc xếp, vận chuyển hàng hóa ở chợ đầu mối Bình Điền, có lẽ anh cần nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Anh Tháp phụ vợ nấu cơm trưa tại nhà trọ, huyện Bình Chánh ngày 20/9. Ảnh: Thư Anh

Sản phụ Nguyễn Thị Thúy Vân (31 t.uổi, ngụ Hóc Môn) cũng đang vật lộn trên hành trình tập thở hồi phục hậu Covid-19. Nhiễm bệnh và nguy kịch ở tuần thai 33, chị buộc phải mổ cấp cứu bắt thai. B.é t.rai sinh non song khỏe mạnh, còn chị Vân thì “thập tử nhất sinh”. Bác sĩ nhiều lần tưởng đã mất bệnh nhân khi chị không đáp ứng điều trị, tình trạng bệnh liên tục thay đổi, phổi tổn thương nghiêm trọng, cơ thể suy kiệt. Tại Bệnh viện Covid-19 TP Thủ Đức, chị là trường hợp đặc biệt nhất với ba lần đặt và rút ống nội khí quản. Phần lớn thời gian chị hôn mê, có thời điểm bị kích thích, loạn thần.

Trải qua một tháng sinh tử, chị Vân khỏi Covid-19, tỉnh táo nhưng chưa tự đi đứng được, phải tiếp tục thở oxy lưu lượng thấp và dùng thuốc kháng đông m.áu, kháng viêm tại nhà. Mười ngày qua, chị nỗ lực tập hít thở để cai oxy, song chưa thành công, đây chính là khó khăn lớn nhất. Những lúc mệt, chị phải phụ thuộc vào bình oxy. Sau thời gian dài thở máy, bà mẹ trẻ còn bị mất giọng, chưa thể nói chuyện được bình thường, kèm thêm mất ngủ, mất sữa vì không thể cho con bú. Hiện, hai mẹ con chị phải tạm xa nhau, chị cách ly ở nhà ngoại, con trai được bà nội đón về chăm sóc.

Chị Vân chia sẻ, chị rất may mắn vì được các y bác sĩ luôn quan tâm, động viên, kiểm tra xem đã tập luyện như thế nào ngay cả lúc đã về nhà. Nhớ cậu con trai bé nhỏ đang chờ mẹ, chị có thêm động lực để tập luyện mỗi ngày.

Theo bác sĩ Lê Duy Lạc,khoa Hồi sức, Bệnh viện Covid-19 TP Thủ Đức, đây là hai trong hàng chục F0 nặng và nguy kịch gặp các di chứng sau Covid-19 mà anh theo dõi, tư vấn từ xa. Bệnh nhân Covid-19 được đ.ánh giá nguy cơ, phân loại theo 5 mức độ, gồm nhiễm virus nhưng không có triệu chứng, viêm phổi nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch. Ở ba mức độ đầu, hầu hết người bệnh khỏe mạnh bình thường khi xuất viện. Ở mức độ nặng, nguy kịch, đ.ánh giá sơ bộ gần như 100% bệnh nhân này sau xuất viện đều gặp ít nhiều các triệu chứng như giảm oxy kéo dài; huyết khối tĩnh mạch; mệt mỏi, chán ăn kéo dài, sụt cân, mất ngủ…

“Chiến trường nội viện khốc liệt chừng nào thì cuộc chiến hồi phục tại nhà căng thẳng chừng đó. Nỗi lo lớn nhất là bệnh nhân có cai được oxy, thích nghi được với cuộc sống hậu Covid-19 hay không”, bác sĩ Lạc nói.

Bác sĩ lý giải, ở bệnh viện, F0 có sự chăm sóc sát sao của nhân viên y tế, cùng trang thiết bị máy móc hiện đại để qua cơn nguy kịch. Khi bệnh nhân âm tính Covid-19, dù vẫn phụ thuộc vào oxy nhưng không thể ở lại chờ hồi phục hoàn toàn, vì bệnh viện quá tải, cần giường cho ca nặng khác. Trong khi đó, những tổn thương phổi không thể hồi phục trong thời gian ngắn, chúng cần ít nhất 3-4 tuần.

Với những trường hợp xuất viện có giảm oxy kéo dài như anh Tháp, chị Vân, bác sĩ đều dặn dùng máy đo SpO2, thuê bình oxy, máy tạo oxy sử dụng nếu khó thở nặng. Bác sĩ cũng kê các loại thuốc, hướng dẫn các bài tập thở, nằm sấp, nằm nghiêng, rèn luyện sức khỏe, thường xuyên gọi video call để khám online, theo dõi tiến trình hồi phục.

“Ban đầu, khi bệnh nhân trở nặng, chúng tôi chỉ mong họ sống sót. Nhưng người bệnh vượt cửa tử rồi, chúng tôi lại tham lam nhiều hơn, kỳ vọng họ hồi phục tốt nhất, có thể khỏe mạnh trở về với gia đình, duy trì cuộc sống, nhất là những bệnh nhân đang trong độ t.uổi lao động, là trụ cột chính”, bác sĩ Lạc chia sẻ.

Khoa Hồi sức, Bệnh viện Covid-19 TP Thủ Đức luôn có 25-30 F0 nặng, nguy kịch điều trị. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khảo sát tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, công bố ngày 20/9, cho thấy 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Những bệnh nhân từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và tỷ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%.

Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet hồi giữa tháng 7/2021, đưa ra những dữ liệu toàn diện về các triệu chứng dai dẳng hậu Covid-19. Nghiên cứu này khảo sát 3.762 bệnh nhân Covid-19 tại 56 quốc gia, từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020 cho thấy, trung bình bệnh nhân gặp 56 triệu chứng khác nhau. Tổng cộng, 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể, như sương mù não, ảo giác, mệt mỏi, run và ù tai…; 1/3 triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất sáu tháng kể từ khi khỏi Covid-19. Khoảng 22% số người được khảo sát cho biết họ không thể làm việc hoặc bị sa thải sau khi mắc Covid-19; 45% người phải giảm cường độ làm việc.

“Lúc trước tôi có thể vác bao hàng nặng 50-60 kg, giờ gắng hết sức mới nhấc nổi 20 kg. Hy vọng sớm hồi phục hoàn toàn, để đi làm chăm lo cho vợ và hai con”, anh Tháp nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *