Sau nửa năm chích, hiệu quả ngăn lây nhiễm của vắc xin Pfizer còn 47%

Hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech trong ngăn lây nhiễm giảm từ 88% sau khi tiêm đủ 2 mũi xuống còn 47% sau 6 tháng.

Mặc dù vậy, vắc xin này vẫn cho hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng và nhập viện.

Nhân viên y tế Mỹ chuẩn bị mũi tiêm vắc xin Pfizer cho người đến tiêm ngày 29-9 – Ảnh: REUTERS

Đây là kết quả nghiên cứu do Pfizer tài trợ được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 5-10. Theo Đài CNBC, nghiên cứu là bằng chứng khoa học xác nhận lại thông tin trước đó của Bộ Y tế Israel về sự suy giảm hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm của vắc xin công nghệ mRNA.

Nghiên cứu dựa trên 3,4 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử từ hệ thống y tế Kaiser Permanente ở nam California từ ngày 14-12-2020 đến ngày 8-8-2021. Trong thời gian tiến hành nghiên cứu, tỉ lệ các trường hợp dương tính do biến thể Delta tăng từ 0,6% trong tháng 4 lên gần 87% vào tháng 7.

Hiệu quả ngăn lây nhiễm nói chung là 88% trong tháng đầu tiên sau khi tiêm đủ 2 mũi và giảm xuống còn 47% trong 5 tháng kế tiếp.

Đi sâu vào phân tích cụ thể, nhóm nghiên cứu nhận thấy hiệu quả ngăn lây nhiễm với biến thể Delta là 93% trong tháng đầu tiên sau khi tiêm 2 mũi và giảm xuống 53% sau 4 tháng.

Hiệu quả với các biến thể khác không phải biến thể Delta ở mức rất cao là 97% nhưng cũng giảm xuống còn 67% sau 4-5 tháng.

Nhìn chung kết quả này không có gì bất ngờ vì theo giới khoa học, mục tiêu cao nhất của vắc xin COVID-19 không phải là ngăn chặn lây nhiễm, mà là giảm nguy cơ bệnh trở nặng và nhập viện.

Theo nghiên cứu được công bố trên The Lancet, vắc xin Pfizer/BioNTech giảm nguy cơ nhập viện của người mắc biến thể Delta tới 93% trong vòng 6 tháng, bất kể độ t.uổi và giới tính.

Nghiên cứu được công bố chỉ 2 tuần sau khi Mỹ phê duyệt việc tiêm tăng cường mũi 3 cho người già và người dễ bị tổn thương vì COVID-19. Theo Nhà Trắng, có khoảng 60 triệu người sẽ được tiêm mũi 3.

Tiêm tăng cường là một vấn đề gây tranh cãi ở Mỹ và trên thế giới. Những người phản đối cho rằng nên tăng độ phủ vắc xin, dành những liều tăng cường cho người chưa tiêm và dễ bị tổn thương để chấm dứt đại dịch.

Pfizer thử nghiệm lâm sàng vaccine mRNA phòng cúm mùa

Ngày 27/9, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) thông báo đã bắt đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine phòng bệnh cúm mùa sử dụng công nghệ mRNA, tương tự như vaccine phòng COVID-19 mà hãng này đã phát triển thành công.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vaccine của Pfizer Kathrin Jansen nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là yếu tố thôi thúc hãng này tận dụng lợi ích khoa học của công nghệ mRNA để phát triển các loại vaccine phòng bệnh khác.

Bà Jansen cho hay Pfizer nhận thấy cần nâng cao mức độ hiệu quả của các loại vaccine phòng cúm mùa hiện nay và tin tưởng rằng mRNA là công nghệ lý tưởng để giải quyết thách thức này. Các loại vaccine phòng cúm mùa hiện nay chỉ có mức hiệu quả phòng bệnh từ 40%-60% và ước tính, mỗi năm bệnh cúm mùa có thể cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người.

Thông báo của Pfizer nêu rõ giai đoạn đầu của nghiên cứu vaccine mRNA phòng cúm mùa sẽ sự tham gia của hơn 600 người Mỹ từ 65-85 t.uổi. Trong nghiên cứu này, Pfizer sẽ so sánh mức độ an toàn và phản ứng miễn dịch giữa vaccine mRNA với vaccine phòng cúm mùa đang lưu hành hiện nay. Các tình nguyện viên sẽ được tiêm 1 mũi, hoặc 2 mũi hoặc 4 mũi vaccine với liều lượng thuốc khác nhau.

Đối với các loại vaccine phòng cúm mùa thông thường, các nhà khoa học nuôi cấy virus trong trứng gà hoặc các tế bào động vật có vú, sau đó giảm độc lực của virus này trước khi bào chế thành vaccine. Trong khi đó, vaccine mRNA sử dụng mã di truyền RNA, đưa ra chỉ dẫn cho các tế bào của cơ thể con người cách tạo ra một loại protein hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein và protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh nếu virus thực sự xâm nhập vào cơ thể con người.

Từ năm 2018, Pfizer đã “bắt tay” hãng dược BioNTech của Đức để nghiên cứu vaccine mRNA phòng cúm mùa. Trong tương lai, Pfizer có kế hoạch nghiên cứu thuốc mRNA phòng chống các virus gây bệnh hô hấp khác, ung thư và bệnh di truyền.

Trong khi đó, một hãng dược phẩm khác của Mỹ là Moderna cũng đang nghiên cứu một loại vaccine mRNA phòng bệnh cúm và vaccine phòng chống virus hợp bào hô hấp (RSV).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *