Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính, Quốc hội và Chính phủ giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xi măng trong nước.
Mỗi tấn xi măng và clinker xuất khẩu của Việt Nam đang gánh thêm chi phí thuế từ 4 USD/tấn – 7 USD/tấn kể từ khi áp dụng Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định 100/2016/NĐ-CP. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu xi măng sẽ bớt khó khăn hơn khi được giảm thuế.
Vừa qua, trong báo cáo rà soát kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp trong quý II và năm 2017 trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, để giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung trong nước, hiện các doanh nghiệp sản xuất xi măng đang tìm phương án xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiện tại, với mức thuế xuất khẩu 5% đối với xi măng Việt Nam xuất khẩu sẽ làm tăng chi phí cũng như khó cạnh tranh với các loại xi măng của Trung Quốc và các nước trong khu vực, Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhận định.
Thế nên, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã báo cáo Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định này. Mục đích là nhằm bảo đảm tính khoa học, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phù hợp với thực tế.
Giảm thuế xuất khẩu xi măng để gỡ khó cho doanh nghiệp trong nước.
Nghị định số 100/2010 và Nghị định số 209/2013 của Chính phủ quy định, từ ngày 1/7/2016, sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cùng với chi phí năng lượng chiếm 51% giá thành sản xuất trở lên được xếp vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) và không được khấu trừ VAT đầu vào.
Trong khi đó, Nghị định số 122/2016 của Chính phủ quy định, kể từ tháng 9/2016, nguyên liệu, vật tư có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế nhập khẩu 5%.
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, chi phí xuất khẩu clinker, xi măng (nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng) có thể tăng lên bởi không được khấu trừ VAT đầu vào và chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%. Cụ thể, với clinker khoảng 4,5 USD/tấn, xi măng khoảng 7,5 USD/tấn.
Hơn nữa, việc tăng chi phí này cũng sẽ khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam khó cạnh tranh với xi măng Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia. Đồng thời, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cung cầu xi măng trong nước.
Trước thực trạng đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho phép khấu trừ thuế VAT đầu vào, giảm thuế xuất khẩu xuống mức thấp hơn, từ đó góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
Được biết, Hiệp hội Xi măng Việt Nam trước đó cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch – Đầu tư, Xây dựng về việc áp dụng thuế xuất khẩu 5% và thuế VAT đối với mặt hàng xi măng clinker xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với giá xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam và các nước trong khu vực như hiện nay, sự cạnh tranh chỉ nằm trong mức chênh lệch 0.5USD – 1USD/tấn. Mỗi tấn xi măng và clinker xuất khẩu của Việt Nam đang gánh thêm chi phí thuế từ 4 USD/tấn – 7 USD/tấn kể từ khi áp dụng các Nghị định 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP.
Để giữ vững thị trường cũng như uy tín với bạn hàng, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải oằn mình bù lỗ cho những tấn hàng xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường, bạn hàng đã ký hợp đồng dài hạn.
Mặt khác, giá bán sau áp thuế xuất khẩu sẽ cao hơn hẳn các đối thủ trong khu vực sẽ khiến các các đối tác, bạn hàng phải từ bỏ thị trường Việt Nam, tìm đến những thị trường có giá cạnh tranh và ổn định hơn.
Trong dài hạn, nếu áp dụng thuế xuất khẩu 5% và không được khấu trừ thuế VAT đầu vào sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cho ngành xi măng bởi sự bế tắc và ế ẩm ở hoạt động xuất khẩu.
Theo dó, các doanh nghiệp xi măng sẽ đồng loạt giảm giá, khuyến mại, đưa hàng chục triệu tấn xi măng clinker quay lại thị trường nội địa. Điều này sẽ gây sự hỗn loạn thị trường xi măng trong nước, cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, giành giật lẫn nhau. Kết quả là, có thể dẫn đến việc giải thể, phá sản hoặc bán công ty.
Theo Báo Đầu tư Online