12 sai lầm khi thiết kế nội thất có thể làm mất sự tiện nghi, ấm cúng trong nhà bạn

Dù tự làm hay thuê thiết kế nội thất, thi công trọn gói thì bạn cũng nên nắm rõ một số quy tắc thiết kế cơ bản để tránh phạm phải một số sai lầm phổ biến dưới đây.

1. Không đo đạc trước khi mua nội thất, thiết bị

Cần xác định chính xác diện tích phòng, nơi đặt thiết bị nội thất trước khi mua để đảm bảo chúng vừa vặn, thuận tiện khi sử dụng.

Mua nồi, chảo, máy chế biến thực phẩm, lò vi sóng mà không đo trước sẽ dẫn đến việc chúng không vừa với không gian bếp của bạn. Điều này sẽ gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Giải pháp rất đơn giản: Đo đạc diện tích nơi bạn muốn đặt thiết bị, nội thất trước, sau đó đo lường chi tiết và chú ý đến cách mở của các thiết bị, đảm bảo rằng cách bố trí nhà bếp của bạn có thể chứa chúng một cách gọn gàng, thuận tiện khi sử dụng.

2. Chỉ có một nguồn sáng

Nếu chỉ có một nguồn sáng đèn duy nhất, căn phòng sẽ bị tối và mang lại cảm giác chật chội, bí bức hơn so với thực tế.

Đây là một trong những sai lầm phổ biến khi thiết kế nội thất, hoàn thiện không gian sống. Nếu chỉ có một nguồn sáng (nói tới ánh sáng đèn) thì nó không đủ để làm sáng toàn bộ căn phòng, thậm chí còn tạo cảm giác căn phòng như nhỏ hẹp hơn so với thực tế. Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất là sử dụng nhiều nguồn sáng cho ngôi nhà như đèn trần, đèn sàn, đèn bàn, thậm chí cũng cần thêm đèn trang trí, đèn nhấn…

3. Mua tất cả đồ đạc từ cùng một nơi

Mua tất cả đồ đạc từ cùng một nơi là một trong những sai lầm khi thiết kế nội thất.

Việc mua tất cả đồ đạc, nội thất từ cùng một nơi cũng giống như mua toàn bộ trang phục mà ma-nơ-canh đang mặc. Mặc dù nó trông có vẻ tốt nhưng có thể “phá hủy” không gian sống của bạn. Các chuyên gia khuyên rằng, gia chủ nên bổ sung nội thất và trang trí dần dần. Một ngôi nhà hoặc căn phòng sẽ phát triển theo thời gian – nơi đồ đạc hữu dụng được thêm vào từ từ. Điều này sẽ giúp ngôi nhà bạn ngăn nắp, có tính ứng dụng cao.

4. Mua nhiều vật dụng rẻ tiền, nhỏ lẻ

Thay vì mua nhiều món vật dụng nhỏ lẻ rẻ tiền, bạn nên đầu tư vào thiết bị nội thất chất lượng, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Khi thiết kế và bài trí nội thất nhà ở, nhiều người có xu hướng mua nhiều đồ vật hoặc phụ kiện nhỏ thay vì đầu tư vào một món đồ lớn như ghế sofa, tác phẩm nghệ thuật treo tường, phụ kiện decor đầu giường… Thực tế cho thấy, những thứ nhỏ nhặt vừa tốn kém, vừa khiến căn phòng trở nên rối mắt, thậm chí bừa bộn.

Giới chuyên gia thiết kế nội thất khuyến khích mua những thiết bị, vật dụng đa năng, có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn, một bàn làm việc nhỏ trong phòng ngủ có thể được sử dụng như một tủ đầu giường. Một chiếc ghế xoay trong phòng khách có thể dùng để ngồi xem tivi hoặc quay ra cửa sổ chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên bên ngoài. Như vậy, số lượng nội thất ít hơn, chất lượng hơn, đa năng hơn sẽ phục vụ bạn trong nhiều năm.

5. Sử dụng giường cao cho trẻ em

Thiết kế và bài trí giường ngủ của trẻ sao cho các bé thuận tiện, an toàn khi sử dụng.

Giường cho trẻ em nên được bố trí sao cho trẻ có thể trèo lên, trèo xuống dễ dàng mà không cần sự trợ giúp của người lớn. Đó không chỉ là vấn đề an toàn mà còn là cách sắp xếp phòng trẻ phù hợp để giúp chúng độc lập hơn, học hỏi mọi thứ nhanh hơn.

6. Sai kích thước tủ bếp

Việc đo đạc kích thước tủ bếp không chuẩn xác sẽ dẫn tới những bất tiện khi sử dụng.

Trong quá trình chế biến và nấu nướng, người nội trợ có thể bị đập đầu vào bề mặt hoặc cánh cửa tủ bếp nếu kích thước của tủ không đúng chuẩn. Theo các nhà thiết kế nội thất, nguyên nhân dẫn đến sự việc là do việc đo chiều sâu, chiều rộng của tủ bếp không chính xác. Do đó, ngay từ khâu thiết kế, chọn đồ, bạn cần lưu ý tới vấn đề này.

7. Chiều cao bàn bếp không phù hợp

Chiều cao bề mặt bàn bếp quá cao hoặc quá thấp đều khiến người dùng mỏi lưng, cổ.

Bề mặt bàn bếp nếu quá cao hoặc quá thấp đều gây phiền toái cho người nội trợ, có thể dẫn đến mỏi vai và đau lưng, cổ khi nấu nướng. Các chuyên gia khuyên bạn nên lấy số đo chiều cao phù hợp trước khi lắp đặt mặt bàn bếp. Nếu mắc phải sai lầm này, có hai giải pháp khắc phục tạm thời: Nếu mặt bàn quá thấp, hãy xếp thớt lên đó; nếu bàn bếp quá cao, bạn hãy đứng trên một chiếc ghế đẩu chắc chắn với chiều cao hợp lý.

8. Sắp xếp thiết bị, vật dụng nhà bếp kém

Để tiện lợi hơn, bạn nên sắp xếp thiết bị nhà bếp ở nơi phù hợp với thói quen nấu nướng.

Việc cất đặt, sắp xếp các thiết bị nhà bếp kém có thể dẫn đến thói quen nấu nướng lộn xộn. Thậm chí, quá trình nấu nướng có thể biến thành một cuộc “phiêu lưu” thực sự. Để khắc phục sự bất tiện này, các chuyên gia nội thất khuyên bạn nên lập sơ đồ lưu trữ cho các thiết bị nhà bếp và đặt chúng ở nơi phù hợp với thói quen nấu nướng của bạn. Lưu ý rằng, bất kỳ không gian nào bạn có thể sử dụng để treo thứ gì đó sẽ giải phóng không gian phẳng bên trong tủ.

9. Chọn backsplash có hoa văn 

Backsplash nên đơn giản với gam màu hài hòa với thiết kế tổng thể phòng bếp.

Theo các nhà thiết kế, một backsplash có hoa văn sẽ nhanh bị lỗi mốt hơn nhiều so với backsplash đơn giản. Chưa kể, việc làm sạch tường chắn có hoa văn cũng mất thời gian hơn và dễ bị bám bẩn hơn. Bạn nên sử dụng vật liệu ốp tường chắn bếp có tông màu đồng nhất, hài hòa với tổng thể không gian chung.

10. Không tối đa hóa không gian tường 

Tủ bếp trên cao kịch trần là lựa chọn phù hợp với những gian bếp nhỏ hẹp.

Trong một căn bếp nhỏ, mọi không gian đều có giá trị và những bức tường của bạn cung cấp không gian lưu trữ quý giá. Đưa tủ lên sát trần nhà có thể là một giải pháp tốt để tối đa hóa khả năng lưu trữ cho phòng bếp có diện tích khiêm tốn. Nếu bạn không thích ý tưởng về các dãy tủ kín, bạn luôn có thể kết hợp nó với kệ mở gắn tường.

11. Tư duy ngắn hạn trong thiết kế phòng tắm

Cần có tầm nhìn dài hạn khi thiết kế phòng tắm, sao cho đảm bảo an toàn và tiện dụng 
khi bạn già đi.

Nếu đó là ngôi nhà mà gia đình bạn định cư lâu dài, nên nghĩ đến việc thiết kế phòng tắm sao cho an toàn và hiệu quả ngay cả khi bạn già đi. Bề mặt vật liệu lát sàn nhà tắm, tay nắm, buồng tắm đứng có thanh vịn, cần gạt có thể giúp bạn di chuyển xung quanh an toàn và dễ dàng hơn. Nếu bạn chưa sẵn sàng cho việc đó thì nên để trống để thêm các chi tiết này sau.

12. Bỏ qua khoảng cách đặt ống khi mua các thiết bị phòng tắm 

Vấn đề tiêu thoát nước vô cùng quan trọng khi thiết kế nhà vệ sinh, phòng tắm.

Phòng tắm là không gian chức năng ngày càng được chú trọng hơn khi thiết kế nội thất. Đối với phòng tắm, nhà vệ sinh, bồn cầu cần đặt ở vị trí cách đường ống tối đa 6m để giúp thoát nước nhanh chóng. Trong khi đó, vòi sen, bồn tắm và bồn rửa cách xa đường ống nước tối đa 4m.

Lam Giang

>> Điểm danh 11 xu hướng nội thất đã “hết thời”

>> Cập nhật nhanh các xu hướng trang trí nội thất 2021

>> Màu sắc trang trí nhà năm 2021: Xám tối thượng và vàng rực rỡ

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2021/01/12/12-sai-lam-khi-thiet-ke-noi-that-co-the-lam-mat-su-tien-nghi-am-cung-trong-nha-ban

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *