Một số ý tưởng cải tạo phòng giặt là đáng để tham khảo

Phòng giặt, góc giặt giũ tuy là không gian phụ trong nhà ở nhưng đôi khi chúng lại ảnh hưởng nhất định tới chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu khu vực chức năng này chưa mang lại sự thoải mái khi sử dụng, hãy cải tạo nó.

Việc giặt quần áo đôi khi mang lại cảm giác cực nhọc. Nguyên nhân chính có thể là do phòng giặt của bạn. Các nhà thiết kế và xây dựng thường để căn phòng này đơn giản và ít chức năng. Tuy nhiên, với những ngôi nhà cũ, phòng giặt có thể được bố trí ở tầng hầm với ánh sáng kém, sàn bê tông trần và không có nơi nào để treo quần áo hoặc cất giữ đồ cần thiết cho việc giặt là. 

Việc cải tạo phòng giặt là không quá phức tạp, ít tốn kém chi phí và ít ảnh hưởng tới kết cấu chung hơn so với tu sửa các khu vực chức năng khác trong nhà. Thế nhưng, để việc cải tạo mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây.

Cải tạo phòng giặt là để đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình, góp phần vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.

1. Lắp đặt sàn thoải mái

Sàn bê tông chưa hoàn thiện hay sàn bê tông thô không có vật liệu lát phủ đều là dấu hiệu chứng tỏ phòng giặt nhà bạn có vấn đề. Chưa xét đến tính thẩm mỹ, hẳn mọi người đều không thích thú đi lại hay đứng trên bề mặt sàn đó. Trong trường hợp này, bạn nên tìm vật liệu lát sàn thoải mái cho phòng giặt là.

Nếu vật liệu lát sàn nhà không mở rộng tới phòng giặt, bạn có thể chọn một lớp phủ sàn tốt, không thấm nước với giá cả phải chăng. Chẳng hạn, sàn nhựa vinyl và gạch men đều có khả năng chống thấm nước tốt. Với không gian thường xuyên tiếp xúc với nước này, bạn cần tránh vật liệu lát sàn chịu ẩm kém như gỗ cứng, gỗ tự nhiên chưa qua xử lý…

2. Cải thiện ánh sáng cho phòng giặt

Nếu phòng giặt của bạn được chiếu sáng bởi đèn trần hoặc đèn huỳnh quang, thì đã đến lúc thay mới thiết bị chiếu sáng nhân tạo. Thực tế cho thấy, ánh sáng mờ có thể khiến việc giặt giũ của bạn trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy ánh sáng đèn huỳnh quang rất khó chịu, nhức mắt.

Thế nên, bạn hãy mạnh dạn chuyển đổi hệ đèn trần đơn lẻ đó thành loạt đèn âm trần được lắp đặt thông minh. Đèn huỳnh quang có thể được thay thế bằng đèn tường, đèn âm trần hoặc đèn trần lắp chìm. Nếu phòng giặt có tủ tường, bạn có thể lắp đặt đèn gầm tủ để bổ sung ánh sáng cần thiết.

Ánh sáng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với phòng giặt. Ngoài tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, bạn nên bố trí đèn chiếu sáng phù hợp cho khu giặt là.

3. Tạo một nơi để gấp áo quần

Thật lý tưởng nếu bạn có thể giặt đồ, gấp đồ đã giặt khô một cách gọn gàng trước khi mang nó ra khỏi phòng giặt. Nếu sử dụng máy giặt cửa trước, bạn hãy thiết kế một kệ phía trên nóc máy hoặc một kệ hình chữ U gồm 3 phần, bao bọc trên đỉnh máy.

Nếu phòng giặt rộng rãi, bạn có thể mua một chiếc bàn cố định hoặc đặt thợ mộc làm riêng theo ý mình. Trong khi đó, với phòng giặt có diện tích khiêm tốn, nên ưu tiên bố trí những chiếc bàn gấp thông minh, có thể gập gọn vào tường khi không sử dụng. Kiểu bàn này được gắn ở một đầu bằng bản lề vào tường, đầu còn lại có chân bàn gập xuống.

4. Thiết kế tủ kệ lưu trữ

Phòng giặt của bạn không có các kệ tủ để lưu trữ, sắp xếp đồ đạc, chất giặt tẩy sử dụng hàng ngày? Đã đến lúc bạn nên suy nghĩ nghiêm túc về nó. Hầu hết các chủ nhà có phòng giặt riêng biệt đều yêu thích hệ tủ lưu trữ gọn đẹp hiện diện trong khu vực chức năng này. Các lựa chọn gồm: 

Nếu phòng giặt đủ rộng rãi, bạn có thể thiết kế hệ tủ kệ gắn tường xen kẽ giữa tủ kín – kệ mở để cất gọn các vật dụng thiết yếu.
  • Tủ tường lắp đặt ở độ cao ngang vai trở lên.
  • Kệ nổi nhỏ, gắn tường bằng chốt âm giúp cất gọn vật dụng nhẹ.

  • Tủ có cửa bằng kính trong suốt để dễ dàng thấy những gì được cất giữ bên trong.

  • Giỏ đựng đồ giặt có bánh xe.

  • Tủ tường lưu trữ các dụng cụ, chất giặt tẩy.

  • Các loại móc, giá treo thông minh.

5. Thêm bồn rửa tiện ích

Có thể bạn không hiểu tại sao cần phải có một bồn rửa (bồn inox hoặc lavabo) trong phòng giặt cho đến khi bạn thực sự sở hữu nó. Bồn rửa này mang lại nhiều tiện ích hơn bạn nghĩ. Đây là nơi giặt quần áo dính bùn hoặc quần áo cực bẩn trước khi cho chúng vào máy giặt. Bạn cũng có thể ngâm hoặc xử lý các vật dụng trong bồn rửa như chậu cây trồng, rửa cọ sơn…

Nếu chưa có ý tưởng thiết kế hoặc cải tạo phòng giặt, bạn có thể tham khảo chùm ảnh dưới đây:

Những chiếc kệ lắp quá cao nên không phát huy được tác dụng. Để khắc phục, gia chủ đã tận dụng những món đồ cũ từ phòng bếp như tủ và kệ lửng trên tường. Cùng với đó là một kệ dài phía trên máy giặt giúp cất gọn những vật dụng nhỏ, nhẹ trong phòng giặt.
Phòng giặt ban đầu giống như một kho chứa bừa bộn. Sau cải tạo, các kệ tủ được bố trí khoa học, phối màu hài hòa, đẹp mắt.
Khó có thể nhận ra phòng giặt cũ sau khi được cải tạo, thêm gạch thẻ ốp tường, kệ gỗ bao bọc máy giặt sấy và kệ mở gắn tường.
Với sơn tường màu sáng kết hợp với thiết bị chiếu sáng phù hợp, phòng giặt cũ "lột xác" ngoạn mục, mang lại cảm giác thoải mái cho người dùng.
Với sơn tường màu sáng kết hợp với thiết bị chiếu sáng phù hợp, phòng giặt cũ “lột xác” ngoạn mục, mang lại cảm giác thoải mái cho người dùng.
Sự lộn xộn, rối mắt phía trên máy giặt sấy hoàn toàn biến mất nhờ sự hiện diện của
hệ tủ lưu trữ cao kịch trần.
Hẳn bạn sẽ có cảm tình hơn với phòng giặt sau khi được cải tạo, làm mới.
Sau khi được tân trang, phòng giặt sấy tạo cảm hứng làm việc hơn hẳn.

Với những ý tưởng cải tạo phòng giặt là trên đây, hy vọng bạn đọc sẽ có được cải nhìn tổng quan hơn về không gian chức năng này trong nhà ở và biến nó thành khu vực tràn đầy cảm hứng làm việc, không còn cảm giác đơn điệu, nhàm chán như trước.

Lam Giang (TH)

>> Những lưu ý khi thiết kế và bài trí phòng giặt căn hộ chung cư

>> 20 ý tưởng thiết kế phòng giặt đảm bảo cả về công năng lẫn thẩm mỹ

Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/11/10/mot-so-y-tuong-cai-tao-phong-giat-la-dang-de-tham-khao

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *