Không chỉ bắt buộc đối với các kiến trúc sư mà cả gia chủ cũng nên nắm rõ các quy luật cơ bản trong thiết kế nội thất để tạo nên một không gian sống đảm bảo đáp ứng cả về công năng, tính thẩm mỹ và phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế.
MỤC LỤC 1. Quy luật cân bằng |
Như chúng ta đã biết, thiết kế nội thất là một trong những lĩnh vực đề cao sự sáng tạo, đột phá. Tuy nhiên, vẫn cần có những nguyên tắc, quy luật nhất định phải tuân thủ để đảm bảo tính thẩm mỹ cho tổng thể không gian.
Thực tế cho thấy, một công trình kiến trúc dù có tráng lệ, độc đáo đến đâu nhưng phần thiết kế nội thất không hài hòa cũng sẽ chỉ là một công trình chưa hoàn thiện. Đặc biệt, điều này còn gây khó khăn, bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình. Và dĩ nhiên, dự án đó không đạt yêu cầu.
Chính bởi vậy, để có một bản thiết kế nội thất hài hòa và đẹp mắt, bạn cần nắm vững 7 quy luật cơ bản sau đây.
1. Quy luật cân bằng
Đây là quy luật cơ bản nhất trong thiết kế nội thất. Cân bằng ở đây là sự cân đối của các yếu tố tạo nên không gian nội thất từ chiều cao, chiều rộng, màu sắc, ánh sáng, bố cục nội thất, phụ kiện trang trí… được phối kết với nhau tạo thành một tổng thể thống nhất, cân xứng, hài hòa.
Nói cách khác, cân bằng là sự phân bố trọng lượng bằng hình ảnh trong một căn phòng – một yếu tố cực kỳ quan trọng để kết hợp vào mọi không gian nội thất. Cân bằng có thể được thực hiện theo một trong ba cách sau:
Cân bằng đối xứng
Đây là kiểu cân bằng phổ biến trong thiết kế nội thất truyền thống. Hai nửa không gian được bố trí nội thất giống nhau, đối xứng qua một điểm trung tâm thẳng. Nếu bạn thấy một nửa không gian nội thất thì bạn có thể hình dung nửa còn lại một cách tương tự. Cân bằng đối xứng có ưu điểm là tạo nên sự gọn gàng, quy cũ cho không gian, phù hợp với những ai thích sự ngăn nắp.
Ví dụ, trong phòng khách, bức tường trống treo khung tranh hình chữ nhật cân đối, phía dưới đặt bộ sofa và ghế bành đối xứng hai bên. Cân bằng đối xứng còn được thể hiện ở cả đèn, gối tựa, chậu hoa, cây cảnh và phụ kiện trang trí khác.
Quy luật cân bằng đối xứng trong căn phòng này được thể hiện rõ rệt ở bộ gối tựa trên ghế sofa, đèn và bình hoa trang trí. |
Được bài trí theo lối cân bằng đối xứng, không gian tiếp khách hiện đại toát lên vẻ sang trọng, hài hòa và cực hút mắt. |
Cân bằng bất đối xứng
Cân bằng bất đối xứng được thực hiện bằng cách bài trí hai nửa không gian có diện mạo khác nhau nhưng trọng lượng và kết cấu thì tương đương. So với cân bằng đối xứng thì kiểu cân bằng này vẫn đảm bảo sự gọn gàng nhưng không quá gò bó, khuôn khổ. Cân bằng bất đối xứng vì thế có thể tạo ra những thiết kế nội thất sống động, độc đáo, hút mắt.
Ví dụ, cũng trong phòng khách, bạn có thể đặt một ghế sofa dài cân bằng với 2 ghế bành nhỏ. Cách bài trí này vẫn đảm bảo tạo ra sự cân bằng cho không gian vì vẫn có sự tương đồng về trọng lượng cũng như diện tích.
Mẫu phòng khách được bài trí theo quy luật cân bằng bất đối xứng không quá khuôn khổ, với bình cây xanh, gối tựa cùng tông màu tạo điểm nhấn sinh động. |
Đối xứng xuyên tâm
Khi tất cả các yếu tố của thiết kế nội thất được sắp xếp xung quanh một điểm trung tâm cố định thì đó là kiểu đối xứng xuyên tâm. Đối xứng xuyên tâm tạo cảm giác quây quần sum họp. Tuy không được ứng dụng phổ biến trong bài trí nhà phố/căn hộ nhưng đối xứng xuyên tâm có thể tạo ra những thiết kế vô cùng độc đáo và ấn tượng nếu bạn biết cách kết hợp khéo léo.
Trên thực tế, để tạo ra đối xứng xuyên tâm, kiến trúc sư thường lấy một điểm làm trung tâm, từ đó tỏa ra theo hình xoắn ốc. Chẳng hạn, cầu thang trong những căn phòng có trần cao, diện tích rộng rãi, ghế sofa cong mềm mại, thảm tròn và những đồ vật có đường cong cũng có thể trở thành trung tâm để bố trí nội thất, phụ kiện đối xứng, xoay xung quanh.
Ghế sofa dài, hai ghế bành và ghế phụ được đặt xoay xung quanh bàn trà và đối xứng qua món nội thất trung tâm này. |
>>> Xem thêm: Đại dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng thiết kế nội thất như thế nào?
2. Quy luật hài hòa
Đây cũng là một trong những quy luật thiết kế nội thất cơ bản mà bạn cần nắm vững bởi nó là yếu tố tất yếu đối với bất kỳ công trình kiến trúc, nhà ở nào. Quy luật hài hòa dựa trên một tập hợp các yếu tố có cùng đặc điểm về hình dáng, màu sắc, chất liệu… Tất cả được phối kết với nhau theo một chủ đề, phong cách, tâm trạng, tạo nên tổng thể không gian thống nhất, dễ chịu và có sức hút đặc biệt ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Điều này giải thích vì sao các nhà thiết kế thường khuyên bạn nên chọn phong cách đồng nhất cho không gian sống. Theo đó, không gian nội thất nên được thiết kế liền mạch, tránh vượt quá tỷ lệ cho phép hay quá phá cách. Đồ nội thất nên chọn cùng một tông màu với nhiều sắc thái khác nhau để tạo sự đồng nhất, hài hòa. Gia chủ nên chọn các đồ nội thất chính trước, rồi dựa vào đó để lựa chọn những món nhỏ hơn có cùng tính chất.
Những món đồ nội thất chính có sự tương đồng về màu sắc tạo sự hài hòa cho căn phòng. |
Sự hài hòa trong không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách liên thông khu bếp nấu và phòng ăn được thể hiện ở màu sắc tương đồng, không quá tương phản. |
3. Quy luật nhịp điệu
Quy luật nhịp điệu trong thiết kế nội thất là sự dịch chuyển và lặp lại của các đường nét, màu sắc, hình dáng, chi tiết, bố cục… Tất cả tạo nên một dòng chảy êm đềm, điều hướng tầm nhìn, đảm bảo sự hài hòa hoặc điểm nhấn ấn tượng cho không gian phòng. Thông thường, sự lặp lại hình ảnh sẽ từ 3 lần trở lên và được tạo thành bởi 3 cách sau:
-
Nhịp điệu từ sự lặp lại các đối tượng: Các đối tượng lặp lại tạo ra nhịp điệu. Có thể lặp lại về màu sắc, phong cách hoặc đồ nội thất bên trong ngôi nhà của bạn.
-
Nhịp điệu từ các chuỗi đối tượng: Chuỗi đối tượng chính là sự thay đổi về hình dáng từ nhỏ tới lớn và ngược lại. Chẳng hạn, nó có thể là sự biến đổi của các ngăn bàn, tủ kệ, giá sách trong phòng.
-
Nhịp điệu từ sự liên tục: Đây là cách điều hướng mắt nhìn liên tục từ điểm này sang điểm khác. Chẳng hạn như thiết kế vòm, gờ phào, các loại giá kệ lưu trữ, để đồ trong một căn phòng…
Như vậy, quy luật nhịp điệu trong thiết kế nội thất tựa như một đường dẫn giúp người ngắm “đọc” được những phần quan trọng trong ý đồ thiết kế của kiến trúc sư. Để tạo ra một không gian sống lý tưởng, vừa hài hòa, vừa có điểm nhấn hút mắt, bạn có thể ứng dụng cả 3 hình thức của quy luật nhịp điệu nêu trên.
Thoạt nhìn, bạn cũng có thể nhận ra nhịp điệu về màu sắc giữa màu ghế sofa, ghế xoay và đèn sàn kiểu dáng cực bắt mắt. |
Việc sử dụng lặp lại màu sắc tạo ra nhịp điệu cho nội thất phòng khách. |
Quy luật nhịp điệu trong thiết kế nội thất được tạo ra dưới dạng chuỗi. |
Thiết kế nội thất phòng ăn với nhịp điệu được lặp lại liên tục ở giá sách với các ô ngang điều hướng ánh mắt nhìn lên. |
4. Quy luật nhấn mạnh
Trong thiết kế nội thất, quy luật nhấn mạnh được ứng dụng phổ biến và rất được yêu thích. Nhấn mạnh ở đây là tạo ra điểm nhấn, tâm điểm thu hút sự chú ý, tập trung cho không gian thông qua việc sắp đặt, phối màu, sử dụng phụ kiện trang trí… để làm nổi bật nét đặc trưng, độc đáo, riêng biệt của đồ nội thất.
Để có thể áp dụng quy luật nhấn mạnh một cách hiệu quả và tối ưu nhất, bạn phải tạo ra được tâm điểm trong một bố cục của thiết kế nội thất nhất định. Điểm nhấn hút mắt có thể là bức tranh treo tường, tranh nghệ thuật trừu tượng, đèn chùm trang trí tinh tế, gương lớn, tác phẩm điêu khắc, phụ kiện độc đáo hay thậm chí là mảng tường ngập tràn cây xanh…
Với bố cục ở hình trên, ý tưởng nhấn mạnh là bức tranh được sắp xếp khác biệt với các phần còn lại. Chẳng hạn, màu ghế sofa sẽ nhạt hơn để làm phông nền lý tưởng cho tranh nghệ thuật treo tường càng thêm nổi bật. |
Lò sưởi và gương lớn là điểm nhấn của thiết kế nội thất phòng khách. Chúng thực sự rất hút mắt ngay từ ánh nhìn đầu tiên. |
5. Quy luật tương phản
Trong nghệ thuật cũng như thiết kế nội thất, quy luật tương phản xảy ra khi có hai hoặc nhiều yếu tố khác nhau, đối lập nhau. Có rất nhiều loại tương phản, phổ biến và thường gặp gồm các loại sau:
-
Màu sắc: Nóng – lạnh
-
Chất liệu: Mịn – thô ráp
-
Hình dáng: Vuông – tròn
-
Hình khối: Lớn – nhỏ, đặc – rỗng
-
Đường nét: Thẳng – cong
-
Không gian: Rộng – hẹp
-
Nhịp điệu: Nhanh – chậm
Lưu ý, khi áp dụng quy luật tương phản trong thiết kế nội thất, bạn cần chọn được hai đối tượng tương phản phù hợp, sao cho chúng có thể kết hợp để tạo ra nét đặc trưng, khác biệt cho không gian sống. Mặt khác, cần có sự bố trí, sắp xếp nội thất hài hòa, hợp lý để tránh gây lộn xộn, rối mắt.
Sự tương phản màu sắc giữa màu nóng và màu lạnh tạo nên sức hút khó cưỡng cho không gian ngủ nghỉ phong cách hiện đại. |
6. Quy luật tỷ lệ
Tỷ lệ trong thiết kế nội thất là mối quan hệ hài hòa, so sánh giữa hai hoặc nhiều yếu tố trong một thành phần liên quan tới màu sắc, kích thước, số lượng, cách sắp xếp, bài trí… Quy luật tỷ lệ phản ánh kích cỡ các đồ nội thất trong thành phần quan hệ và tổng thể của kiến trúc.
Với tỷ lệ hợp lý, ngôi nhà hay căn phòng của bạn sẽ trở nên thoáng đẹp, hài hòa và cuốn hút hơn. Tỷ lệ 1/3 được xem là tỷ lệ “vàng”, được sử dụng phổ biến nhất khi thiết kế và bài trí nội thất.
Bạn cần chú ý tới quy luật tỷ lệ này nhằm hạn chế tối đa sự thô kệch, lệch lạc trong trang trí các phòng chức năng trong nhà, từ phòng khách, phòng ngủ, bếp ăn tới phòng tắm, vệ sinh.
Quy luật tỷ lệ trong thiết kế nội thất phản ánh kích cỡ đồ nội thất trong thành phần quan hệ và tổng thể của cấu trúc căn phòng. |
7. Quy luật cân xứng
Quy luật cân xứng là mối quan hệ giữa kích thước và hình dạng của các thành phần trong không gian để đạt được sự cân bằng, đồng nhất trong thiết kế nội thất. Sự cân xứng bao gồm những mối liên quan về chiều rộng, chiều cao, chiều sâu với không gian xung quanh. Chẳng hạn, bạn không nên đặt một bộ bàn ghế quá nhỏ trong căn phòng quá rộng hay bộ ghế sofa quá lớn trong phòng khách quá nhỏ hẹp.
Đồ nội thất phòng khách được thiết kế phù hợp với không gian mà chúng được đặt vào. Ví dụ, sử dụng gối tựa cỡ lớn cho ghế sofa dài hay tránh sử dụng các đồ vật quá lớn trong một căn phòng có diện tích khiêm tốn. |
Tóm lại, 7 quy luật nêu trên chính là những kiến thức cơ bản nhất về thiết kế nội thất mà bạn nên tìm hiểu và nắm vững khi bài trí không gian sống của mình. Những quy luật này được xem là nền tảng để có thể thiết kế được một ngôi nhà hoặc căn hộ đẹp, ấn tượng, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Lam Giang (TH)
>> Nhà luôn đẹp nếu được trang trí theo quy luật số 3
>> Học chuyên gia áp dụng công thức 60-30-10 bất bại trong thiết kế nội thất
>> 14 thiết kế nội thất không còn phù hợp với ngôi nhà hiện đại
>> 11 xu hướng thiết kế nội thất gây sẽ “bão” trong thập kỷ tới
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/09/07/tim-hieu-7-quy-luat-co-ban-trong-thiet-ke-noi-that