Hỏi: Gia đình tôi có 3 anh em ở tỉnh Hà Nam. Tôi là con cả, đã lập gia đình, mua nhà sống ở Hà Nội. Với lý do có kinh tế khá nhất nhà nên tôi không được chia thừa kế đất ở quê.
Tuy không giàu có nhưng bố mẹ tôi có đất đai quanh nhà khá rộng. Sau khi kết hôn, 2 em trai tôi vẫn ở chung cùng ông bà và cơi nới nhà rộng rãi hơn. Hiện tại, bố mẹ tôi đã qua đời song không có di chúc để lại. Gần đây, 2 em trai tôi bàn việc chia đất thừa kế. Họ nói rằng, tôi không có phần vì đã có nhà ở Hà Nội, kinh tế lại khá giả nhất.
Tôi rất bất bình, thấy như vậy là không công bằng. Đề đòi quyền thừa kế hợp pháp của mình, tôi phải làm gì thưa luật sư? Tài sản sẽ của bố mẹ để lại nhưng không có di chúc sẽ được chia đều cho các con?
Xin cảm ơn!
(Lục San)
“Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;” (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trả lời:
Điều 609, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”
Những trường hợp thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 650, Bộ Luật Dân sự năm 2015 như sau:
“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Theo quy định tại Điều 651, Bộ Luật Dân sự năm 2015, những người thừa kế theo pháp luật có thứ tự như sau:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Căn cứ theo các quy định nêu trên, trường hợp bố mẹ bạn trước khi qua đời không có di chúc để lại, đồng thời không có ai khác cùng hàng thừa kế với 3 anh em bạn (mẹ đẻ, cha đẻ, mẹ nuôi, cha nuôi, con riêng, con nuôi của cha mẹ bạn) thì di sản thừa kế (nhà đất) sẽ được chia đều cho 3 người.
Bạn có thể thỏa thuận với 2 em trai và những người khác cùng hàng thừa kế (nếu có) nhằm bảo vệ quyền thừa kế hợp pháp của mình. Tuy nhiên, bạn có thể thỏa thuận để nhận phần di sản thừa kế ít hơn phần mà bạn đáng lẽ được hưởng nếu thấy mình có điều kiện kinh tế khá giả hơn và muốn chia sẻ với các em.
Song, nếu không thể thỏa thuận được với 2 em trai, bạn có thể khởi kiện ra TAND nơi 2 em bạn đang cư trú để được giải quyết theo quy định hiện hành của pháp luật.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
(Công ty luật Bảo An, Hà Nội)
Theo Vnexpress