Nhiều thực phẩm được cho thêm gia vị là rượu, bia để tăng độ thơm ngon nhưng người ăn lo ngại sẽ bị thổi phạt nồng độ cồn sau khi dùng bữa.
Ngày Tết, ngoài các món ăn chiên rán, tôi thường hấp bia với hải sản như mực, tôm, cá hoặc hầm gà với rượu vang. Nhiều người trong gia đình ăn nhưng lo ngại có thể vi phạm nồng độ cồn nếu tham gia giao thông. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi! (Vũ Thanh Hòa – Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, Hà Nội tư vấn:
Ngày Tết, các gia đình quây quần không thể thiếu những món ăn ngon. Ngoài các món cổ truyền như thịt đông, giò chả, bánh chưng, thịt kho tàu… nhiều người có các lựa chọn khác để thay đổi thực đơn ngày Tết. Trong đó, các món hấp như cá, tôm, mực khá phổ biến. Người nội trợ thường cho thêm bia để tăng độ thơm ngon của thành phẩm.
Ngoài ra, nhiều món cũng dùng rượu mạnh, rượu vang để chế biến như món gà, chân giò hầm rượu. Khi chín, nồng độ cồn trong món ăn vẫn còn nhưng không đáng kể. Khoảng 30 phút sau khi ăn hoặc khi uống nhiều nước lọc, cơ thể sẽ đào thải hết cồn.
Hiện nay, chúng ta không thể tính toán tuyệt đối bao nhiều lâu sau khi ăn thực phẩm chứa cồn, uống rượu bia sẽ hết cồn trong hơi thở, m.áu vì hàm lượng này tùy vào cơ thể mỗi người và cách ăn uống. Ví dụ, có người ăn rất nhiều rồi mới uống bia. Khi đó, bia được hấp thu 20% ở dạ dày và 80% ở ruột non. Khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Theo quy định, khi bạn lái xe tham gia giao thông, nồng độ cồn phải bằng 0. Nếu bạn ăn thực phẩm hấp bia, rượu và lực lượng chức năng thổi nồng độ cồn, bạn có thể xin thổi lại sau 15 phút nghỉ ngơi, uống thêm nước.
Uống một lon bia lúc 19h, ba tiếng sau cơ thể còn nồng độ cồn không?
Theo chuyên gia, thông thường, một đơn vị cồn mất 1 tiếng để gan đào thải hết và 2 tiếng nữa để hết toàn bộ trong hơi thở.
Như vậy, người uống một lon bia mất khoảng 3 tiếng để nồng độ cồn về 0%.
Tôi rất thích uống 1 lon bia vào bữa ăn, nó trở thành thói quen, không có sẽ thấy khó chịu. Buổi tối tôi uống 1 lon bia lúc 19h, đến 21h vào ca trực, nếu tôi tham gia giao thông còn có nguy cơ vi phạm nồng độ cồn không? Xin cảm ơn! (Nguyễn Anh Đức, Ba Đình, Hà Nội).
Uống một lon bia mất khoảng 3 tiếng để nồng độ cồn về 0%. Ảnh: A.I
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội), tư vấn:
Hiện nay, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Tôi uống 1 lượng cồn nhất định, sau bao lâu thì thổi nồng độ cồn bằng 0”. Nồng độ cồn tùy vào cơ thể của từng người, vì vậy thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau. Thông thường, một đơn vị cồn mất 1 tiếng để gan đào thải hết và 2 tiếng nữa để hết toàn bộ trong hơi thở. Như vậy, bạn uống một lon bia mất khoảng 3 tiếng để nồng độ cồn về 0%.
Khi uống bia rượu, chỉ sau 5 phút đã có tác động lên não làm tăng tiết dopamin giúp cho cơ thể khoan khoái dễ chịu và có phần hưng phấn quên hết mệt nhọc. Đây là lý do nhiều người thích uống bia, rượu. Một đơn vị cồn tương đương 10g cồn (ethanol) nguyên chất chứa trong bia hoặc rượu.
Cách tính đơn vị cồn trong bia, rượu: Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi)
Ví dụ: một lon bia 330 ml và nồng độ cồn 5% sẽ có số gram cồn là: 330 x 0,05 x 0,79 = 13 g; tương đương 1,3 đơn vị cồn.
Như vậy, một đơn vị cồn tương đương với:
– 3/4 lon bia 330 ml (5%)
– Một cốc bia hơi 330 ml (4%)
– Một ly rượu vang 100 ml (13,5%)
– Hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%)
Theo khuyến cáo của Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, tiêu thụ rượu ở mức trung bình là khi uống không quá 2 đơn vị rượu/ngày với nam giới và không quá 1 đơn vị /ngày với nữ giới. Uống rượu nhiều là khi uống trên 4 đơn vị rượu /ngày với nam giới và trên 3 đơn vị /ngày với nữ giới. Nếu tham gia giao thông, bạn cân nhắc việc uống bia cho phù hợp với công việc, sức khỏe và không vi phạm nồng độ cồn.