Hỏi: Gia đình tôi sinh sống trên địa bàn xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn, có một căn nhà xây trên đất thời điểm trước năm 1993, cho đến nay không hề xảy ra tranh chấp.
Nhưng chúng tôi đã kê khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đợt nhiều lần mà vẫn không được giải quyết. Vậy tôi muốn hỏi, gia đình tôi cần làm gì để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và cần phải nộp những khoản chi phí gì?
Lò Văn Đức (Sơn La)
Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Sơn La trả lời:
Điều kiện, hồ sơ cấp GCNQSDĐ
Như thông tin ông Lò Văn Đức nêu trên, gia đình ông đã “kê khai làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đợt”, như vậy, hồ sơ cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của hộ gia đình được triển khai đồng loạt theo dự án, nhưng hiện chưa có kết quả. Việc gia đình ông cần làm lúc này là liên hệ với bộ phận một cửa UBND xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thuận Châu để biết thêm thông tin về tiến độ hồ sơ đến đâu, cần bổ sung thêm các loại giấy tờ gì để hồ sơ được hoàn thiện.
Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn sẽ được miễn lệ phí địa chính, phí cấp giấy chứng nhận. |
Nếu gia đình ông muốn trực tiếp nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận thì liên hệ với bộ phận một cửa UBND xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu hoặc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Thuận Châu để nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT- BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên & Môi trường, hồ sơ gồm có các loại giấy tờ như sau:
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;
– Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
– Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
Mức tiền sử dụng đất
Có thể hiểu mức phí mà ông Lò Văn Đức đề cập như trên là: Tiền sử dụng đất, phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất và lệ phí địa chính và phí trích đo bản đồ khu đất (nếu có).
Ngôi nhà của ông Đức được xây dựng trước ngày 1/1/1993 nhưng lại không nêu rõ về diện tích xây dựng và diện tích đề nghị cấp GCNQSDĐ. Do đó, Sở Tài nguyên & Môi trường không thể xác định chính xác mức thu tiền sử dụng đất của trường hợp trên, tuy nhiên, ông có thể tham khảo mức thu tiền sử dụng đất như sau:
– Đối với diện tích đất nông nghiệp (gồm: Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng và đất nuôi trồng thủy sản) thì không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai (cụ thể hạn mức: Không quá 2 ha đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, không quá 30 ha đối với đất trông cây lâu năm, không quá 30 ha đối với đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất), trường hợp hộ gia đình sử dụng đất vượt hạn mức quy định nêu trên thì phải chuyển sang thuê đất.
– Đối với diện tích đất ở (diện tích hộ gia đình đề nghị cấp GCNQSDĐ) đang sử dụng ổn định mà có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 thì được cấp Giấy chứng nhận như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– GCNQSDĐ tạm thời được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15/10/1993;
– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;
– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật;
– Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
– Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ gồm:
+ Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18/12/1980.
+ Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan Nhà nước đang quản lý, bao gồm: Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp; Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do UBND cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập; Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.
Trường hợp trong đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất có sự khác nhau giữa thời điểm làm đơn và thời điểm xác nhận thì thời điểm xác lập đơn được tính theo thời điểm sớm nhất ghi trong đơn;
+ Giấy tờ về việc chứng nhận đã đăng ký quyền sử dụng đất của UBND cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh cấp cho người sử dụng đất;
+ Giấy tờ về việc kê khai đăng ký nhà cửa được UBND cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh xác nhận mà trong đó có ghi diện tích đất có nhà ở;
+ Giấy tờ của đơn vị quốc phòng giao đất cho cán bộ, chiến sỹ làm nhà ở trước ngày 15/10/1993 theo Chỉ thị số 282/CT-QP ngày 11/7/1991 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mà việc giao đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất làm nhà ở của cán bộ, chiến sỹ trong quy hoạch đất quốc phòng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
– Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có).
– Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép.
– Giấy tờ tạm giao đất của UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được UBND cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước ngày 1/7/1980 hoặc được UBND cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận.
– Giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân (cấp) cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách Nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng. Trường hợp xây dựng nhà ở bằng vốn ngân sách Nhà nước thì phải bàn giao quỹ nhà ở đó cho cơ quan quản lý nhà ở của địa phương để quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Bản sao giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và các giấy tờ quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này có xác nhận của UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành cấp huyện, cấp tỉnh đối với trường hợp bản gốc giấy tờ này đã bị thất lạc và cơ quan nhà nước không còn lưu giữ hồ sơ quản lý việc cấp loại giấy tờ đó.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
3. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Tại Điều 6 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ đã quy định cụ thể về mức tiền sử dụng đất như sau:
“Điều 6. Thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất (cấp Giấy chứng nhận) cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai.
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/10/1993; tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất không có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, nếu được cấp Giấy chứng nhận thì thu tiền sử dụng đất như sau:
a) Trường hợp đất có nhà ở thì người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đang sử dụng trong hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân; đối với diện tích đất ở vượt hạn mức công nhận đất ở (nếu có) thì phải nộp tiền sử dụng đất bằng 50% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 3, Điều 3 Nghị định này tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
… 2. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để ở mà tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất đã có một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 22 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, nhưng nay nếu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì phải nộp 50% tiền sử dụng đất đối với diện tích đất trong hạn mức công nhận đất ở theo giá đất quy định tại Bảng giá đất; nộp 100% tiền sử dụng đất đối với diện tích đất vượt hạn mức công nhận đất ở theo giá đất quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 3, Điều 3 Nghị định này tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất và lệ phí cấp GCNQSDĐ
Tại Phụ lục số 05 kèm theo Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh Sơn La đã nêu rõ về phí thẩm định, hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Cụ thể:
Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn sẽ được miễn lệ phí địa chính, phí cấp giấy chứng nhận.
Còn phí trích đo địa chính thửa đất sẽ phụ thuộc vào diện tích và tỷ lệ bản đồ trích đo thửa đất đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Căn cứ theo các quy định trên, Sở Tài nguyên & Môi trường đề nghị hộ gia đình ông Lò Văn Đức cần liên hệ với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thuận Châu để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Theo chinhphu.vn