Hãng dược Moderna ngày 9/9 cho biết, họ đang nghiên cứu phát triển vắc xin kết hợp giữa liều tăng cường chống Covid-19 với vắc xin phòng cúm.
Moderna đang nghiên cứu phát triển kết hợp vắc xin ngừa Covid-19 tăng cường với vắc xin cúm (Ảnh minh họa: Reuters).
“Hôm nay, chúng tôi công bố bước đầu tiên trong chương trình vắc xin hô hấp mới. Chúng tôi đang phát triển một loại vắc xin kết hợp giữa liều tiêm Covid-19 nhắc lại và vắc xin ngừa bệnh cúm.
Chúng tôi tin rằng đây là cơ hội rất lớn phía trước, nếu chúng ta có thể đưa ra thị trường một loại vắc xin tăng cường hiệu quả và sử dụng hàng năm để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp”, giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel phát biểu trước các nhà đầu tư ngày 9/9.
Các thử nghiệm lâm sàng kết hợp vắc xin này có thể được bắt đầu trong vòng 6-12 tháng tới. Ông Bancel lạc quan nói: “Chúng tôi tin rằng Moderna có thể tiên phong đưa ra thị trường cơ hội mới quan trọng này”.
Moderna hy vọng có thể kết hợp thêm vắc xin virus hợp bào hô hấp (RSV) và các bệnh hô hấp khác vào loại vắc xin đang phát triển. Khi đó, con người chỉ cần tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh đường hô hấp mỗi năm một lần. Moderna đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vắc xin RSV ở người cao t.uổi.
Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Mũi một Moderna, mũi 2 Pfizer có tăng nguy cơ?
Việc tiêm trả mũi 2 bằng vắc xin Pfizer với người đã tiêm mũi đầu tiên bằng vắc xin Moderna có làm tăng nguy cơ xuất hiện phản ứng phụ?
Trả lời:
Theo TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nguyên tắc chung để vắc xin có thể thay thế cho nhau là phải cùng chỉ định và thời gian sử dụng, cho cùng một nhóm đối tượng, chứa kháng nguyên tương đương, giống nhau về độ an toàn, tác dụng phụ, tính sinh miễn dịch và hiệu quả.
Tuy nhiên, khi sử dụng 2 loại vắc xin khác nhau, người được tiêm cũng cần chấp nhận một số nguy cơ về phản ứng phụ do các tá dược của chúng.
Tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh minh họa)
TS Điền phân tích: “Giả sử trong thành phần của vắc xin thứ nhất có 8 loại tá dược, loại vắc xin thứ 2 có 7 loại tá dược. Trong khi đó, chỉ có 3 loại tá dược trong số này giống nhau. Với người được tiêm, ngoài kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, cơ thể sẽ có thể có nguy cơ phản ứng với tổng cộng 12 loại tá dược khác nhau từ 2 loại vắc xin”.
Tuy nhiên, trong tình hình thiếu vắc xin thì một số nước sử dụng tiêm chéo vắc xin. Qua nghiên cứu ở các nước Canada, Mỹ… thì việc sử dụng vắc xin cùng loại, hay tiêm chéo vắc xin này với vắc xin khác thì hiệu quả tốt, chưa ghi nhận tai biến xảy ra.
Lấy dẫn chứng thực tế từ 2 loại vắc xin vừa được Bộ Y tế cho phép tiêm chéo là Moderna và Pfizer, theo chuyên gia này, 2 loại vắc xin được phát triển cùng dựa trên công nghệ mARN.
Về nguyên lý hoạt động, khi vắc xin mARN được tiêm vào cơ thể, các mARN sẽ đi vào và nằm bên trong các tế bào miễn dịch, kích thích các tế bào tạo ra các mảnh protein. Sau khi mảnh protein được tạo ra, tế bào sẽ phá vỡ các mARN và loại bỏ chúng.
Tiếp theo, các tế bào sẽ hiển thị các mảnh protein lên trên bề mặt, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ nhận ra rằng các mảnh protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo ra các phản ứng miễn dịch và tạo kháng thể chống lại các mảnh protein này, điều này giống như những gì xảy ra khi nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên.
Mặc dù được sản xuất với cùng công nghệ, nhưng 2 loại vắc xin này vẫn có những điểm khác biệt nhất định về các tá dược trong thành phần.
“Đây là nguyên nhân gây ra nguy cơ phản ứng phụ đối với người tiêm 2 mũi vắc xin khác loại khi cơ thể đáp ứng với các tá dược khác nhau. Cũng chính vì vấn đề này, khuyến cáo về việc tiêm chéo vắc xin phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng”, TS Điền nhận định.
Trả lời cho câu hỏi về hiệu quả sinh miễn dịch sau khi tiêm chéo mũi một vắc xin Moderna, mũi 2 vắc xin Pfizer, TS Điền cho hay, hiện thế giới chưa có nghiên cứu và đ.ánh giá chi tiết về hiệu quả sinh miễn dịch sau khi tiêm chéo 2 loại vắc xin.
“Hiệu quả của Pfizer và Moderna trong việc bảo vệ chống lại Covid-19 đã được khẳng định khoảng 95% sau khi tiêm đủ 2 liều. Tuy nhiên, nếu tiêm mũi một vắc xin Moderna, mũi 2 vắc xin Pfizer, tỷ lệ bảo vệ là bao nhiêu phần trăm vẫn chưa được công bố đầy đủ”, TS Điền phân tích.
Tại một số địa phương như Hà Nội và TPHCM thời gian qua đã có xảy ra tình trạng hết vắc xin Moderna để tiêm mũi hai cho những người đã tiêm mũi một.
Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vắc xin nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng, khi nguồn cung vắc xin Covid-19 mũi một đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2.
Cụ thể:
– Nếu tiêm mũi một vắc xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất.
– Nếu tiêm mũi một vắc xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.
Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, tuy vẫn nên ưu tiên tiêm 2 mũi vắc xin cùng một loại, nhưng đối với vắc xin mARN thì trong các tình huống ngoại lệ như không nhớ mũi thứ nhất đã tiêm loại vắc xin gì, hay không có sẵn sản phẩm vắc xin cùng loại cho lần tiêm mũi 2, thì có thể sử dụng bất cứ loại vắc xin mARN nào sẵn có để sử dụng với khoảng cách tối thiểu 28 ngày.
Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada thông báo khi không có sẵn một loại vắc xin mARN hoặc không rõ nguồn gốc của mũi một, có thể tiêm một loại vắc xin mARN khác.