PGĐ Sở Y tế TPHCM cho biết, vắc xin Moderna và Pfizer có cùng công nghệ sản xuất, có điểm tương đồng.
Trong trường hợp thiếu vắc xin Moderna để tiêm mũi 2, vắc xin Pfizer có thể được thay thế.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn chiều 7/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, hiện tại trên thế giới có 4 công nghệ sản xuất vắc xin khác nhau.
Công nghệ thứ nhất sử dụng một loại virus khác nhưng có đoạn gen tương đồng của SARS-CoV-2. Hiện tại, các loại vắc xin sử dụng công nghệ này là AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnik V.
Công nghệ thứ 2 dùng mã di truyền. Hiện thế giới có 2 loại vắc xin Covid-19 áp dụng công nghệ này là Pfizer và Moderna.
Công nghệ thứ 3 sử dụng một đoạn protein của virus.
Công nghệ thứ 4 sử dụng virus gây bệnh nhưng đã làm giảm độc lực.
Vắc xin Covid-19 Pfizer và Moderna sử dụng cùng một công nghệ sản xuất.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, theo phân loại, vắc xin Covid-19 Pfizer và Moderna sử dụng cùng một công nghệ sản xuất. Hiện nay, theo các hướng dẫn của ngành y, thành phố có thể tiêm các loại vắc xin Covid-19 có công nghệ tương đồng với nhau.
“Canada và Mỹ đã áp dụng phương án tiêm trộn vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm trộn đạt hiệu quả tốt và chưa ghi nhận tình huống nguy hiểm nào”, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, hiện tại, việc khan hiếm vắc xin Covid-19 là vấn đề của toàn cầu, TPHCM cũng không ngoại lệ. Do đó, các đội tiêm trên toàn địa bàn đang sử dụng các loại vắc xin phù hợp nhất để tiêm mũi 2 cho trường hợp đã tiêm mũi một.
“Quan điểm của ngành y thành phố là nếu thiếu một loại vắc xin nào đó để tiêm mũi 2 cho người dân, các đơn vị cần cân đối, lựa chọn loại vắc xin khác. Loại vắc xin đó cần đảm bảo an toàn nhất và phù hợp nhất”, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM khẳng định.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, thông tin tính riêng trong đợt 5, thành phố đã tiêm tổng cộng hơn 6,1 triệu mũi vắc xin Covid-19.
Tổng cộng từ trước đến nay, hơn 6,9 triệu người trên 18 t.uổi tại TPHCM đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19, đạt tỷ lệ 89%.
Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là bao lâu?
Hầu hết các vắc xin phòng Covid-19 hiện nay đều tiêm 2 liều, vậy khoảng cách giữa hai liều là bao lâu? Quá thời gian trên, vắc xin liệu còn tác dụng?
Đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện một số vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bao gồm:
– Vắc xin AstraZeneca do hãng AstraZeneca sản xuất.
– Vắc xin Gam-Covid-Vac (tên khác là Sputnik V) của JSC Generium – Liên Bang Nga.
– Vắc xin Covid-19 (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARSCOV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivate) của Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. – Trung Quốc.
– Vắc xin Comirnaty của hãng Pfizer.
– Vắc xin Covid-19 Moderna của hãng Moderna.
Lịch tiêm
Hầu hết các vắc xin phòng Covid-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa hai liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Cụ thể theo quyết định 3588 của Bộ Y tế:
– Vắc xin AstraZeneca: Mũi một cách mũi 2: 8-12 tuần.
– Vắc xin Sputnik V: Mũi một cách mũi 2: 3 tuần.
– Vắc xin của Pfizer: Mũi một cách mũi 2: 3 tuần.
– Vắc xin Vero Cell: Mũi một cách mũi 2: 3-4 tuần.
– Vắc xin của Moderna: Mũi một cách mũi 2: 4 tuần.
Theo các chuyên gia, lý tưởng nhất là mọi người được tiêm vắc xin đúng lịch, nhưng nếu chậm trễ, bạn không cần phải bắt đầu tiêm lại và cũng không cần phải hoảng sợ.
“Nếu mũi thứ 2 của bạn bị trì hoãn trong vài ngày hoặc vài tuần, bạn cũng không nên lo lắng về điều đó,” Tiến sĩ Dean Blumberg, Trưởng khoa truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học California Davis, nói với Healthline .
Chẳng hạn, khoảng cách với mũi đầu tiên của vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna có thể lên đến 6 tuần (42 ngày).
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng cách giữa hai liều vắc xin là 3 hoặc 4 tuần là lý tưởng. Tuy nhiên, bạn có thể tiêm mũi thứ hai trong vòng 6 tuần kể từ lần tiêm đầu tiên mà vẫn đạt được phản ứng miễn dịch đầy đủ.
Điều đó không có nghĩa là mũi thứ hai của bạn sẽ không hiệu quả nếu nó được tiêm sau mũi một hơn 6 tuần. Nó chỉ có nghĩa là các nghiên cứu đã không đo lường cụ thể mức độ bảo vệ mà vắc xin hai liều cung cấp khi các mũi tiêm cách nhau hơn 6 tuần.
Theo Reuters, một nghiên cứu tại Anh được công bố vào tháng 5 cho thấy vắc xin Covid-19 của Pfizer tạo ra phản ứng kháng thể lớn hơn gấp 3,5 lần ở người lớn t.uổi khi liều thứ hai được trì hoãn đến 12 tuần sau liều đầu tiên. Nghiên cứu này đ.ánh giá trên 175 người trong độ t.uổi 80-99.
TS Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO cũng cho biết khoảng cách giữa 2 liều vắc xin của hầu hết các loại vắc xin là 3-4 tuần. Nhưng có một số dữ liệu từ một số loại vắc xin như vắc xin AstraZeneca cho thấy việc trì hoãn liều thứ 2 lên đến 12 tuần thực sự giúp tăng cường miễn dịch tốt hơn.
“Không quan trọng là sớm vài ngày hay muộn vài ngày, thậm chí vài tuần. Điều quan trọng là phải quay lại và tiêm liều thứ hai vì liều thứ hai là liều giúp tăng cường miễn dịch”, chuyên gia nhấn mạnh.
TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế cũng cho biết theo hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế thì đối với vắc xin AstraZeneca cần tiêm 2 mũi vắc xin, trong đó mũi 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 8-12 tuần. Trong trường hợp thời gian tiêm chậm hơn 12 tuần thì người tiêm cũng không phải tiêm lại từ đầu.
Kể cả khi mũi 2 của AstraZeneca được tiêm chậm hơn 12 tuần cũng sẽ không ảnh hưởng hiệu lực của vắc xin. Đến nay, chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu.