Liều Pfizer thứ ba giúp giảm nguy cơ nhiễm Delta

Nghiên cứu mới chỉ ra liều Pfizer thứ ba có thể giúp giảm tới 84% nguy cơ dương tính với biến chủng Delta sau khoảng 20 ngày tiêm, so với tiêm hai mũi tiêu chuẩn.

Phân tích dựa trên dữ liệu của Tổ chức chăm sóc sức khỏe Maccabi ở Israel, quốc gia bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm liều tăng cường hồi giữa tháng 7, cho thấy liều Pfizer thứ ba có thể giúp giảm 48% – 68% nguy cơ nhiễm nCoV sau khi tiêm từ 7 đến 13 ngày, so với những người tiêm hai mũi.

Khả năng bảo vệ của liều tăng cường tăng dần theo thời gian, trong đó nguy cơ dương tính với nCoV có thể giảm từ 70% – 84% sau khi tiêm từ 14 -20 ngày.

Nghiên cứu về hiệu quả của liều tăng cường với biến chủng Delta, được công bố hôm 31/8, do phó giáo sư dịch tễ học Daniel M. Weinberger tại Trường Y tế Công cộng Yale ở New Haven, bang Connecticut, Mỹ dẫn đầu. Nghiên cứu hiện chưa được bình duyệt.

Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Tel Aviv hôm 24/8. Ảnh: Bloomberg .

Những phát hiện mới cho thấy liều tăng cường có thể giúp chống lại nguy cơ suy giảm khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 trong ngắn hạn. Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác đã thông báo kế hoạch tiêm liều tăng cường để chống lại biến chủng Delta.

Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục đ.ánh giá hiệu quả của liều tăng cường đối với nguy cơ nhập viện và t.ử v.ong, cũng như cần theo dõi thêm để xác định thời gian bảo vệ của liều tăng cường.

Một nghiên cứu trong vòng 12 ngày do Bộ Y tế Israel công bố hôm 29/8, người tiêm liều tăng cường có nguy cơ nhiễm virus thấp hơn 11 lần và nguy cơ bệnh nặng thấp hơn 10 lần so với những người tiêm hai mũi.

Israel, một trong những quốc gia đi đầu về tiêm chủng toàn cầu, đã ghi nhận số ca nhiễm tăng trong thời gian gần đây, thôi thúc chính phủ và người dân đẩy mạnh chiến dịch tiêm liều tăng cường. 68% dân số Israel đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 62% đã tiêm đủ liều. Khoảng hơn 2 triệu trong tổng số 9,3 triệu dân đã tiêm liều vaccine thứ ba.

Vaccine Covid-19 hiệu quả 94% ngăn bệnh chuyển nặng

Dữ liệu từ hệ thống giám sát Covid-Net của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy vaccine Covid-19 có thể ngăn ngừa biến chứng nặng do biến thể Delta.

Kết quả này được tiến sĩ Sara Oliver, nhà khoa học của CDC, trình bày tại một cuộc họp hôm 30/8. Theo đó, cả ba loại vaccine được sử dụng ở Mỹ là Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson vẫn có khả năng cao trong ngăn ngừa nguy cơ nhập viện do Covid-19, từ tháng 4 đến tháng 7 – thời điểm biến thể Delta trở nên phổ biến.

Đối với người lớn dưới 75 t.uổi, vaccine hiệu quả 94% trong ngăn ngừa nhập viện. Tỷ lệ này đã duy trì ổn định trong nhiều tháng, theo tiến sĩ Oliver. Ở người trên 75 t.uổi, trong tháng 7, hiệu lực tụt giảm nhưng vẫn trên 80%.

Bà Oliver nói: “Vaccine Covid-19 vẫn có hiệu lực bảo vệ cao giúp ngăn bệnh nặng và tử vong”.

Tuy nhiên, khả năng vaccine ngăn ngừa lây nhiễm hoặc mắc Covid-19 nhẹ đã giảm trong những tháng gần đây. “Nguyên nhân có thể do tác dụng của vaccine suy yếu theo thời gian và biến thể Delta”, bà Oliver giải thích.

Dữ liệu được đưa ra giữa những tranh luận về sự cần thiết và thời gian tiêm liều vaccine tăng cường. Ngày 18/8, giới chức y tế Mỹ khuyến cáo người trưởng thành nên tiêm mũi vaccine Pfizer hoặc Moderna thứ ba sau 8 tháng kể từ liều thứ hai. Nếu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép, việc tiêm mũi tăng cường sẽ được tiến hành từ ngày 20/9.

Ủy ban cố vấn độc lập của CDC sẽ xem xét dữ liệu bổ sung về tính an toàn, hiệu quả và nhu cầu về liều vaccine tăng cường tại một cuộc họp vào tháng 9. Bà Oliver cho rằng việc tiêm phòng cho người chưa được chích ngừa nên được ưu tiên hàng đầu.

Các nhà khoa học cũng trình bày với CDC các dữ liệu mới về nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm ngừa. Những tác dụng phụ này thường nhẹ, tạm thời và không phổ biến. Trong một triệu người từ 12-39 t.uổi được tiêm liều thứ hai, có 14-20 trường hợp gặp các vấn đề về tim.

“Báo cáo chỉ ra mối liên hệ giữa chứng viêm cơ tim và vaccine mRNA ở thanh thiếu niên và người trẻ t.uổi. Dữ liệu bổ sung đang được tổng hợp để làm rõ các rủi ro tiềm ẩn, chiến lược quản lý tối ưu và kết quả dài hạn”, bà Grace Lee, bác sĩ nhi khoa tại Đại học Stanford, kiêm chủ tịch Ủy ban cố vấn, phát biểu tại cuộc họp hôm 30/8.

Tuy nhiên lợi ích của vaccine rất đáng kể, ngay cả đối với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất. Theo phân tích của một nhà khoa học CDC, trong số một triệu nam thiếu niên 16-17 t.uổi được tiêm vaccine Pfizer, 73 trường hợp gặp vấn đề tim mạch. Song mặt khác, vaccine giúp ngăn ngừa 56.000 ca Covid-19 và 500 trường hợp nhập viện trong nhóm đối tượng này.

Tại Việt Nam , nghiên cứu tại Bệnh viện Quân y 175, trong số hơn 500 bệnh nhân Covid điều trị tại đây thì khoảng 20,5% đã tiêm vaccine mũi một chưa tới 4 tuần trước khi phát hiện bệnh, 3,8% đã tiêm đủ hai mũi. Nghiên cứu cũng cho thấy các F0 đã tiêm vaccine có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với người không tiêm.

Sinh viên Đại học Memphis tại bang Tennessee, Mỹ, được tiêm vaccine Covid-19 hôm 22/7. Ảnh: Reuters

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *