Em gái tranh chấp nhà bố mẹ để lại cho anh trai

Tôi là người chăm sóc bố mẹ và trước khi qua đời, mẹ tôi có viết tay để lại cho tôi căn nhà của ông bà. Nay tôi sửa nhà thì em gái tôi đến tranh chấp…

Bạn đọc hỏi: Nhà tôi có 2 anh em. Tôi là người chăm sóc bố mẹ và trước khi qua đời, mẹ tôi có viết tay để lại cho tôi căn nhà của ông bà. Nay tôi sửa nhà thì em gái tôi đến tranh chấp. Vậy luật sư cho biết tôi phải làm thế nào trong trường hợp này?


Ảnh minh họa

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, trước khi qua đời  mẹ bạn có viết tay để lại cho bạn căn nhà của ông bà. Tuy nhiên bạn không nêu rõ hiện tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đó đứng tên riêng mẹ bạn hay đứng tên ai? Giấy viết tay đó của mẹ bạn để lại cho bạn có đảm bảo tính hợp pháp (nội dung của giấy viết tay, tình trạng sức khỏe của mẹ bạn khi viết…) không?

Do vậy, trong trường hợp này để đảm bảo quyền lợi cho bạn cũng như tránh xảy ra tranh chấp thì bạn phải đến phòng công chứng làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế như sau:

Bước 1: Bạn chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục khai nhận di sản tại phòng công chứng, hồ sơ bao gồm một số giấy tờ sau:

– CMND/ hộ chiếu, hộ khẩu của những người sau: cha/mẹ bạn, anh/chị/em ruột, bạn

– Giấy khai sinh của bạn, anh/chị/em/ruột

– Giấy chứng tử của cha, mẹ, ông,bà bạn

– Di chúc/ giấy viết tay của mẹ bạn;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế của cha mẹ bạn: giấy mua bán, hợp thức hóa nhà do Ủy ban nhân dân quận, huyện ….

Bước 2: Sau khi thụ lý hồ sơ công chứng viên ra thông báo niêm yết tại UBND xã/phường nơi người để lại di sản thường trú cuối cùng.

Sau khi nhận lại bản niêm yết thừa kế có xác nhận của UBND xã/phường mà không có tranh chấp, khiếu kiện, công chứng viên hẹn ngày lên ký kết văn bản khai nhận/ thỏa thuận phân chia di sản

 Vào ngày hẹn, người thừa kế mang theo toàn bộ bản chính các giấy tờ đã nộp cho phòng công chứng đến ký kết văn bản khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Bước 3: Sau khi văn bản thỏa thuận phân chia di sản được xác nhận, bạn có thể làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng hoặc sửa chữa phần di sản mà bạn nhận được.

Nếu em gái bạn không đồng ý hoặc tiếp tục tranh chấp thì bạn có thể nhờ UBND xã/phường nơi cư trú của bạn và em gái bạn giải quyết hoặc gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện/ quận yêu cầu giải quyết.

 Nếu còn điều gì thắc mắc cần giải đáp thêm, bạn đọc có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN số 19006511 để được tư vấn.

Thạc sỹ-Luật sư Vũ Hồng Hoa/HTX Luật Đống Đa

Theo VOV

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *