Ngày 16-8, TP.HCM tiêm được 194.435 liều vắc xin cho người dân ở 17 quận, huyện và TP Thủ Đức, đa số là vắc xin Vero Cell của Sinopharm.
Như vậy, tính từ ngày 22-7 đến hết ngày 16-8, TP đã tiêm cho hơn 3,7 triệu người.
Người dân sống trên địa bàn quận 1, TP.HCM được tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm – Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM sáng 17-8, trong ngày 16-8, TP đã tiêm 194.435 liều cho người dân ở 17 quận, huyện và TP Thủ Đức, đa số là vắc xin Vero Cell của Sinopharm. Tại các điểm tiêm đều diễn ra trật tự, ổn định.
Riêng quận 5, 11, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho người trên 18 t.uổi. Thời gian tới, các địa phương này tiếp tục rà soát và tiếp cận số ít người còn lại để hoàn thành 100% người dân tiêm mũi 1 và triển khai tiêm mũi 2.
Như vậy, từ đầu đợt tiêm thứ 5 (ngày 22-7) đến hết ngày 16-8, TP.HCM đã tiêm được 3.783.924 người, tất cả đều an toàn.
Những ngày trước, TP duy trì tốc độ tiêm vắc xin Vero Cell hàng chục ngàn liều mỗi ngày. Qua 2,5 ngày triển khai (tính đến hết ngày 15-8), TP đã tiêm được 200.000 liều. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết có nhiều lý do khiến việc vắc xin Vero Cell tiêm chậm hơn những vắc xin khác.
Mỗi lọ vắc xin này chỉ tiêm được 1 hoặc 2 liều (tùy loại) vì thế cần nhiều không gian bảo quản hơn, tốc độ kiểm tra chậm hơn và phải điều chuyển liên tục từ kho bảo quản đến các điểm tiêm.
Tính đến nay, tổng số liều vắc xin TP.HCM nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế là 4,4 triệu liều, trong đó có hơn 3,6 triệu liều vắc xin AstraZeneca, 19.000 liều Vero Cell, 54.990 liều vắc xin Pfizer và 571.200 liều vắc xin Moderna.
Ngoài ra, TP nhận được nguồn tài trợ 2 triệu liều Vero Cell. Trong đó, 1 triệu liều đã được kiểm định và triển khai tiêm cho người dân những ngày qua, 1 triệu liều còn lại đang chờ Bộ Y tế thẩm định chất lượng.
Ngày 16-8, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã bàn giao hơn 1,1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 loại AstraZeneca cho Viện Pasteur TP.HCM.
Toàn bộ số vắc xin này được chuyển giao phi lợi nhuận cho Bộ Y tế khẩn trương triển khai tiêm chủng cho người dân. Số vắc xin mới chuyển giao sẽ được phân bổ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Hỏi nhanh về Covid-19: Đã tiêm vắc xin mũi 1, khi nào tiêm mũi 2?
Tôi đã tiêm vắc xin AstraZeneca, vậy bao lâu thì tôi phải tiêm mũi 2. Khi tiêm mũi 2, tôi có thể tiêm loại vắc xin khác không? Đ.Trung (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM)
Ảnh.Thu Hằng
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Hiền Minh , Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM:
Sau bao lâu thì cần tiêm chủng nhắc lại vắc xin Covid-19? Người dân nên tiêm lại loại vắc xin trước đó hay đổi loại khác?, là những câu hỏi thường gặp trong thời gian vừa qua. Cụ thể chúng ta có thể tham khảo như sau:
– AstraZeneca: 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần, tốt nhất là 8-12 tuần
– Moderna: 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần
– Pfizer: 2 mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần
– Sinopharm: 2 mũi cách nhau 3-4 tuần
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay:
– Những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin cùng loại.
– Những người đã tiêm vắc xin Sinopharm, Pfizer, Moderna mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 tiêm vắc xin cùng loại
– Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, nếu đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần.
Hiện nay chưa có khuyến cáo chính thức nào từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), CDC Mỹ hay các Ủy ban Tiêm chủng của các quốc gia về việc tiêm thêm một mũi nhắc (booster) sau khi hoàn tất đủ lịch tiêm tiêu chuẩn với 2 mũi vắc xin Covid-19.
Thực tế những trường hợp bệnh nặng nhập viện và t.ử v.ong do Covid-19 đều là những người chưa được tiêm vắc xin.
Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 và nguồn lực vắc xin còn nhiều hạn chế trên thế giới, hiện nay vẫn khuyến nghị theo đúng lịch tiêm tiêu chuẩn.
Trong thời gian sắp đến WHO có thể sẽ cân nhắc xem xét việc tiêm vắc xin mũi thứ 3 ở người có hệ miễn dịch suy yếu: Bao gồm những người được ghép nội tạng, người đang điều trị ung thư, bệnh bạch cầu, người nhiễm HIV.