Sau điều trị Covid-19, một chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp là yếu tố rất quan trọng để người bệnh hồi phục sức khỏe.
Người bệnh sau khi điều trị Covid-19 dễ bị suy dinh dưỡng
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sau thời gian điều trị Covid-19, thể trạng sức khỏe của người bệnh nhìn chung sẽ bị suy giảm.
“Hệ tiêu hóa và các cơ quan hô hấp của người bệnh bị suy yếu, người bệnh rất dễ mệt mỏi, chán ăn nên có nguy cơ bị suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau. Khi bị suy dinh dưỡng sẽ làm giảm khối lượng cơ và các chức năng sống, người bệnh dễ đối mặt với tình trạng suy kiệt”, TS Hưng cho hay.
Sau thời gian điều trị Covid-19, thể trạng sức khỏe của người bệnh nhìn chung sẽ bị suy giảm (Ảnh minh họa).
Do đó, theo chuyên gia này, sau điều trị Covid-19, một chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp là yếu tố rất quan trọng để người bệnh hồi phục sức khỏe. Đối với người có bệnh nền đái tháo đường, việc xây dựng chế độ ăn lại càng quan trọng, bởi nếu chế độ ăn không hợp lý có thể “phản tác dụng”, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.
Cách xây dựng chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường sau điều trị Covid-19
Theo TS Hưng, chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường, trong trường hợp này, cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe, nhưng cần đảm bảo sự cân bằng về cả số lượng lẫn chất lượng để có thể duy trì chỉ số đường huyết ở mức “an toàn”.
TS Hưng phân tích: “Về cơ bản, chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường là kiểm soát chất bột đường để tránh tăng đường huyết sau khi ăn, cũng như tránh hạ đường huyết khi xa bữa ăn, giúp ổn định đường huyết trong ngày và hạn chế vừa phải chất béo nhất là các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa. Chế độ ăn của người bệnh phải xây dựng sao cho cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể người bệnh; đồng thời cân đối các chất sinh năng lượng để duy trì mục tiêu đường huyết theo khuyến nghị và quan trọng nhất là phải điều độ, không bỏ bữa và hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ”
Hạn chế đường đơn, thức ăn hàm lượng đường cao
Trong bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn sẽ gây ra các nguy cơ biến chứng cho người bệnh. Vì thế chế độ ăn phải kiểm soát lượng Glucid (chất bột đường). Nên sử dụng các loại Glucid phức hợp dưới dạng các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, rau và củ. Nên hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt…). Đảm bảo đủ tỷ lệ năng lượng do Glucid cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.
Phối hợp đa dạng các loại thực phẩm
Để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, bữa ăn cần đa dạng, nên phối hợp 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu đỗ, đậu phụ…). Ngoài ra, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần.
“Người mới khỏi bệnh nên chọn protein (chất đạm) có giá trị sinh học cao và cung cấp các axit amin thiết yếu. Các axit amin có vai trò duy trì các hoạt động chức năng của cơ thể, tham gia vào các hàng rào bảo vệ, sự dịch chuyển và hấp thu các chất dinh dưỡng. Không nên ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: tim, gan, óc, lòng… Nên ăn 2-3 bữa cá/tuần, 2-3 quả trứng/tuần và uống thêm sữa chuyên biệt cho người bệnh đái tháo đường từ 1-2 cốc/ngày”, TS Hưng nhấn mạnh, “Đảm bảo đủ tỷ lệ năng lượng do chất đạm cung cấp chiếm khoảng 15-20% tổng năng lượng khẩu phần”.
Ưu tiên chất béo không bão hòa
Đảm bảo đủ tỷ lệ năng lượng do chất béo cung cấp chiếm khoảng 20-30% tổng năng lượng khẩu phần. Nên lựa chọn các chất béo không bão hòa, có lợi cho sức khỏe và giảm chất béo bão hòa vì có nhiều axit béo bão hòa, dễ gây xơ vữa động mạch. Vì vậy, hạn chế sử dụng mỡ, bơ…., nên ăn các axit béo không bão hòa có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương…
Tăng cường rau củ quả và nước cho cơ thể
Đặc biệt, khẩu phần ăn của bệnh nhân sau khi điều trị Covid-19 cần tăng lượng rau quả, bởi các vitamin (A, C, D, E…) và khoáng chất (sắt, kẽm,…), chất chống oxy hóa có nhiều trong nhóm thực phẩm này có tác dụng rất tốt với những người sau điều trị bệnh.
“Các loại rau củ quả là nguồn cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, rau quả còn góp phần giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón. Nhu cầu rau xanh và hoa quả là từ 400 – 600 g/người/ngày”, TS Hưng nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, người bệnh Covid-19 thường bị mất nước và chất điện giải do tình trạng sốt, viêm phổi và n.hiễm t.rùng. Vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết.
Chia nhỏ bữa ăn
Với người bị đái tháo đường nên ăn ít nhất 3 bữa/ngày, nên chia làm nhiều bữa nhỏ để tránh tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Với người bệnh đang điều trị bằng Insulin tác dụng chậm hoặc người có nguy cơ bị hạ đường huyết trong đêm, nên cân nhắc cho ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.
Sau điều trị Covid-19, người bệnh cũng thường có tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng. Do đó, cần chú ý cách chế biến để người bệnh dễ ăn và dễ hấp thu hơn.
“Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng dễ gây đầy bụng, khó tiêu. Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn ngon miệng hơn”, TS Hưng cho hay.
Công nghệ vaccine Covid-19 thắp hy vọng xóa sổ sốt rét
Sau khi phát triển thành công vaccine Covid-19, giới khoa học kỳ vọng sử dụng công nghệ mARN để xóa sổ sốt rét, căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
BioNTech ngày 26/7 thông báo sẽ đầu tư một phần lợi nhuận từ vaccine Covid-19 theo công nghệ vật liệu di truyền ARN thông tin (mRNA) mà hãng này phát triển cùng đối tác Pfizer để phục vụ nỗ lực đối phó bệnh sốt rét ở châu Phi. Hãng dược có trụ sở chính ở Đức mong muốn khởi động thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này vào cuối năm 2022.
“Chúng tôi muốn giúp xóa sổ sốt rét. Chúng tôi sẽ mở một dự án phát triển vaccine sốt rét hiệu quả cao và dễ sử dụng, xây dựng những giải pháp nguồn cung vaccine bền vững ở châu Phi”, BioNTech nhấn mạnh trong thông cáo.
Nếu dự án thành công, vaccine sẽ mở ra trang mới cho cuộc chiến chống sốt rét. Căn bệnh truyền nhiễm qua muỗi Anopheles mỗi năm cướp đi hơn 400.000 sinh mạng, phần lớn là t.rẻ e.m tại châu Phi.
Ugur Sahin, CEO của BioNTech, khẳng định hãng sẽ “tìm mọi cách” phát triển thành công vaccine ngăn ngừa sốt rét, giảm tỷ lệ t.ử v.ong và mang đến giải pháp bền vững cho châu Phi cùng những khu vực chịu nguy cơ từ căn bệnh này.
Người dân Nam Phi đến điểm xét nghiệm đa năng Covid-19, lao và HIV tại Johannesburg. Ảnh: AP.
Dự án nhận được sự ủng hộ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Phi (ACDC) và Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ca ngợi công nghệ mARN chính là “cuộc cách mạng khoa học y khoa”. Với công nghệ mới, kỳ vọng xóa sổ bệnh sốt rét đã trở thành mục tiêu thực tế.
“Chúng ta có thể tin tưởng về việc đạt được mục tiêu này trong vòng một thế hệ”, bà nhấn mạnh.
Giới khoa học từ năm 2020 đã chia sẻ sự lạc quan về công nghệ vaccine mARN. Phương pháp này kích thích phản ứng miễn dịch bằng phân tử chứa đoạn mã di truyền của mầm bệnh vào tế bào người. Đây là yếu tố thay đổi hoàn toàn cục diện trong cuộc chiến với nhiều căn bệnh, vì con người có thể phát triển vaccine nhanh hơn phương pháp truyền thống.
Tham vọng của BioNTech không chỉ dừng ở việc đối phó Covid-19 và sốt rét. Hãng dược đã mở một bộ phận riêng chuyên nghiên cứu và giải quyết những căn bệnh truyền nhiễm trên thế giới.
Một vaccine khác đang được BioNTech phát triển nhằm điều trị bệnh lao. Trước cuối năm nay, hãng cùng Pfizer sẽ khởi động thử nghiệm lâm sàng thêm vaccine cúm dùng công nghệ mARN. Sahin khẳng định họ còn nhiều dự án vaccine khác sớm được công bố.
Việc phát triển vaccine chống lại mầm bệnh như vi khuẩn hay ký sinh trùng sẽ phức tạp hơn so với virus. Theo một số thông tin ban đầu, vaccine sốt rét của BioNTech tập trung vào một số phần của ký sinh trùng để ngăn nguy cơ chúng xâm nhập cơ thể. Vaccine đồng thời “lập trình” lại hệ miễn dịch, giúp cơ thể nhận diện và t.iêu d.iệt mầm bệnh.
Lấn sân sang lĩnh vực mới, BioNTech một lần nữa cạnh tranh trực tiếp với Đại học Oxford, đơn vị đã tham gia phát triển thành công vaccine AstraZeneca. Đại học Oxford hồi tháng 4 công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu vaccine sốt rét tại Burkina Faso. Họ khẳng định vaccine đạt hiệu quả ngừa bệnh 77% trong nhóm tình nguyện viên gồm 450 t.rẻ e.m. Đây cũng là ứng viên vaccine phòng sốt rét đầu tiên vượt ngưỡng hiệu quả 75% do WHO đề ra.
Cuộc cạnh tranh này về dài hạn sẽ mang lại lợi ích lớn cho châu Phi, khu vực đang nhập khẩu gần 99% vaccine vì không có năng lực tự sản xuất. Mỹ từng đề nghị các công ty dược hàng đầu chia sẻ bản quyền vaccine Covid-19 để tăng sản lượng, nhưng quan điểm này không phù hợp với tầm nhìn của các lãnh đạo doanh nghiệp.
“Miễn phí bản quyền không tạo ra vaccine. Bạn trao công thức cho người khác không giúp họ tạo ra vaccine”, Sahin lập luận.
Nhân viên y tế ở Germinston, Nam Phi được tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 5. Ảnh: AFP.
Thay vì chuyển giao bản quyền, BioNTech đặt mục tiêu xây dựng một cơ sở sản xuất vaccine công nghệ mARN tại châu Phi, qua đó giúp giải quyết cả bài toán nguồn cung vaccine Covid-19 đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Vấn đề nguồn cung vaccine cho châu Phi đã được tranh luận suốt nhiều tháng qua nhưng không đạt nhiều tiến triển. Các nước giàu trong năm 2020 đã đặt mua phần lớn lượng vaccine trên thị trường. Trong khi đó, Ấn Độ buộc phải hạn chế xuất khẩu vaccine với giá thành hợp lý vì cuộc khủng hoảng Covid-19 trong nước.
Sáng kiến Covax vẫn không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vaccine của nhiều nước thu nhập thấp và vừa trên khắp thế giới. Chỉ đến vài tháng gần đây, những nước phương Tây như Mỹ và các thành viên EU mới đẩy mạnh quyên tặng vaccine.
Theo các chuyên gia về sản xuất dược phẩm, công nghệ mARN có thể thắp lên hy vọng mới về lâu dài cho những nước thu nhập thấp như tại châu Phi. Vaccine sản xuất theo công nghệ này nhìn chung dễ dàng hơn phương pháp vaccine bất hoạt, vốn đòi hỏi giữ mầm bệnh sống. Bên cạnh đó, vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mARN như Moderna và Pfizer-BioNTech đã chứng minh được hiệu quả cao hơn những vaccine truyền thống trong thời gian qua.
Một số đối tác tiềm năng đang được BioNTech cân nhắc hợp tác bao gồm Nam Phi, Senegal, Ai Cập, Morocco và Tunisia. Họ muốn áp dụng lại chiến lược đã thành công ở châu Âu, thiết lập mạng lưới với hàng chục công ty tham gia để mở rộng quy mô sản xuất vaccine. Trước đó, BioNTech đã tiến sang châu Á với kế hoạch xây dựng trung tâm sản xuất ở Singapore và hợp tác chế tạo vaccine ở Thượng Hải, Trung Quốc.
“Chúng tôi tin rằng việc kết hợp công nghệ mARN và khả năng điều chỉnh hệ miễn dịch một cách chính xác sẽ góp phần tạo ra một loại vaccine sốt rét hiệu quả hơn”, Sahin nhấn mạnh.