Cuối năm nay, Việt Nam phấn đấu có vắc xin Covid-19 nội

Bộ Y tế thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng Covid-19.

Việt Nam phấn đấu trong năm nay ít nhất có một vắc xin sản xuất trong nước thành công.

Ngày 17/7, Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng Covid-19 đã có buổi họp trực tuyến đầu tiên sau khi được thành lập. Cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia về vắc xin, nhà nghiên cứu, đơn vị thử nghiệm lâm sàng, đơn vị nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Đến nay, Nanocovax của Công ty Nanogen là vắc xin Covid-19 đầu tiên và duy nhất của Việt Nam bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3. Nanogen đang triển khai giai đoạn 3b trên 12.000 tình nguyện viên, đã tiêm xong mũi 1 ngày 14/7. Dự kiến hoàn tất mũi 2 trước ngày 15/8 để có dữ liệu báo cáo Bộ Y tế vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.

Từ tháng 4/2020, Công ty Nanogen đã bắt tay tìm hiểu nghiên cứu thuốc và vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2. Đến giữa tháng 12/2020, sau nghiên cứu, sản xuất và thử hàng loạt trên động vật thành công, Bộ Y tế chính thức bấm nút cho phép thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 do Nanogen sản xuất trên người giai đoạn một.

Ứng cử viên thứ hai là vắc xin Covivac của Ivac đã thử nghiệm xong giai đoạn 1, đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2 tại huyện Vũ Thư, Thái Bình.

Theo đó, các thành viên đã thống nhất mời chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19 tại Việt Nam; thúc đẩy nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax, vắc xin Covivac trong nước. Đồng thời, thống nhất kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ, kế hoạch triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc xin chuyển giao công nghệ.

“Làm sao để tranh thủ tận dụng tối đa hỗ trợ của chuyên gia WHO trong công nhận phòng xét nghiệm, công nhận tiến trình thử nghiệm lâm sàng và quan trọng nhất là công nhận vắc xin Covid-19 của Việt Nam để tiến tới tự chủ vắc xin và có thể xuất khẩu”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Thứ trưởng giao các Vụ/Cục chức năng liên quan của Bộ Y tế theo chức năng nhiệm vụ được phân công để hỗ trợ tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và nhập khẩu, cấp phép vắc xin phòng Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.

Đồng thời phân công rõ trách nhiệm của các thành viên Tổ công tác; giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM – 2 đơn vị đầu mối chính trong việc tổ chức thực hiện thử nghiệm lâm sàng chủ động các điều kiện tham gia (nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện…) và triển khai các nội dung nghiên cứu thử nghiệm vắc xin chuyển giao công nghệ.

Bộ Y tế sẽ sớm trình Chính phủ kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách từ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 hỗ trợ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (đối với các vắc xin nghiên cứu sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ) và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, các địa phương phối hợp với Bộ Y tế trong việc tham gia vào các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng triển khai tại các địa phương nhằm đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và hiệu quả.

“Phấn đấu sớm nhất trong năm 2021 có một nhà sản xuất vắc xin trong nước sản xuất thành công vắc xin Covid-19″, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Song song với thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, Việt Nam cũng đã nỗ lực đàm phán, trao đổi với các đối tác nước ngoài để có vắc xin phòng Covid-19 phục vụ tiêm chủng cho nhân dân. Cùng đó, Việt Nam cũng đàm phán với nhiều đối tác về chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.

Các nước đã hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam như thế nào?

Đẩy mạnh công tác đối ngoại về vấn đề vắc xin, Việt Nam đang tiến gần tới mục tiêu 150 triệu liều, đủ cung cấp cho 70% dân số theo nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Lô vắc xin 2 triệu liều của Hãng Moderna tới sân bay Nội Bài, Hà Nội, ngày 10-7 – Ảnh: NAM TRẦN

Nhật Bản và Úc là những quốc gia mới nhất chuyển vắc xin tới cho Việt Nam. Đây là kết quả từ các nỗ lực vận động chính phủ các nước và các hãng sản xuất bán vắc xin cho Việt Nam.

Bộ Ngoại giao ngày 13-7 cho biết tính tới nay, Việt Nam đã nhận được cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều vắc xin.

Trong số này, có 38,9 triệu liều do chương trình tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca theo hợp đồng ký với Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam VNVC.

Ngoài ra, Chính phủ đã ký thỏa thuận cung cấp 31 triệu liều với Hãng Pfizer của Mỹ, và 5 triệu liều Moderna của Mỹ, ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma Việt Nam.

Hiện Việt Nam còn đàm phán mua 55 triệu liều khác, gồm 40 triệu liều Sputnik V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, và 15 triệu liều Covaxin Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ.

Bộ Ngoại giao cho biết nỗ lực vận động vắc xin có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh khan hiếm vắc xin toàn cầu hiện nay.

“Trên cơ sở vận động và đàm phán tích cực, quyết liệt, chỉ trong hơn một tháng qua số lượng vắc xin ta tiếp nhận đã tăng lên đáng kể”, thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 13-7 cho biết.

Tính đến ngày 12-7, Việt Nam đã nhận được khoảng 8 triệu liều vắc xin, và sắp tới sẽ tiếp tục nhận thêm từ các nguồn đã đàm phán mà các nước và hãng sản xuất đồng ý chuyển giao sớm, cũng như từ nguồn hỗ trợ của các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế.

Công tác ngoại giao vắc xin, theo Bộ Ngoại giao, đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, COVAX chính thức tiếp tục phân bổ thêm 1.065.870 liều Pfizer-BioNTech cho Việt Nam trong thời gian từ tháng 7 tới tháng 9-2021. Trước đó, COVAX đã chuyển cho Việt Nam khoảng 4,5 triệu liều, và cam kết dành ưu tiên hơn cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao cho biết ngoài việc hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu liều vắc xin Moderna cho Việt Nam như đã nêu, Mỹ cũng đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ vắc xin. Nước Anh cũng cam kết đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên khi xem xét phân bổ 100 triệu liều vắc xin Anh hỗ trợ các nước thông qua COVAX và song phương.

Tương tự, Nhật Bản tới nay đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 3 triệu liều AstraZeneca, bao gồm 1 triệu liều dự kiến giao ngày 16-7 tới.

Úc cam kết viện trợ Việt Nam 13,5 triệu AUD để mua vắc xin thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và tặng thêm 1,5 triệu liều AstraZeneca từ nay đến cuối năm 2021.

Trung Quốc viện trợ 500.000 liều Vero Cell của Sinopharm ngày 20-6, và Nga đã tặng Việt Nam 1.000 liều Sputnik V từ ngày 16-3.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *