Nhiều F0 cách ly tại nhà chưa được y tế địa phương cấp thuốc kháng virus molnupiravir, trong khi một số người bệnh cũng e ngại các thủ tục, cam kết nên chủ động không dùng.
Gia đình 5 thành viên của chị Hà, ngụ quận 8, phát hiện dương tính Covid-19 một tuần trước, đang cách ly tại nhà. Vợ chồng chị ho, sốt trong vài ngày còn 3 con nhỏ không triệu chứng. Mọi người được phát các thuốc hạ sốt, vitamin C, nhiệt kế, nước muối, máy đo SpO2… nhưng không có thuốc kháng virus molnupiravir.
“Tôi không nghe nhân viên y tế nói gì về thuốc molnupiravir, cũng không biết để hỏi”, chị Hà nói.
Tương tự, gia đình anh Tuấn Anh ở quận 12 không được tư vấn về thuốc molnupiravir. Đến khi tìm hiểu các thông tin, anh chủ động liên hệ nhân viên trạm y tế phường và vừa được cung cấp thuốc.
Trong khi đó, anh Hùng, ngụ Hóc Môn, lại từ chối dùng thuốc này khi được nhân viên y tế giới thiệu vì ngại ký phiếu chấp thuận tham gia, cam kết không để xảy ra mang thai trong vòng 100 ngày kể từ ngày cuối cùng sử dụng thuốc. “Thuốc còn đang thử nghiệm, tôi chỉ có triệu chứng nhẹ, đã tiêm vaccine nên không quá lo ngại bệnh nặng”, anh Hùng chia sẻ.
Thời gian qua, F0 tại nhà ở TP HCM chủ yếu nhận được túi thuốc A gồm thuốc hạ sốt và các vitamin nâng cao thể trạng. Ảnh: Lê Phương
Theo một lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, việc cung cấp các túi thuốc A (thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng), túi thuốc B (kháng viêm, kháng đông) và C (molnupiravir) cho từng trường hợp bệnh, trong thời gian qua, đã góp phần giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm t.ử v.ong.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Hồng Nga (Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM – HCDC), nhiều địa phương hiện còn chậm cấp phát gói thuốc C (molnupiravir) – kháng virus. Chẳng hạn, huyện Hóc Môn có hơn 6.000 F0 cách ly tại nhà nhưng chỉ vài chục ca được cấp túi thuốc này.
Tại nhiều nơi, cả nhân viên y tế và F0 đều không mặn mà với thuốc kháng virus. Lý giải điều này, một bác sĩ phụ trách trạm y tế lưu động tại quận 8 cho biết, loại thuốc này không cấp phát đại trà, không phải ai dùng cũng được mà đòi hỏi có bác sĩ thăm khám, rà soát xem F0 chống chỉ định sử dụng hay không. Đồng thời người dùng phải ký giấy cam kết để tránh các vấn đề phát sinh về mặt pháp lý do thuốc đang giai đoạn thử nghiệm, chưa bán trên thị trường.
“Điều này đòi hỏi nhân lực trạm y tế phải đủ để có thời gian đến tận nơi thăm khám, tư vấn, làm các thủ tục, cộng thêm trách nhiệm cao hơn vì phải quản lý chặt, giám sát F0 dùng thuốc, tránh nguy cơ thuốc bị tuồn ra ngoài thị trường”, bác sĩ nói. Trong khi đó, lượng F0 những ngày qua tăng cao, các trạm lưu động do quân y hỗ trợ đã rút quân, khiến tình trạng quá tải vì ít người nhưng nhiều việc.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng mới đây đã gửi công văn khẩn đến các quận huyện, chấn chỉnh công tác chăm sóc quản lý F0, yêu cầu tất cả F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở cách ly trên địa bàn phải được cấp phát túi thuốc điều trị trong vòng 24 giờ, đặc biệt lưu ý tuân thủ chỉ định và cấp phát thuốc mulnopiravir theo đúng hướng dẫn. Để giải quyết tình trạng quá tải, Sở Y tế TP HCM đang bổ sung hàng loạt trạm y tế lưu động xuống hỗ trợ các phường, xã.
Sở Y tế cũng cử 10 đoàn kiểm tra xuống các địa phương để nắm bắt tình hình thực tế về việc chăm sóc, cấp phát túi thuốc cho F0 tại nhà. Sau khi Sở Y tế đến làm việc, việc cấp phát thuốc ở các địa phương đang được đẩy mạnh.
Nhân viên y tế phường Linh Tây (TP Thủ Đức) phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà, ngày 3/9. Ảnh: Quỳnh Trần
Bác sĩ Trần Thị Phụng (Trưởng Trạm Y tế phường Hiệp Thành, quận 12) cho biết, trước đây phường nhận được 60 túi thuốc C, giao các trạm y tế lưu động phụ trách cấp phát nhưng chỉ phát được vài túi. Khoảng ba ngày nay, phường tăng cường tư vấn, phát thuốc cho người dân với hơn 10 trường hợp đang dùng thuốc.
“Chỉ những F0 có triệu chứng nhẹ mới được dùng thuốc này, phường đang ưu tiên vận động những người trên 50 t.uổi sử dụng để giảm nguy cơ trở nặng”, bác sĩ Phụng nói.
Mới đây, Bộ Y tế công bố kết quả thử nghiệm molnupiravir, ghi nhận gần 100% bệnh nhân dùng thuốc có tải lượng virus thấp, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca t.ử v.ong. Theo hướng dẫn của ngành y tế, thuốc molnupiravir sử dụng cho các F0 có triệu chứng nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, nhịp thở từ 20 lần/phút trở xuống, SpO2 từ 96% khi thở khí trời và không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy. Người bệnh t.uổi từ 18 đến 65, có thể dùng thuốc bằng đường uống. Bệnh nhân không triệu chứng không sử dụng thuốc.
Thuốc được sử dụng trong 5 ngày điều trị. F0 dùng thuốc phải tránh thai trong vòng 100 ngày. Thuốc cũng không dùng cho phụ nữ đang cho con bú, người suy gan, viêm gan siêu vi cấp, suy thận, viêm tuỵ cấp và mạn.
Người bệnh đồng ý và thực hiện theo đúng bản cam kết, uống thuốc theo đúng hướng dẫn, không chia sẻ thuốc cho người khác, kể cả người thân. Trường hợp không sử dụng hết thuốc phải hoàn trả cho nhân viên y tế.
Trong quá trình sử dụng nếu có tác dụng không mong muốn, cần báo cáo ngay với y tế địa phương, khai báo mỗi ngày về tình trạng sức khỏe. Bệnh nhân chuyển sang tình trạng bệnh trung bình hay nặng thì sẽ ngưng dùng thuốc. Người đã sử dụng thuốc được 3-4 ngày, thấy khỏe hẳn, hết triệu chứng vẫn phải hoàn thành đủ liệu trình 5 ngày, trừ khi xuất hiện các chống chỉ định hoặc tác dụng không mong muốn nặng.
Từ tháng 8, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại TP HCM và một số địa phương, Bộ Y tế triển khai Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung và tại nhà. Đến nay, chương trình đã mở rộng tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc.
Mục tiêu của chương trình là giảm F0 chuyển nặng, giảm t.ử v.ong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc nhưng vẫn kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân.
Tối 13/11, Bộ Y tế công bố 1.240 ca nhiễm mới tại TP HCM, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 lên hơn 446.000. Hiện, hơn 33.000 F0 đang được theo dõi tại nhà, hơn 4.000 F0 tại các khu cách ly tập trung, hơn 11.000 F0 tại các bệnh viện.
Cách dùng ba thiết bị theo dõi sức khỏe F0 tại nhà
F0 cần biết cách dùng nhiệt kế, máy đo SpO2, máy đo huyết áp để theo dõi chỉ số sức khỏe như nhịp tim, nhịp thở, độ bão hòa oxy trong m.áu…
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách, Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành, cho biết trong thời gian cách ly và điều trị bệnh tại nhà, các F0 sẽ cần học cách sử dụng một số các thiết bị y tế để theo dõi thay đổi cơ thể và kịp thời liên hệ y tế khi diễn tiến nặng.
Đối với nhiệt kế : Bạn nên chuẩn bị hai chiếc nhiệt kế, một chiếc dùng cho người bị nhiễm và chiếc còn lại dành cho người khác. Luôn đo thân nhiệt của người bị nhiễm ít nhất hai lần một ngày vào buổi sáng và buổi chiều khi có các dấu hiệu bất thường, đồng thời ghi vào sổ theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Cách dùng nhiệt kế đúng: Đầu tiên, rửa tay thật kỹ bằng xà phòng hoặc dùng nước rửa trong ít nhất 20 giây và lau khô. Tiếp theo, sát trùng nhiệt kế bằng gạc tẩm cồn 70 độ trước và sau mỗi lần dùng. Đối với nhiệt kế thủy ngân, bạn phải vẩy xuôi nhiệt kế vài lần để mực thủy ngân xuống dưới 36,5 độ trước đo. Sau đó, làm theo hướng dẫn đi kèm nhiệt kế điện tử để đọc giá trị nhiệt độ. Cuối cùng, rửa tay sạch và sát khuẩn nhiệt kế cặp rồi cất lại ở nơi an toàn.
“Nếu bị sốt lớn hơn 38 độ C hoặc hạ thân nhiệt dưới 36 độ C, cần liên hệ ngay với y tế”, bác sĩ nhấn mạnh.
Đối với máy đo S pO 2 cầm tay : Đầu tiên, bạn kiểm tra xem máy còn pin hay không. Nếu hết pin thì cần thay pin mới hoặc sạc pin tùy loại máy. Sau đó, mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Lưu ý không được sơn móng tay, không sử dụng móng tay giả, đảm bảo móng tay không quá dài để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khi khe kẹp.
Bước 3, nhấn nút nguồn để khởi động máy, không cử động tay hay ngón tay sau. Kết quả sẽ hiển thị ngay trên màn hình sau vài giây. Sau đó, rút tay ra, máy tự tắt. Lưu ý vệ sinh tay và máy sau khi đo.
Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim hoặc vị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo là lần/ phút; phạm vi đo là 0-254 lần/ phút; giá trị bình thường là 60-100 lần/ phút đối với người lớn khi nghỉ ngơi.
SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2, đơn vị đo là tỷ lệ phần trăm và phạm vi là từ 0-100%. Giá trị bình thường từ 94-100%. Sai số khi đo thì có thể dao động đến 2%.
Đối với thiết bị đo huyết áp : Nên dùng thiết bị đo bắp tay để có chỉ số gần chính xác nhất. Khi đo chúng ta sẽ phải kiểm tra xem pin đã lắp đúng vị trí hay chưa. Sau đó, quấn vòng bít vào bắp tay. Khi quấn, mép dưới của vòng bít cách khuỷu tay từ 2-3 cm. Vạch đầu của vòng bít phải để cùng hướng với mạch m.áu, vòng sắt không được để phía trên mạch m.áu rồi kéo nhẹ cho đầu vòng bít đi qua vòng sắt quanh bắp tay, siết chặt vòng bít bằng khóa dán với lực vừa phải.
Không nên kéo vòng bít quá chặt, khoảng hở giữa cánh tay và vòng bít nên vừa hai ngón tay. Sau đó, nhấn nút start, vòng bít sẽ tự động được bơm hơi vào đúng áp suất đo và xả hơi khi đo xong. Đọc kết quả trên màn hình.
“Đo huyết áp là cách kiểm soát chỉ số huyết áp của bản thân. Do đó, người già người bệnh cao huyết áp có nguy cơ mắc bệnh huyết áp cần biết cách đo chuẩn trong ngày”, bác sĩ nói.