Khám phá kiến trúc nhà người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn

Thoạt nhìn, kiến trúc nhà người Mông rất đỗi bình dị, đơn sơ nhưng bên trong ẩn chứa cả một bề dày văn hóa đặc sắc. Ngôi nhà của đồng bào Mông thể hiện thời gian cư trú, địa vị và sự giàu có của gia chủ.

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc có bản sắc văn hóa lâu đời, trong đó nổi bật nhất là người Mông.
Kiến trúc nhà truyền thống là nét đặc sắc trong văn hóa của người Mông.
Địa vị, sự giàu có và cả thời gian định cư của người Mông được thể hiện rõ qua kiến trúc nhà ở.
Kiến trúc nhà người Mông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt.
Những yếu tố về môi trường, địa lý cùng những phong tục tập quán đã tạo nên nét đặc sắc, độc đáo trong kiến trúc nhà người Mông.
Ngôi nhà chính của người Mông có 3 gian hai cửa và ít nhất 2 cửa sổ.
Nhà có thể có 1 hoặc 2 chái nhà và không liên quan trực tiếp tới 3 gian nhà chính.
Nguyên tắc bố trí 3 gian nhà của người Mông: Gian giữa rộng nhất dùng làm phòng khách, ăn uống và thờ cúng; giường khách và bếp sưởi đặt ở gian bên phải; gian bên trái là nơi ngủ nghỉ của vợ chồng gia chủ và bếp nấu.
Sàn gác trong nhà người Mông dùng để lưu trữ đồ đạc, nông sản. Đồng thời, sàn gác cũng là nơi ngủ nghỉ khi nhà đông khách. Tuy nhiên, phụ nữ nhất định không được ngủ ở đây.
Hàng rào đá bao quanh là nét đặc sắc trong kiến trúc nhà người Mông. Sau khi dựng nhà, gia chủ sẽ dựng hàng rào đá.
Gia chủ phải mất hàng tháng để nhặt đá và kỳ công xếp lại thành những bức tường cao 1,5-1,6m bao quanh nhà.
Hàng rào đá không chỉ giúp chống gió lạnh, phân chia ranh giới mà còn ngăn thú dữ, che chắn cho các vật nuôi trong nhà.
Nhà trình tường lợp ngói trên khung mái bằng gỗ của người Mông luôn mát mẻ về mùa hè và ấm áp khi đông đến. Người Mông coi chuyện chọn đất làm nhà là việc đại sự.
Trình tường là công đoạn công phu, vất vả trong quá trình làm nhà của người Mông. Họ phải làm những khuôn gỗ rộng 0,45-0,5m, dài 1,5m để hoàn thành chi tiết này.
Đất sử dụng làm trình tường là đất tốt, đã được loại bỏ tạp chất như sỏi đá, rễ cây… Sau đó, người Mông đổ vào khuôn, nện chặt bàng vồ.
Gia chủ thường huy động trai tráng trong bản đến giúp khi trình tường. Sau công đoạn này sẽ chuyển sang lớp mái nhà.
Người Mông chọn ngày tốt để vào rừng chặt hạ hai cây cột cái ở đòn nóc và gian giữa. Gia chủ phải thắp hương, khấn xin thần rừng mang gỗ về nhà.
Người Mông quan niệm, phải khấn xin thần rừng gỗ làm nhà để không bị quở mắng, việc làm nhà được thuận lợi, gia đình êm ấm, sung túc…

Theo VOV

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *