Những nguyên nhân gây trễ kinh nguyệt mà chị em thường gặp phải
Không chăm sóc sức khỏe buồng trứng đúng cách
Buồng trứng đối với phụ nữ mà nói là một cơ quan vô cùng quan trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung mà còn làm trở ngại khả năng làm mẹ của bạn. Ngoài ra, nguyên nhân gây trễ kinh nguyệt cũng có thể đến từ việc bạn không quan tâm đúng mực đến vấn đề bảo vệ buồng trứng.
Tác dụng chủ yếu của buồng trứng là tiết ra Estrogen và Progesterone. Một khi buồng trứng xảy ra vấn đề, hai loại hormone này đều sẽ bị giảm xuống, dẫn đến hiện tượng “đèn đỏ” đến muốn, thậm chí có khi còn bị tắc kinh tạm thời. Chính vì vậy, lúc bình thường chị em cần quan sát những bất thường liên quan đến buồng trứng và các bộ phận sinh dục khác để kịp thời điều trị.
Nội tiết bất thường
Trong trường hợp bạn không mang thai mà xảy ra tình trạng kinh nguyệt bị trễ dài ngày thì cũng nên cân nhắc vấn đề nội tiết. Bất luận là rối loạn nội tiết hay mất cân bằng nội tiết đều tạo thành ảnh hưởng đến sức khỏe, mà trước hết nó sẽ gây trở ngại cho chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh.
Nguyên nhân gây trễ kinh nguyệt hầu như thường có liên quan đến các mức độ hormone trong cơ thể, do đó chị em nên sớm phát hiện để có biện pháp khắc phục hiệu quả và an toàn. Bạn có thể cải thiện từ chế độ ăn uống hoặc bổ sung các hormone theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Giảm cân quá mức
Một vóc dáng thon thả luôn là mơ ước của phái đẹp. Cũng vì lý do này mà không ít người chọn cách giảm cân mù quáng, hà khắc dẫn đến tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe. Cơ thể thiếu dinh dưỡng, quá gầy đều dễ gây tổn thương cho tử cung và buồng trứng, khi đó chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên cũng bị ảnh hưởng theo.
Có thể đến tuổi mãn kinh
Nguyên nhân gây trễ kinh nguyệt đôi khi chỉ là bạn đã đến độ tuổi mãn kinh, mặc dù chưa dứt điểm hoàn toàn. Nếu chị em ở độ tuổi từ 45 đến 55 mà có hiện tượng trễ kinh cũng khoan lo lắng.
Thông thường, phụ nữ bước vào thời kỳ này sẽ có tình trạng kinh nguyệt xảy ra khác thường so với trước đây. Một số người vẫn có kinh nguyệt thêm vài tháng dù có chu kỳ có thể bị trễ hơn, một số người thậm chí phải 2 – 5 tháng mới có kinh nguyệt một lần.
Chị em bị trễ kinh nguyệt nên điều chỉnh như thế nào?
Làm việc và nghỉ ngơi khoa học
Để có một chu kỳ kinh nguyệt ổn định, chị em nên chú ý vấn đề nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt mỗi lần đang đến ngày “đèn đỏ” thì không nên làm việc nặng nhọc, tránh để bản thân quá mệt mỏi mà gây tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể. Thói quen ngủ trước 23 giờ giúp dưỡng gan, máu huyết và cân bằng nội tiết.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Bên cạnh đó, sức khỏe tâm lý cũng tác động không nhỏ đến kinh nguyệt. Bạn nên học cách giải tỏa căng thẳng, duy trì tinh thần vui vẻ, lạc quan và tập thói quen chia sẻ cảm xúc với những người thân, bạn bè. Đời sống tình cảm tích cực giúp bạn tăng sức đề kháng và đảm bảo các mức hormone cân bằng.
Cải thiện chế độ ăn uống
Chị em nên bổ sung thêm thực phẩm giàu sắt và có tác dụng bồi bổ cơ thể. Một số thức ăn phổ biến mà bạn có thể lựa chọn và kết hợp trong bữa ăn như thịt gà, thịt dê, cá, tôm, đậu đen, rong biển, hải sâm, rau xanh, trái cây v.v… Chị em chú ý thay đổi đa dạng các loại nguyên liệu để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nếu tình trạng trễ kinh nguyệt nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra, tìm ra chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời. Ngoài ra, bình thường dù khỏe mạnh, chị em vẫn nên tập thói quen khám sức khỏe định kỳ, ít nhất là 1 lần/năm để đảm bảo các chỉ số đều ổn định và không có tổn thương ở các cơ quan bên trong.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)