Theo ước tính điều tra của Chương trình Phòng chống Thuốc lá Việt Nam thì nước ta đã lọt top 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới, với khoảng 47,5%, tức là cứ hai người đàn ông của gia đình Việt thì lại có một người đang hút thuốc và vô tình hại chính những người thân yêu nhất của mình.
Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ bị các bệnh về phổi (lao phổi, ung thư phổi) cho cả người trực tiếp hút thuốc lẫn những người bị hút thuốc thụ động như chúng ta vẫn thường nghĩ đến mà còn có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư thanh quản, thực quản, khoang miệng… và cả ung thư vú – một trong những loại phổ biến nhất và chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư ở phụ nữ. Có một điều rất nguy hiểm là bệnh này ngày càng gia tăng về số lượng và trẻ hóa về độ tuổi. Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc bệnh viện K thì phụ nữ Việt Nam hiện tại mắc ung thư vú sớm hơn phụ nữ các nước khác trên thế giới đến khoảng 10 năm, tức phần lớn bắt đầu bị từ 40 tuổi thay vì 50-60 tuổi.
Thực tế là người phụ nữ có thể bị ung thư vú vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như yếu tố di truyền, độ tuổi, nội tiết, tiền sử bệnh tại vú… ngoài ra còn những yếu tố ngoại sinh như môi trường ô nhiễm, chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý (ăn ít rau quả tươi, ít vận động…) lạm dụng rượu bia, hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc lá… Trong số này, có những yếu tố không ai tác động được, như tuổi tác; có yếu tố bản thân người phụ nữ có thể chủ động kiểm soát, như việc dùng thuốc tránh thai, ăn uống và sinh hoạt… nhưng riêng về thuốc lá và những tác hại đi kèm với nó, chúng ta có phần phụ thuộc vào việc các “đối tác” có tâm biết nghĩ cho mình hay không.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa thuốc lá, cả chủ động và thụ động với bệnh ung thư vú ở phụ nữ trẻ, chưa mãn kinh. Với đối tượng là phụ nữ lớn tuổi hơn, các nhà khoa học tại Mỹ cũng phát hiện thấy những người có hút thuốc bị ung thư vú nhiều hơn đến 19% so với những người không hút. Thậm chí theo Hiệp hội Ung thư Mỹ thì con số này lên đến 24%, đặc biệt nếu người phụ nữ đã bắt đầu hút thuốc từ sớm, trước khi có kinh hoặc trước khi sinh đứa con đầu tiên.
Phụ nữ Việt Nam hiện tại mắc ung thư vú sớm hơn phụ nữ các nước khác trên thế giới đến khoảng 10 năm. (Ảnh: Internet)
Bên cạnh việc thực hiện nghiên cứu trên quy mô lớn tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, qua đó ghi nhận thói quen và tình hình sức khỏe của các đối tượng tham gia, các nhà khoa học cũng tìm thấy chất độc trong thuốc lá có trong các tế bào vú. Họ cũng thấy rằng việc hút thuốc và hít phải khói thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng khi điều trị ung thư vú như tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông, khó phục hồi sau phẫu thuật, giảm sức đề kháng nên dễ dàng suy yếu sau các đợt xạ trị, hóa trị…
Không chỉ hại trực tiếp đến sức khỏe người vợ, việc hút thuốc của người đàn ông trong gia đình còn có thể trực tiếp và gián tiếp hại cả những đứa con. Nếu người vợ chuẩn bị hay đang mang thai, việc ở cạnh người chồng hút thuốc còn làm tăng nguy cơ mất con vì sảy thai, sinh non. Em bé sinh ra có thể bị nhẹ cân, dị tật, bị đột tử, nhiễm trùng đường hô hấp cấp và mãn tính, và gặp nhiều vấn đề phát triển dai dẳng về sau.
Vậy nên nếu chưa hút thuốc, bạn đừng bắt đầu!
Nếu đã hút, hãy tìm mọi cách để từ bỏ, do việc này không đơn giản nên hãy chia sẻ với những người xung quanh để được giúp đỡ!
Nếu trong số những người tạo nên con số đáng sợ 47,5% ở trên có bạn trai hoặc chồng của bạn, hãy cho anh ấy biết thông tin đáng sợ này và giúp anh ấy từ bỏ, vì một tương lai bớt nguy cơ tử vong vì ung thư vú cho bạn, vì sự phát triển khỏe mạnh của con, vì sức khỏe và hạnh phúc gia đình!
Theo Afamily/ Trí Thức Trẻ