Nghe công ty tư vấn sức khỏe quảng cáo viên đá nano có tác dụng thần kỳ, chỉ cần ngậm vào miệng là tự khỏi bệnh viêm họng, bà Nguyễn Thị H. rất tin tưởng và ngậm đá cả lúc đi ngủ. Kết quả bệnh chưa thấy đỡ thì bà đã phải nhập viện…
Viên đá nano được bác sĩ lấy ra khỏi cổ họng bệnh nhân H.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện này vừa xử trí lấy dị vật bị hóc ở cổ họng cho bệnh nhân Nguyễn Thị H. (59 t.uổi, ở Hà Đông, Hà Nội).
Theo lời kể của bệnh nhân H., gần đây bà được mời đi dự hội thảo giới thiệu các mặt hàng chăm sóc sức khỏe của một công ty tổ chức ngay tại khu dân cư. Tại hội thảo, bà được tặng một viên đá nano màu đen, hình tròn như đồng xu.
Nhân viên của công ty tư vấn sức khỏe này quảng cáo viên đá nano có thể chữa “bách bệnh”, chẳng hạn nếu bị đau xương khớp chỉ cần dán vào chỗ đau, viêm họng thì ngậm, đái tháo đường thì pha vào nước uống… bệnh sẽ tự khỏi mà không cần đi viện.
Tin tưởng vào công dụng thần kỳ của viên đá nano, bà H. mang về sử dụng. Gần đây bà bị viêm họng nên buổi tối trước khi đi ngủ, bà H. cho viên đá vào miệng ngậm. Thế nhưng trong lúc ngủ vô tình viên đá trôi tuột xuống cổ họng gây khó thở, đau nhức, không thể tự lấy ra được nên phải vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông xử lý.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp ra một viên đá nano đường kính 3cm mắc ở cổ họng bệnh nhân H. Theo các bác sĩ, bệnh nhân là người lớn t.uổi đường thở yếu và hẹp, dị vật nuốt phải có kích thước khá to, tròn, dễ gây tắc nghẽn đường thở nên nếu không lấy ra kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khuyến cáo, hiện chưa biết rõ công dụng thực sự của loại đá nano này đối với sức khỏe, vì thế người dân không nên tin tưởng mà dùng thay thế thuốc điều trị bệnh…
Theo anninhthudo
Tự chữa bệnh xương khớp, coi chừng liệt toàn thân
Bệnh thoái hoá khớp, cột sống ngày càng nhiều và có cả ở những người trẻ t.uổi. Ai cũng sợ bệnh cơ xương khớp nhưng không ít trường hợp mắc phải các sai lầm trong điều trị khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Những người bị xương khớp nên chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện. Ảnh minh họa
Sai lầm khiến bệnh nặng hơn
Bà Mai Thị Bích, 55 t.uổi (ở Hưng Yên) bị đau xương khớp nhiều năm nay khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Sau lần đi khám bác sĩ cho thuốc về uống, thấy đỡ hơn bà không tái khám với bác sĩ nữa mà chỉ mua thuốc theo toa cuối để uống. Lại nghe mọi người mách có cây “nở ngày đất” chữa được bệnh xương khớp, bà tìm sử dụng. Hơn năm không thấy đau, bà càng an tâm hơn khi bệnh có phần lui.
Những ngày thời tiết chuyển mùa gần đây, bà thấy đau khớp lại và tình trạng trầm trọng hơn, mặt sưng to nên gia đình đưa vào kiểm tra. Các bác sĩ cho hay, bà bị cứng khớp. Bệnh cũng đã nặng hơn rất nhiều so với trước và những dấu hiệu bà gặp phải là do sử dụng các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid.
Theo PGS.TS Hà Hoàng Kiệm nguyên Chủ nhiệm bộ môn Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (Bệnh viện Quân đội 103), các bệnh lý về cơ xương khớp rất phong phú. Hay gặp nhất là thoái hóa khớp, cột sống, viêm khớp dạng thấp… gặp ngày càng nhiều. Những khớp dễ bị thoái hóa nhất là khớp cổ, vai, cột sống thắt lưng…
Điều đáng nói đa phần người bị đau xương khớp đều có tâm lý chủ quan, coi thường bệnh, chỉ đến khi đau quá, đau không chịu được mới đến bệnh viện điều trị. Nhiều người điều trị muộn dẫn đến phải phẫu thuật, thậm chí tàn phế. Bên cạnh đó, nhiều người lại khiến bệnh nặng nề hơn do tự ý chữa. Một số những sai lầm mà những người bệnh hay gặp phải như:
Dùng thuốc giảm đau đơn thuần: Cho rằng hết đau là bệnh khỏi nên nhiều người dùng các loại thuốc giảm đau thông thường. Thuốc giảm đau chỉ làm dứt cơn đau tạm thời, cách này còn có thể dẫn tới những hệ quả xấu với cơ thể. Khi lạm dụng quá thuốc giảm đau chống viêm chứa corticoid, mặt sưng phù lên, làm đau dạ dày…
Thích tiêm khớp vì nghĩ là cách nhanh nhất để trị bệnh xương khớp mà không cần phải tập vận động. Có người cứ 6 tháng tiêm thuốc giảm đau chống viêm khiến hỏng hết khớp. Khi càng tiêm corticoid càng khiến cho tình trạng khớp thoái hoá nhanh hơn.
Trong quá trình dùng thuốc thường có tâm lý hết đau thì bỏ luôn thuốc, không tái khám. Hay dùng đơn thuốc cũ để uống. Việc dùng không đúng liều lượng, đúng thời gian để bệnh được giải quyết dứt điểm, dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc.
Tự ý dùng thảo dược: Nhiều loại thảo dược được truyền tai là có tác dụng chữa bệnh xương khớp như trong đó có loại cây “nở ngày đất”. Cho đến nay, tác dụng của các loại thảo dược chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh. Việc sử dụng loại thảo dược không đúng còn làm mất đi cơ hội chữa trị ban đầu. Thậm chí, có trường hợp sử dụng nhầm thảo dược có chứa độc tính gây tổn hại đến sức khỏe.
Lưu ý trong vận động, ăn uống
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho rằng, bệnh xương khớp với nguyên nhân do thoái hóa tự nhiên không thể can thiệp được, khi đó phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng. Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng điều trị, tập luyện đúng cách thì có thể chung sống hòa bình với bệnh.
Nhiều người bị xương khớp cho rằng, khi bị bệnh khớp càng phải tập luyện với cường độ mạnh mới tốt. Tập luyện không đúng, tập xong còn khiến bệnh nặng lên, trong đó chủ yếu là tập yoga, bấm huyệt cột sống… Việc vận động không phù hợp còn có thể gây tàn phá khớp. Một khi lực tải trọng lên khớp quá lớn, vượt quá khả năng chịu đựng của khớp thì dẫn đến thoái hóa khớp. Ngược lại, có người lại lười vận động, chỉ muốn nằm nghỉ vì mỗi khi vận động thường đau mỏi. Nếu không vận động sẽ gây dính khớp, cứng khớp, ảnh hưởng tới hoạt động của khớp. Người bị bệnh lý xương khớp khi chọn môn thể thao tập luyện cần tham khảo ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa để lên được một chương trình phù hợp.
Để phòng bệnh cơ xương khớp cần thực hiện chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, lao động hợp lý. Không nên ngồi một chỗ. Làm việc 15-20 phút nên đi lại, giữa giờ tập thể dục để phòng thoái hóa khớp, đặc biệt là ngừa thoái hóa cột sống. Nên ngồi ghế xoay.
Mọi người cũng cần chú ý kiểm soát cân nặng giúp giảm áp lực, tải trọng cơ thể lên hệ thống cơ xương khớp. Sự thừa cân sẽ tạo ra áp lực và hệ lụy tiêu cực cho các khớp. Chẳng hạn, khớp gối sẽ phải chịu thêm 1,5kg khi đi và 4,5kg khi chạy khi cứ tăng 0,45kg trọng lượng cơ thể.
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong phòng và điều trị các bệnh lí về xương khớp. Người thừa cân béo phì thường bị xương khớp, bệnh gout; người gầy thiếu dinh dưỡng dễ bị loãng xương, viêm đa khớp dạng thấp. Tùy dinh dưỡng, tùy bệnh và từng người có chế độ dinh dưỡng riêng. Nhưng nhìn chung chế độ dinh dưỡng cần phải cân bằng, không quá nhiều chất đạm.
Với những người bị bệnh xương khớp không nên ăn quá mặn, hạn chế axit béo chưa no, giảm đường, hạn chế thực phẩm ăn nhanh thiếu khoáng chất. Chế độ ăn nên giàu vitamin và khoáng chất, đạm động vật vừa phải. Nên ăn thực phẩm nguyên hat, giàu đậu đỗ, vitamin A, E, C chống oxy hóa… Chế độ ăn giàu vitamin khoáng chất tốt cho sức khỏe nói chung, trong đó có sức khỏe xương khớp. Vai trò của vitamin A, vitamin D kháng viêm giảm đau khớp nên ăn cá giàu omega 3, omega 6. Ăn quá nhiều axit béo dễ gây viêm.
Thời tiết lạnh, người bị bệnh xương khớp thường sẽ thấy đau nhiều hơn. Mùa lạnh không cẩn thận, ăn thực phẩm không đảm bảo ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi vận động, ngâm nước ấm cảm giác dễ chịu hơn, m.áu lưu thông tới khớp giúp cơ thể dễ chịu, giảm đau khớp. Không nên tắm nước lạnh vì các cơn đau nhức xương khớp sẽ nặng hơn.
Theo giadinh