Ăn món giàu chất này, giảm 28% nguy cơ mắc tiểu đường

Thêm một số món ăn quen thuộc vào khẩu phần hằng ngày có thể giúp bạn chống lại bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học Nutrition & Diabetes bởi nhóm tác giả từ Đại học Queen’s Belfast (Anh) và Đại học Oxford (Mỹ) chỉ ra một số tác dụng đặc biệt của flavonoid lên các cơ chế liên quan đến bệnh tiểu đường type 2.

Các thực phẩm giàu flavonoid giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 – Ảnh đồ họa AI

Theo các tác giả, bệnh tiểu đường type 2 từ lâu đã trở thành một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng vì tỷ lệ lưu hành ngày càng tăng trên toàn thế giới.

Hiện nay, có khoảng 415 triệu người sống chung với bệnh tiểu đường và hơn 4 triệu ca t.ử v.ong liên quan đến tình trạng này trên toàn cầu.

Tuy vậy, một số yếu tố nguy cơ của căn bệnh này có thể thay đổi được thông qua chế độ ăn uống. Trong đó, chế độ ăn với lượng thực vật cao hơn được biết đến là có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Các nhà khoa học tin rằng phần lớn là do thực vật chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe thuộc nhóm polyphenolic.

Trong số đó, một nhóm nhỏ hơn là flavonoid từng được biết đến là có tác động lên một số cơ chế chuyển hóa.

Trong nghiên cứu này, các tác giả đã tìm hiểu mối liên quan giữa chế độ ăn giàu flavonoid và bệnh tiểu đường type 2 trên bộ dữ liệu chi tiết của 113.097 người, được thu thập bởi Biobank (ngân hàng dữ liệu sinh học của Anh).

Khẩu phần ăn hằng ngày của họ được phân tích bằng cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ để tính toán lượng flavonoid tiêu thụ.

Trong thời gian theo dõi trung bình 12 năm, có 2.628 người đã khởi phát bệnh tiểu đường type 2. Phân tích kỹ hơn cho thấy những người tiêu thụ lên đến 6 phần thực phẩm giàu flavonoid mỗi ngày có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 thấp hơn tới 28% so với những người chỉ tiêu thụ 1 phần mỗi ngày.

Tiêu thụ một khẩu phần thực phẩm giàu flavonoid thực ra không phải điều phức tạp. Bạn có thể uống một tách trà, ăn một quả táo hay một chén rau xanh trong bữa ăn.

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), nguồn flavonoid được nhiều người dân trên thế giới tiếp cận nhất là trà và rượu vang.

Ngoài ra, flavonoid cũng dồi dào trong các loại rau lá, hành tây, táo, quả mọng (dâu, nho, việt quất, phúc bồn tử, cherry…), đậu nành, ca cao, trái cây có múi (cam, quýt, bưởi…)….

Phân tích dựa trên một số thực phẩm cụ thể cho thấy chỉ cần thường xuyên uống trà đen hoặc trà xanh cũng giúp giảm 21% nguy cơ tiểu đường. Chỉ riêng quả mọng giúp giảm 15%, táo là 12%.

Flavonoid giúp người ăn dễ dàng kiếm soát trọng lượng cơ thể, tăng độ nhạy insulin, giảm tình trạng kháng insulin, cải thiện thành phần mỡ m.áu, giảm viêm cơ bản, cải thiện chức năng thận và gan… đều là những yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường type 2.

Kết quả này cũng trùng khớp với một số nghiên cứu dạng quan sát trước đây cho thấy các món giàu flavonoid cũng giúp người đang bị tiểu đường type 2 kiểm soát căn bệnh tốt hơn.

Ít ăn ngọt nhưng thích món này vẫn tăng 62% nguy cơ tiểu đường

Các nhà khoa học Havard – Laval đã tìm ra câu trả lời vì sao nhiều người ăn ít đường nhưng đường huyết vẫn cao, thậm chí bị tiểu đường type 2.

Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học The American Journal of Clinical Nutrion, bệnh tiểu đường type 2 có thể bị thúc đẩy bởi việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ, cho dù là thịt tươi sống được mua về nấu.

Thịt đỏ làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 – Ảnh minh họa từ Internet

Dữ liệu của hơn 216.000 người đã được nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Walter C. Willett từ Trường Y tế công cộng Havard TH Chan (Mỹ) phân tích.

Họ được chia thành 3 nhóm với các mức tiêu thụ thịt đỏ khác nhau, bao gồm mức ít – trung bình – cao.

Trong đó, nhóm thấp nhất ăn từ 0,24-0,46 khẩu phần thịt đỏ mỗi ngày, trong khi nhóm cao nhất tiêu thụ 1,95- 2,62 khẩu phần thịt đỏ mỗi ngày.

Mỗi khẩu phần thịt đỏ tương đương 85 g thịt heo, bò, cừu… tươi sống được mua về nấu, hoặc 45 g xúc xích, hoặc 28 g thịt xông khói.

Kết quả cho thấy việc tiêu thụ thịt đỏ, bao gồm loại tươi sống và loại chế biến sẵn, đều có liên quan tích cực đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, với mức tăng nguy cơ lên tới 62% ở nhóm tiêu thụ nhiều nhất khi so với nhóm ăn ít nhất.

Để giải quyết điều này thực ra không khó. Thay vì vất vả ăn kiêng đạm, bạn có thể chọn sự hoán đổi. Việc thay thế 1 khẩu phần thịt đỏ mỗi ngày bằng lượng đạm tương đương từ đậu và hạt có thể giúp giảm đến 30% nguy cơ tiểu đường.

Ngoài ra, thay thế đạm thịt đỏ bằng đạm sữa cũng giúp nguy cơ giảm trở lại đáng kể. Bạn cũng có thể lựa chọn cá, thịt gia cầm, trứng để thay thế.

Nhiều cơ chế sinh học có thể góp phần vào việc tăng nguy cơ tiểu đường type 2 ở người ăn nhiều thịt đỏ.

Thịt đỏ là loại thịt có nhiều chất béo bão hòa, làm suy giảm chức năng tế bào beta và độ nhạy insulin. Nó lại ít axit béo không bão hòa đa như axit linoleic, thứ có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin nếu dùng thay thế cho chất béo bão hòa.

Ngoài ra, thịt đỏ chứa sắt heme làm tăng stress oxy hóa, tăng tình trạng kháng insulin và giảm chức năng tế bào beta.

Nếu chế biến sẵn, một loạt phụ gia trong nó cũng làm rối loạn chức năng nội mô và tăng đề kháng insulin.

Đây là phát hiện đáng chú ý bởi tiểu đường type 2 hiện là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, nhiều biến chứng, gây t.ử v.ong sớm và gánh nặng y tế lớn.

Công trình cũng có sự tham gia của các tác giả khác từ Trường Y khoa Havard (Mỹ) và Đại học Laval (Canada).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *