Sữa chua, chuối, trứng, khoai lang là một số thực phẩm giúp bạn tiêu hóa tốt hơn. Ngược lại, bạn cũng nên tránh uống rượu bia, hạn chế cà phê hay đồ ăn cay để bảo vệ đường ruột.
Chọn đúng thực phẩm có thể giúp bảo vệ đường ruột, cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả. Ảnh minh họa: Healthkart.
Ngay khi thức ăn vào cơ thể qua miệng, quá trình tiêu hóa bắt đầu. Cơ thể dần dần di chuyển chúng qua hệ thống tiêu hóa, hệ thống này sẽ chia nhỏ thức ăn thành những phần nhỏ, dễ sử dụng hơn.
Nhiều loại thực phẩm có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa này, ngược lại cũng có nhiều món ăn lại cản trở, gây khó tiêu.
Món ăn tốt cho tiêu hóa
Một số thực phẩm dễ tiêu hóa có thể giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, tránh gây áp lực lên dạ dày, khiến bạn cảm thấy dễ chịu, thư giãn hơn.
– Sữa chua: Theo India Times, sữa chua rất tốt cho sức khỏe và dễ tiêu hóa ngay cả đối với những người không dung nạp lactose. Các vi khuẩn lành mạnh có trong sữa chua không chỉ tối ưu hóa sức khỏe đường ruột, cải thiện tiêu hóa mà còn giúp phá vỡ đường lactose.
– Chuối: Chuối chín có nhiều chất xơ, giúp tăng cường giảm cân và giữ cho đường ruột khỏe mạnh. Trái cây này cũng cải thiện tình trạng táo bón và tiêu chảy.
– Trứng: Trứng luộc rất dễ chế biến và tốt cho tiêu hóa. Chúng cũng thích hợp cho những người đang hồi phục sau cơn đau dạ dày hoặc buồn nôn.
– Bí đỏ: Bí đỏ có nhiều chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, thực phẩm này còn là nguồn cung cấp magiê và canxi dồi dào, cả hai dưỡng chất đều hữu ích cho sức khỏe đường ruột.
– Thịt nạc: Các loại thịt nạc như thịt gà và cá là sự lựa chọn tuyệt vời nếu bạn đang tìm kiếm những thực phẩm dễ tiêu hóa. Cả hai đều có ít chất béo và cholesterol hơn, đồng thời là nguồn protein tuyệt vời giúp bạn tiêu hóa và tăng mức năng lượng.
– Yến mạch: Đây là loại carbohydrate phức tạp và được tiêu hóa chậm hơn so với thực phẩm chứa carbs đơn giản. Nhưng chúng cũng chứa nhiều chất xơ, giúp tiêu hóa và hấp thu.
– Khoai lang: Chủ yếu được tạo thành từ chất xơ không hòa tan, khoai lang giúp tăng tốc độ tiêu hóa và thúc đẩy quá trình tiêu hóa đều đặn.
Sữa hoặc chocolate trắng, chất làm ngọt nhân tạo… là những món không “nhẹ nhàng” cho hoạt động của hệ tiêu hóa. Ảnh: Unsplash.
Thực phẩm nên tránh
Theo Medical News Today, mặc dù hầu hết loại thực phẩm đều có thể tiêu thụ ở mức độ vừa phải, một số lại không hữu ích cho việc tiêu hóa, làm tăng nguy cơ đầy hơi, ợ nóng và tiêu chảy. Chúng bao gồm:
Chất làm ngọt nhân tạo
Đồ uống có ga hoặc đồ uống có đường
Carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng
Rượu bia
Sữa hoặc chocolate trắng
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa, như phô mai và kem
Cà phê và đồ uống khác có chứa caffeine
Thức ăn cay, như ớt, cà ri
Thực phẩm nhiều dầu mỡ, như pizza, gà rán.
Ăn cay có thật sự gây loét dạ dày?
Nhiều người cho rằng thức ăn cay nóng là thủ phạm gây ra loét dạ dày. Các chuyên gia y tế cho rằng điều này không chính xác.
Thức ăn cay có thể gây kích ứng vết loét dạ dày vốn có và làm trầm trọng tình trạng bệnh. Ảnh: quizly.com.
Theo trang MU Health Care, đồ ăn cay bị đổ lỗi là thủ phạm gây ra loét dạ dày. Những người bị đau dạ dày thường được khuyên nên hạn chế ăn đồ cay nóng. Tuy nhiên, vào những năm 1980, lý thuyết đó đã bị bác bỏ, tương tự quan niệm cho rằng stress gây loét dạ dày.
Bác sĩ Matthew Bechtold, chuyên gia tiêu hóa tại MU Health Care, cho biết nguyên nhân chính gây loét dạ dày là một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (H. pylori) và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).
Thức ăn cay có liên quan loét dạ dày
Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ (ACG) cũng nhấn mạnh rằng đồ ăn cay không gây loét dạ dày. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng một số loại thực phẩm nhất định có thể gây kích ứng cho vết loét đã có sẵn, theo Medical News Today.
Mặc dù quan niệm sai lầm về nguyên nhân gây loét dạ dày đã được bác bỏ hơn 30 năm trước, bác sĩ Bechtold cho biết cho đến ngày nay nhiều bệnh nhân vẫn không biết rằng đồ ăn cay không gây hại.
Ông ấy nói: “Họ có xu hướng đổ lỗi cho đồ ăn cay vì những vấn đề của họ.”
Một nghiên cứu về capsaicin – thành phần tạo ra vị cay trong ớt – thậm chí cho thấy nó có thể có lợi cho dạ dày. Bác sĩ Bechtold nói: “Capsaicin thực sự kích thích dạ dày sản sinh ra các cơ chế bảo vệ chống lại loét.”
Ông cũng chia sẻ thêm rằng không có bằng chứng nào cho thấy đồ ăn cay gây hại cho các vết loét đã hình thành. Tuy nhiên, nếu đồ ăn cay khiến bạn khó chịu ở vùng bụng, hãy giảm độ cay trong chế độ ăn uống của bạn.
Nguyên nhân gây loét dạ dày
Vi khuẩn H. pylori lây lan qua thực phẩm và nước bị nhiễm bẩn hoặc do điều kiện vệ sinh kém. Nó có thể gây loét dạ dày bằng cách phát triển trong lớp niêm mạc dạ dày, gây viêm và khiến lớp lót dạ dày và đường ruột dễ bị tổn thương bởi axit dạ dày hơn.
Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể dẫn đến loét dạ dày bao gồm các thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến như aspirin, ibuprofen và naproxen. Chúng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và có thể can thiệp với các chất hóa học giúp điều chỉnh lớp màng bảo vệ.
Loét dạ dày do NSAID gây ra có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm hoặc ngừng sử dụng thuốc. Bác sĩ cũng có thể kê toa một loại thuốc uống hàng ngày, chẳng hạn như Prilosec, Pepcid hoặc Cytotec.
Bác sĩ Bechtold khuyên: “Nếu ăn một loại thức ăn nhất định, bất kể cay hay không, gây ra chứng khó tiêu, bạn nên tránh loại thức ăn đó.”
Những người có các triệu chứng bao gồm đau dạ dày dữ dội, sốt, phân có m.áu, buồn nôn và nôn mửa cần đến kiểm tra về tình trạng loét dạ dày.