TPHCM chuẩn bị gì để ứng phó với biến chủng Omicron nguy hiểm?

Theo WHO, bằng chứng sơ bộ cho thấy những người đã từng bị Covid-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron, so với các biến thể khác.

TPHCM đã có những chuẩn bị để ứng phó với biến chủng này.

Chiều 29/11, tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19 ở TPHCM, phóng viên đặt câu hỏi, TPHCM đã chuẩn bị gì để đối phó với biến chủng mới Omicron vừa xuất hiện của virus SARS-CoV-2?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM chia sẻ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã có những thông tin ban đầu về biến chủng Omicron.

Cụ thể, WHO đang khẩn trương phối hợp với các nhà nghiên cứu trên thế giới để hiểu rõ hơn về Omicron. Các nghiên cứu hiện đang được tiến hành trong thời gian ngắn, bao gồm đ.ánh giá khả năng lây truyền, các triệu chứng và mức độ nặng khi mắc bệnh, hiệu quả bảo vệ của vaccine và hiệu quả xét nghiệm chẩn đoán, các phương pháp điều trị.

Bà Mai dẫn lời WHO cho biết, vẫn chưa rõ liệu Omicron có dễ lây truyền hơn hay không so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta. Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, WHO cho rằng vẫn chưa rõ liệu nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm các biến thể khác hay không, bao gồm cả Delta.

Dù vậy, WHO cho biết đã có bằng chứng sơ bộ cho thấy có thể có tăng nguy cơ tái nhiễm Omicron. Tức là những người đã từng bị Covid-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron, so với các biến thể cần quan tâm khác, nhưng thông tin còn hạn chế.

Những người đã từng bị Covid-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron (Ảnh: WHO).

WHO khẳng định, tất cả các biến thể của Covid-19, bao gồm cả biến thể Delta đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, đều có thể gây bệnh nặng hoặc t.ử v.ong, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Do đó, việc phòng ngừa phải được xem luôn là yếu tố quyết định.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, hiện tại có 9/22 quận huyện tại địa phương có mức độ dịch ở cấp một, 13/22 quận huyện đạt cấp độ 2. Về đơn vị phường xã, có 123/312 phường xã đạt cấp độ một, 184/312 cấp độ 2, 5/312 đạt cấp độ 3.

Trong ngày 28/11, có hơn 1.400 bệnh nhân nhập viện, hơn 1.000 người xuất viện và 62 trường hợp t.ử v.ong.

Ông Hải cho rằng, có 4 điều cần đặt ra về diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương những ngày qua. Một là số ca mắc mới vẫn còn cao. Hai là số ca t.ử v.ong vẫn còn cao. Thứ ba là số ca nhập viện những ngày qua luôn cao hơn số ca xuất viện. Thứ tư là biến chủng mới Omicron vừa xuất hiện.

Ông Phạm Đức Hải cho biết, TPHCM đã chuẩn bị kịch bản đối phó với Omicron.

Dù đặt ra 4 vấn đề trên, ông Hải khẳng định, TPHCM vẫn đang kiểm soát được dịch, cấp độ dịch chung ở TPHCM vẫn là cấp 2. TP đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để xử lý tình huống khi số ca mắc mới tăng cao. Ông Hải cho rằng, dù là Omicron hay biến chủng gì cũng lây qua đường hô hấp. Do đó, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đề nghị người dân không hoang mang, nhưng không chủ quan lơ là, đặc biệt tuân thủ 5K.

Ông Hải kêu gọi, mọi người dân cố gắng thay đổi nhiều nhất thói quen yêu thích của mình như tụ tập, la cà, ngồi với nhau ở khoảng cách gần… vì tất cả điều này sẽ gây nguy cơ gia tăng các ca mắc mới, kéo theo tăng tỷ lệ t.ử v.ong.

Ông Hải cũng thông tin thêm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi, bám sát chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống biến chủng Omicron. TPHCM cần chuẩn bị các kịch bản như trước giờ từng làm, đó là xây dựng trạm y tế lưu động; củng cố trạm y tế phường, xã; tăng cường tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đồng thời tăng cường phối hợp y tế công tư, đông tây y trong việc chăm sóc, điều trị F0.

Hé lộ hình ảnh đầu tiên về siêu biến chủng Omicron

Các nhà khoa học Italy đã công bố hình ảnh cho thấy các đột biến của biến chủng Omicron mới vượt trội đáng kể so với biến chủng chiếm ưu thế hiện nay là Delta.

Hình ảnh so sánh biến chủng Delta và Omicron (Ảnh: RT).

Ảnh minh họa do bệnh viện Bambino Gesu của Italy công bố hôm 27/11 đã cho thấy sự khác biệt giữa biến chủng Omicron mới và biến chủng Delta, một trong những chủng Covid-19 dễ lây lan nhất hiện nay.

Hình ảnh khoa học cho thấy biến chủng Omicron có nhiều đột biến hơn đáng kể so với biến chủng Delta, đặc biệt là ở các khu vực tiếp xúc trực tiếp với tế bào. Các “điểm nóng” của đột biến được đ.ánh dấu bằng màu đỏ trong hình ảnh được các nhà khoa học công bố.

“Đây là một “bức ảnh” theo nghĩa rất rộng, đó là một mô hình được thực hiện trong phòng thí nghiệm”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời bệnh viện cho biết.

Các nhà khoa học lưu ý rằng những thay đổi này cho thấy virus có thể đã trở nên thích nghi tốt hơn đối với cơ thể người. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu những đột biến này kết hợp với nhau có thực sự khiến biến chủng Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với các biến chủng trước đó hay không.

Chủng Omicron mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp vào nhóm “biến chủng đáng lo ngại” hôm 26/11. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng xếp biến Omicron vào nhóm “biến chủng đáng lo ngại”, bên cạnh các biến chủng được phát hiện từ trước gồm Beta, Gamma và Delta.

Biến chủng Omicron (tên khoa học là B.1.1.529) xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và Botswana, hiện đã xuất hiện ở nhiều nước như Israel, Anh, Italy và một số nước châu Âu. Các nhà chức trách Anh ngày 25/11 gọi B.1.1.529 là biến chủng “tồi tệ nhất” và là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.

Biến chủng Omicron gây lo ngại vì có chứa khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai. Với lượng đột biến bất thường này, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên hơn.

Gai protein là bộ phận mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để bám và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.

Nhà dịch tễ học Neil Ferguson tại trường Imperial College London nói rằng B.1.1.529 có số lượng đột biến “chưa từng có” và dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm gần đây ở Nam Phi. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến chủng mới là “mối lo ngại nghiêm trọng” và là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 hàng ngày tăng theo “theo cấp số nhân”, biến nó trở thành “một mối đe dọa lớn”.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Eric Feigl-Ding cảnh báo Omicron có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các chủng cũ 500%. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, hiện vẫn còn sớm để dự đoán Omicron có thể lây nhiễm thế nào, vào thời điểm nào và cần phải được theo dõi chặt chẽ cũng như phân tích các dữ liệu liên quan.

Ngay sau những tin tức về Omicron, các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước láng giềng. Các nhà khoa học cho rằng, lệnh hạn chế đi lại có thể làm chậm đà lây lan của Omicron, nhưng cũng khiến cho việc truy vết dịch tễ của biến chủng này trở nên khó khăn hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *