Người Hàn Quốc coi leo núi là môn thể thao quốc dân bởi những lợi ích tích cực đối với thể chất lẫn tinh thần.
Một ngày leo núi ở Hàn Quốc cũng giống như một ngày đi làm công sở. Từ sáng, nhóm người leo núi sắp xếp đồ nghề của họ, bắt chuyến tàu điện ngầm đến điểm chờ xe buýt.
Hướng dẫn viên của họ hôm nay là cô Kim Sun Hui. Sau khi tất cả mọi người đã đến đông đủ, chiếc xe chuyển bánh hướng về công viên quốc gia nổi tiếng Seoraksan.
Với nhiều người dân ở Hàn Quốc, leo núi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ảnh: Economist.
Leo núi là môn thể thao quốc dân ở Hàn Quốc. Hai phần ba dân số nước này leo núi ít nhất một lần mỗi năm và một phần ba người dân leo núi hàng tháng. Trong năm 2018, không phải vé xem phim hay mỹ phẩm, mà dụng cụ leo núi mới là món hàng người dân Hàn Quốc chi nhiều nhất với tổng số t.iền khoảng 2,3 tỷ USD.
Hàng năm, 22 công viên quốc gia đón tới 45 triệu lượt khách. Vào các ngày nghỉ lễ, không hiếm cảnh người người nhà nhà cùng leo núi, xếp thành hàng dài, chờ đợi để chụp ảnh.
Tại sao người Hàn Quốc thích leo núi đến vậy?
“Chúng tôi là hậu duệ của thần núi”, Choi Won Suk, Đại học Quốc gia Gyeosang, Jinju, cho biết. Theo truyền thuyết lập quốc, vua Dangun – ông tổ của người Hàn Quốc – là con của một vị thần trên trời và được sinh ra trên núi Paektu. Vì vậy, núi non trở thành chốn thiêng liêng, có ý nghĩa quan trọng đối với người dân nước này.
Về mặt khoa học, leo núi tốt cho tim mạch, các cơ quan vận động, hỗ trợ giảm cân, cải thiện huyết áp, đường huyết và đặc biệt giúp giải tỏa căng thẳng.
Bên cạnh các lợi ích đối với sức khỏe và tinh thần, một lý do khác đó là Hàn Quốc có nhiều núi, đồi không quá cao. Đỉnh cao nhất, Hallasan, cũng chỉ cao 2.000 mét. Việc di chuyển đến các ngọn núi cũng dễ dàng. Tại thủ đô Seoul, người ta có thể leo núi chỉ trong một buổi trưa.
Đoàn leo núi của hướng dẫn viên Kim, phần đông thành viên là người ở độ t.uổi trung niên. Đa số họ biết nhau qua diễn đàn leo núi trên mạng – nơi mọi người trao đổi kinh nghiệm. Thông thường, họ đi theo nhóm, thay vì đi một mình hoặc cùng gia đình.
Đây có thể là kết quả của chính sách dưới thời Tổng thống Park Chung Hee – khuyến khích các công ty cho nhân viên đi leo núi như một hoạt động xây dựng, kết nối cộng đồng.
Văn hóa làm việc nhiều giờ và ngày nghỉ ngắn khiến chuyến leo núi cần được tối ưu. Bạn sẽ bắt gặp những con đường mòn dẫn thẳng l.ên đ.ỉnh núi và hiếm khi thấy những khúc quẹo quanh co. Điều này giúp những người leo núi có thể leo lên và xuống núi nhanh nhất có thể.
Mục tiêu đầy tham vọng của đoàn cô Kim hôm nay là chinh phục đỉnh cao nhất của núi Seorakan trước khi trời tối và trở về Seoul trước khi chuyến tàu cao tốc cuối cùng đi về ngoại ô.
Nhiều người không đồng tình với chuyến đi hỏa tốc kiểu này. Theo cô Park, một hướng dẫn viên leo núi khác, trèo lên đến đỉnh núi không phải là mục đích duy nhất. Mọi người nên dừng lại phút chốc để kết nối với thiên nhiên xung quanh, ngắm nhìn cảnh vật hùng vĩ.
Chỉ tập trung leo tới đỉnh, theo ông Choi, một nhà địa lý, là một sự vội vàng, thể hiện tác phong công nghiệp.
Người Hàn Quốc quan niệm núi là nơi linh thiêng. Với ông Choi, đây là nơi để thiền tịnh, kết nối hòa hợp với thiên nhiên và chiêm nghiệm về cuộc đời.
Thật không may cho những nhà leo núi đầy tham vọng trong đoàn cô Kim, hành trình đến Seoraksan bị chậm lại do tắc đường. Khi đoàn đến nơi vào buổi trưa, tinh thần của họ trùng xuống phần nào vì mục tiêu leo đến đỉnh trước khi mặt trời mọc dường như là một nhiệm vụ bất khả thi, nhưng họ không thể quay đầu.
Đoàn bắt đầu đi trên bậc thang đá dẫn lên núi trong ánh nắng lấp lánh. Cây lá xung quanh họ đã bắt đầu ngả màu đỏ thẫm và da cam.
Càng leo lên cao, người ta càng quên mất sườn núi dốc như thế nào. Những nấc thang dẫn họ qua những khung cảnh tuyệt diệu chỉ được nhìn thấy từ trên cao.
“Tôi cảm thấy mở lòng hơn khi lên đây”, cô Go Eun Mi, đến từ Suwon, cho biết. “Bạn có thể quên hết căng thẳng khi leo núi, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh”.
Khi ánh ngày dần phai và những ngọn gió bắt đầu nổi lên, đoàn phải xuống núi và bỏ ngỏ kế hoạch chinh phục đỉnh núi cao. Màn sương dần dần buông xuống lối đi, che khuất cảnh vật. Đoàn leo núi đã kịp thời đặt chân xuống những bậc thang cuối cùng khi bóng tối bao trùm.
Một giờ sau, xe buýt đến và đưa những hành khách mệt mỏi nhưng trong lòng phấn chấn trở về Seoul. Không khí trên xe vui vẻ và đâu đó phảng phất mùi rượu gạo makgeolli ấm nồng ai đó đang lén lút uống. Và khi mùi vỏ cam bắt đầu lan tỏa, cô Kim phải nhắc nhở các hành khách ngừng ăn và tiếp tục đeo khẩu trang.
Buổi leo núi của họ như vậy đã kết thúc với đôi mắt mệt mỏi, với chuyến tàu hối hả như một ngày đi làm bình thường.
Chỉ có điều tâm trí họ nhẹ tênh và trái tim rộng mở hơn rất nhiều – một món quà tuyệt vời mà núi non ban tặng.
Bác sĩ Việt ứng dụng công nghệ thực tế ảo phẫu thuật ở Hàn Quốc
Lần đầu tiên một ca phẫu thuật cắt thùy phổi và u trung thất bằng nội soi được thực hiện với hình thức mô phỏng phòng mổ thực tế ảo, sử dụng hệ thống kính thực tế ảo được thực hiện tại châu Á.
Bác sĩ Việt ứng dụng công nghệ thực tế ảo phẫu thuật ở Hàn Quốc
Với mục tiêu thúc đẩy, nâng cao tiêu chuẩn phẫu thuật ít xâm lấn trong chuyên khoa Ngoại Lồng Ngực khu vực các nước Châu Á Thái Bình Dương, Bệnh viện Phổi Trung Ương vừa tổ chức chương trình đào tạo nâng cao: thực hiện ca phẫu thuật cắt thùy phổi và u trung thất bằng VATS. Chương trình quy tụ các chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật lồng ngực từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… và 40 chuyên gia tại Việt Nam.
VATS là một dạng của phẫu thuật nội soi, được sử dụng cho bệnh lý ở lồng ngực và phổi. VATS sử dụng một dụng cụ đặc biệt gọi là ống soi lồng ngực (thoracoscope). Đó là một ống mỏng có đèn chiếu sáng ở một đầu để đưa vào trong lồng ngực người bệnh. Nó có nhiệm vụ truyền hình ảnh về một thị kính hoặc màn hình video để giúp các bác sĩ có thể nhìn thấy rõ bên trong lồng ngực.
Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, kỹ thuật này có rất nhiều ưu điểm: “Hồi phục sẽ rất nhanh, không gây xâm lấn, không gây tổn thương nhiều cho các tổ chức. Ưu điểm quan trọng hơn là tiếp cận được những chỗ rất sâu mà mổ mở không tới được, ít tổn thương những tổ chức lành, có thể làm rất tỉ mỉ, giúp nối dài bàn tay của thầy thuốc, tới được những chỗ như vậy”.
PGS cũng cho biết thêm: “Dưới tác động của môi trường và công nghiệp hóa, bệnh phổi ngày càng phức tạp hơn, bao gồm các bệnh phổi truyền nhiễm, bệnh phổi mãn tính, ung thư phổi, bệnh phổi kẽ, các bệnh truyền nhiễm mới nổi như COVID-19 và bệnh truyền nhiễm đã rất cũ nhưng để lại gánh nặng rất lớn như bệnh lao. Điều đó đòi hỏi tất cả các bác sỹ phải cập nhật kiến thức và kinh nghiệm để thực hành y tế tốt nhất mỗi ngày”.
Trước đây, khi thực hiện những ca mổ mẫu như thế này, hình ảnh thường được truyền bằng dây cáp ra các màn hình trong phòng mổ, hội trường… hạn chế về không gian cũng như đối tượng tham gia. Không những thế, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, rất khó để có thể mời các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam trực tiếp giảng dạy.
Do đó, thực tế ảo là một công nghệ hiện đại của thế giới. Với công nghệ mới này, có thể rút ngắn được quá trình đào tạo bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật giỏi để phục vụ người bệnh.
Ca mổ được thực hiện ở Hàn Quốc có sự tham gia của BS Việt Nam
Đặc biệt, tại đầu cầu Hàn Quốc, các bác sỹ tiến hành ca phẫu thuật cắt thùy phổi và u trung thất bằng phương pháp sử dụng video hỗ trợ (VATS) với hình thức mô phỏng phòng mổ thực tế ảo, sử dụng hệ thống kính thực tế ảo đầu tiên tại châu Á.
Là người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật bằng công nghệ thực tế ảo, TS.BS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: “Không gian ảo giống hệt như chúng ta đang tương tác thật. Thông qua kính thực tế ảo, người tham gia có thể nhìn rất kĩ và nhìn từ các góc độ khác nhau của ca mổ. Không những thế, trước đây nếu là thật thì chúng ta chỉ làm trong phạm vi một ca mổ, một phòng mổ, một hội trường, nhưng mà như này chúng ta có thể trao đổi rất nhiều nơi, các địa điểm khác nhau ở trên thế giới như các chuyên gia đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan “.
TS.BS Đinh Văn Lượng cũng nhấn mạnh rằng, nhờ công nghệ hiện đại, các bác sĩ không cần phải đi máy bay ra nước ngoài mà vẫn như được ngồi trong 1 phòng đào tạo chung với chuyên gia các nước. Bên cạnh đó, vì phẫu thuật nội soi lồng ngực đòi hỏi nhiều kĩ thuật tỉ mỉ, nên việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo này là rất hiệu quả, bởi chất lượng hình ảnh được truyền tải rất tốt.