Theo ý kiến của chuyên gia y tế, tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ là chìa khóa trong điều trị biến chứng đau mắt đỏ.
Thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho đau mắt đỏ phát triển thành dịch, đây là căn bệnh cấp tính và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, việc bệnh tự khỏi còn phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống miễn dịch của mỗi người. Nếu chủ quan, đau mắt đỏ sẽ gây nhiều biến chứng. Vì vậy thăm khám giúp điều trị biến chứng đau mắt đỏ là hết sức cần thiết.
1. Các biến chứng nguy hiểm của đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết ra từ mắt người bệnh, nhất là trong môi trường trường học và mầm non nên dễ bùng phát thành dịch.
Người bị đau mắt đỏ thường gặp các triệu chứng bao gồm: đỏ mắt; chảy nước mắt; ngứa và cộm mắt; chảy nhiều dịch mắt có màu xanh hoặc vàng (nếu viêm kết mạc do vi khuẩn); chảy dịch tiết mắt trong, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng chói (nếu viêm kết mạc do virus). Thường thì đau mắt đỏ ít gây ảnh hưởng thị lực về sau nếu được điều trị kịp thời.
Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ là chìa khóa trong điều trị biến chứng đau mắt đỏ – Ảnh: Aucklandeye
Nếu việc điều trị chậm trễ, đau mắt đỏ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc – một tình trạng cần được điều trị dài ngày và có nguy cơ ảnh hưởng tới thị lực về sau. Do đó, tuy là bệnh lành tính nhưng bệnh nhân cần được điều trị đúng cách, tránh tình trạng tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc điều trị tại nhà theo các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng.
Khi tự ý điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể đối diện với nguy cơ suy giảm thị lực; nhất là các loại thuốc có chứa corticoid nếu dùng lâu dài có thể gây sẹo giác mạc, thậm chí gây mất thị lực vĩnh viễn. Vì vậy, khi thấy dấu hiệu đau mắt đỏ, cần đến bác sĩ nhãn khoa thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ chỉ định.
Ngoài ra, bệnh đau mắt đỏ khi gặp virus adenovirut có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Biến chứng có thể là sự liên kết của tình trạng viêm ở nhiều bộ phận, thường được gọi là viêm kết mạc họng hạch (đau mắt, đau họng và nổi hạch trước tai). Rất nhiều người không phân biệt được viêm kết mạc họng hạch với đau mắt đỏ thông thường.
Khi bị đau mắt đỏ gặp virus adenovirut, người bệnh có các triệu chứng như sốt (thường là sốt nhẹ), viêm đau họng mũi và nổi hạch. Khi mắc viêm kết mạc họng hạch, người bệnh thường có cảm giác khó chịu ở mắt, nước mắt chảy nhiều, nhạy cảm với ánh sáng chói và đau họng khi nuốt nước bọt. Đôi khi, bệnh khiến bệnh nhân vừa đau mắt kèm đau họng và hạch nổi trước tai.
Đặc biệt ở mí mắt, nhất là mi dưới xuất hiện nhiều hạt kích thước lớn mọc thành dãy, xuất hiện sớm và phát triển nhanh chóng trong khoảng 1 tuần mà không để lại sẹo. Một số bệnh nhân còn bị viêm đường tiết niệu, gây tiểu buốt khó chịu.
Việc điều trị biến chứng đau mắt đỏ sẽ dễ dàng hơn khi người bệnh nắm rõ các triệu chứng – Ảnh: Medicalnewstoday
Việc điều trị biến chứng đau mắt đỏ sẽ dễ dàng hơn khi người bệnh nắm rõ các triệu chứng giúp bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán chính xác bệnh. Bệnh viêm kết mạc họng hạch thường tiến triển nhanh và để lại các biến chứng nặng như ho có đờm, viêm phế quản và đôi khi là viêm phổi. Nếu bệnh nặng, bệnh nhân có thể sốt cao, li bì, co giật và kiệt sức.
Điều đầu tiên trong điều trị biến chứng đau mắt đỏ do adenovirut là người bệnh cần tránh những nơi công cộng; không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác; tuyệt đối không đến bể bơi công cộng để tránh lây lan bệnh cho mọi người.
2. Điều trị khi có biến chứng đau mắt đỏ
Thường điều trị biến chứng đau mắt đỏ được các bác sĩ chỉ định cụ thể, điều trị dài ngày hoặc ngắn ngày tùy theo nguyên nhân của bệnh.
Điều trị biến chứng đau mắt đỏ liên quan đến giác mạc thường điều trị dài ngày, vài tuần đến vài tháng bằng thuốc kháng sinh. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định dùng thuốc và tái khám đúng hẹn để được bác sĩ theo dõi quá trình phục hồi.
Đối với bệnh nhi sơ sinh gặp biến chứng đau mắt đỏ như viêm phổi, viêm màng não thì cần được chẩn đoán và điều trị tích cực. Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị biến chứng giác mạc do tiếp xúc vi khuẩn trong ống sinh của người mẹ, cần nhập viện điều trị. Hoặc nếu điều trị theo thuốc bác sĩ kê, nếu 3 ngày không thấy đáp ứng thì cần đưa đến bệnh viện sớm.
Điều trị biến chứng đau mắt đỏ liên quan đến giác mạc thường điều trị dài ngày – Ảnh: Researchgate
Theo các bác sĩ nhãn khoa, hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị biến chứng đau mắt đỏ do adenovirut gây viêm kết mạc họng hạch. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào việc tăng sức đề kháng cho bệnh nhân và thực hiện các bước giúp giảm các triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo lời khuyên và phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ, tránh tình trạng kháng thuốc cũng như khiến bệnh diễn tiến nặng hơn. Khi mắc bệnh đau mắt đỏ, người bệnh nên chủ động phòng ngừa các biến chứng, tránh các hậu quả nghiêm trọng cho thị lực cũng như sức khỏe tổng quát.
Nên chủ động phòng tránh biến chứng đau mắt đỏ bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt cũng như dụi mắt; không tự chữa bệnh đau mắt đỏ bằng các loại thuốc tự chế; vệ sinh mắt bị đau sạch sẽ và đúng cách. Cuối cùng, để điều trị biến chứng đau mắt đỏ nhanh chóng, người bệnh nên tái khám đúng theo hẹn của bác sĩ.
Chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ cần lưu ý những gì?
Chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ cần được đặc biệt lưu ý để điều trị an toàn, tránh những ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và thai nhi.
Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp tính là một căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và những người thường xuyên tiếp xúc với chúng, kể cả phụ nữ đang mang thai. Việc chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ theo đó cũng cần đặc biệt lưu ý để không ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn thai nhi.
Tuy rằng bệnh đau mắt đỏ không nghiêm trọng, nhưng các triệu chứng của nó có thể dẫn đến những khó chịu và gây ra các cơn đau cho người bệnh. Nó cũng rất dễ lây lan, do đó mẹ bầu nếu nhận thấy mắt bị đỏ, ngứa, chảy dịch mủ ở một hoặc 2 mắt cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa sớm để có biện pháp điều trị kịp thời.
1. Điều trị đau mắt đỏ ở phụ nữ mang thai an toàn
Phụ nữ có thai nên thận trọng với việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Nếu trong quá trình mang thai, phụ nữ bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ cần đi khám để được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Không nên tự ý mua thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ của người bệnh khác.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt kháng sinh cho mẹ mà không gây nguy hiểm đến thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, những loại thuốc nhỏ mắt này chỉ có tác dụng chống lại viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp mắc phải có nguyên nhân là do virus.
Nếu mẹ bầu nhiễm đau mắt đỏ do virus gây ra, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phương pháp điều trị như sau để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé:
– Thường xuyên lau mí mắt bằng khăn ướt và sạch.
– Chườm ấm hoặc chườm lạnh lên mí mắt nhiều lần trong ngày để giảm đau.
Chườm ấm hoặc chườm lạnh lên mắt có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ (Ảnh: Internet)
– Dùng thuốc nhỏ mắt nhân tạo, an toàn và có bán không cần kê đơn.
– Kiểm soát việc lây lan trong gia đình, đảm bảo mọi người thường xuyên rửa tay và không dùng chung khăn tắm.
Nếu tình trạng đau mắt đỏ mà mẹ bầu mắc phải là do phức hợp herpes, mẹ bầu có thể cần dùng đến thuốc kháng virus để ngăn virus lây lan sang thai nhi. Cách điều trị cũng sẽ tương tự đối với đau mắt đỏ do chlamydia. Bởi vì chlamydia thực chất là một loại vi khuẩn nhưng hoạt động giống như virus.
Nếu phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ do dị ứng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt để điều trị tình trạng dị ứng mà không gây hại cho thai nhi. Nếu tình trạng đau mắt đỏ xuất hiện trong thai kỳ do gặp phải hóa chất hoặc dị vật, bác sĩ sẽ rửa mắt, lấy dị vật ra ngoài và kiểm tra xem có bị n.hiễm t.rùng hay không. Nếu không có, những triệu chứng kích ứng sẽ giảm sau một vài ngày.
2. Những lưu ý khi chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ
Thông thường, bệnh đau mắt đỏ sẽ tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên chúng rất dễ lây lan và những khó chịu mà các triệu chứng gây ra sẽ ảnh hưởng không tốt đến giai đoạn mang thai của mẹ. Để làm giảm những ảnh hưởng không tốt này, người nhà cần lưu ý những điều sau đây khi chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ:
– Đừng quá cố gắng chịu đựng những cơn đau và khó chịu. Hãy đi khám càng sớm càng tốt và làm theo những khuyến nghị của bác sĩ để thuyên giảm các triệu chứng. Việc giảm bớt các triệu chứng có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và chắc chắn sẽ giảm bớt căng thẳng trong quá trình mang thai.
Vệ sinh mắt thường xuyên với nước muối sinh lý là một lưu ý quan trọng khi chăm sóc phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ (Ảnh: Internet)
– Phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ cũng nên đeo kính gọng thay vì kính áp tròng trong thời gian điều trị và sau khi khỏi bệnh cần vứt bỏ những loại kính cứng đã đeo này.
– Có thể đắp túi trà xanh sạch và ẩm lên mắt để giảm bớt ngứa, khó chịu.
– Rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0.9% thường xuyên trong ngày.
– Chấm gel lô hội lên mí mắt hoặc đắp những lát mỏng khoai tây tươi, lạnh lên mí mắt để giảm nhẹ triệu chứng.
– Nếu tình trạng đau mắt đỏ kéo dài hơn 1 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm, cần thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt.
Điều lưu ý quan trọng hơn cả là việc kiểm soát tình trạng bệnh, không để bệnh lây lan cho những thành viên còn lại trong gia đình, đặc biệt nếu trong nhà có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già.