Phòng bệnh á sừng vào mùa đông

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có buổi trao đổi cùng bác sĩ chuyên khoa da liễu Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Ba Chẽ để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh á sừng- một trong những bệnh về da thường xuất hiện vào mùa đông.

Kiểm tra tình trạng bệnh á sừng ở chân cho bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

– Bác sĩ cho biết, nguyên nhân nào khiến bệnh á sừng dễ xuất hiện trong mùa đông?

Á sừng là một biểu hiện của bệnh về da, trong đó hay gặp nhất là bệnh viêm da cơ địa, với hiện tượng da bị khô, nứt nẻ, bong tróc. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở tay, chân.

Nguyên nhân gây bệnh này đến nay vẫn chưa tìm ra, song một số các bằng chứng khoa học cho là bệnh có sự ảnh hưởng từ hai yếu tố: Yếu tố đầu tiên là di truyền, nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ từng bị á sừng thì nguy cơ mắc bệnh của người con sẽ cao hơn người khác; yếu tố thứ hai là các tác nhân kích thích, bao gồm cả tác nhân nội sinh (như thay đổi nội tiết, stress, rối loạn chuyển hóa…) và tác nhân ngoại sinh (như thức ăn, thời tiết, mỹ phẩm…). Bệnh thường xuất hiện và tăng nặng vào mùa đông. Việc tiếp xúc thường xuyên với xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa, nước bẩn, khói thuốc… là các yếu tố thúc đẩy tình trạng bệnh khởi phát.

Á sừng thường gặp ở những người nội trợ, người làm trong môi trường nhiều chất độc hại, nông dân, thợ làm tóc, nhân viên y tế,… do họ thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, môi trường ô nhiễm.

– Bệnh này có lây không và có những triệu chứng gì, thưa bác sĩ?

Viêm da cơ địa (hay á sừng) là bệnh không lây nhiễm từ người này sang người khác. Bệnh thường có biểu hiện điển hình như: Da bị khô ráp, bong tróc, nứt nẻ. Vùng da bệnh sẽ bị ngứa, nổi mụn nước; vùng da bị tổn thương còn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Người bệnh bứt rứt và có thể liên tục muốn gãi ngứa, càng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổn thương xuất hiện trên da.

Triệu chứng của bệnh á sừng ở tay.

Lúc này, da càng dày và chai sần bong tróc, nhất là ở phần rìa, phần gót chân, vùng da đầu ngón tay chân, bàn tay, chân và có hiện tượng lan rộng ra những vùng da khác, tạo nên các đường rãnh nông hoặc sâu đặc trưng trên da. Các vết nứt quá sâu có thể gây c.hảy m.áu kèm cảm giác nhức nhối, đau rát. Vùng bị bệnh trở nên căng hơn, các vết nứt rát hơn.

Lâu ngày hơn, các móng có thể bị xù xì, móng tay, móng chân có những lỗ nhỏ li ti, chuyển vàng và có thể tách ra khỏi nền móng…

– Bệnh có điều trị dứt điểm được không, thưa bác sĩ?

Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh á sừng gây khó khăn, phiền toái cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh ngại tiếp xúc với người khác.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh. Tuy nhiên, bệnh sẽ dần ổn định nếu được điều trị đúng. Bệnh sẽ nhanh chóng tái phát và tình trạng bong tróc da ngày càng thêm trầm trọng, nếu không tránh được các yếu tố nguy cơ.

Khi bị bệnh á sừng cần hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa (theo vinmec.com)

Khi bị á sừng, người bệnh nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu để được khám, tìm nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Loại thuốc thường dùng cho bệnh nhân thường là thuốc để làm bay lớp sừng và chống viêm, các loại kem dưỡng ẩm, làm mềm lớp sừng.

Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp, không bóc hay chà xát các lớp sừng đã bị bong tróc vì chúng có thể ảnh hưởng đến những vùng da lành. Không gãi các vùng da nhiễm bệnh vì có thể làm tổn thương tế bào da, đồng thời dễ làm cho vi khuẩn xâm nhập vào da nhanh hơn, gây biểu hiện n.hiễm t.rùng nặng hơn.

Không tiếp xúc với các chất độc hại như hóa chất công nghiệp, xăng dầu, chất tẩy rửa, xà phòng. Luôn mang găng tay, ủng chân để bảo vệ da khi phải tiếp xúc với hóa chất. Giữ ẩm cho lòng bàn tay, bàn chân bằng các loại kem dưỡng ẩm, đặc biệt là vào thời tiết lạnh giá.

Không ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt gà, bò, nhộng, mắm,… Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau, củ, quả tươi hoặc viên uống bổ sung vitamin A, C, D, E

– Xin cảm ơn bác sĩ!

12 sai lầm tai hại bạn cần tránh vào mùa đông

Tắm lâu, uống ít nước, ngủ nướng,… những thói quen tưởng như quá đỗi bình thường vào mùa đông lại có thể gây nguy cơ sức khỏe khôn lường.

Không uống đủ nước: Cơ thể ta mất nước chủ yếu qua bài tiết và tiêu hóa. Vào mùa đông, cơ thể ít đổ mồ hôi hơn, do đó nhiều người có xu hướng uống ít nước hơn. Đây là một sai lầm tai hại, vì thiếu nước có thể gây táo bón, khó tiêu và các bệnh về thận.

Lười vận động: Cái lạnh mùa đông dễ khiến ta lười vận động tay chân. Tuy vậy, các chuyên gia khuyến cáo nên duy trì chế độ tập luyện đều đặn nhằm tăng cường miễn dịch và kéo dài t.uổi thọ.

Không giữ ấm bàn tay và bàn chân: Nghiên cứu cho thấy giữ ấm bàn tay và bàn chân khi đi ngủ sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bạn nên đeo tất chân khi đi ngủ để kéo dài thời gian ngủ và tránh thức giấc giữa chừng.

Tắm lâu với nước nóng: Tắm nước nóng vào mùa đông giúp làm dịu cả thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, tắm nước nóng quá lâu có thể làm khô da, phá hủy các tế bào keratin ở lớp da trên cùng, gây viêm da, khô da và mẩn đỏ.

Mặc quá nhiều quần áo: Việc giữ ấm cơ thể là vô cùng quan trọng vào mùa đông, tuy nhiên mặc quá nhiều lớp quần áo có thể khiến bạn thấy nóng bức và đổ mồ hôi, dẫn đến mất nước cơ thể.

Ăn uống vô độ: Trời lạnh dễ khiến ta thèm ăn hơn, bởi cơ thể cần nhiều calo để chống chọi với cái lạnh. Tuy nhiên, thay vì ăn các món ăn vặt vô bổ, hãy chọn các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh và hoa quả giàu chất xơ, giúp bạn no lâu hơn.

Uống quá nhiều cà phê: Một tách cà phê nóng giữa trời đông lạnh giá nghe thật là hấp dẫn, nhưng nếu uống quá nhiều cà phê, lượng caffeine hấp thụ vào cơ thể có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. Hãy chỉ uống tối đa 3 tách cà phê mỗi ngày.

Ngủ nướng: Vào mùa đông, đêm trở nên dài hơn và ngày ngắn hơn. Điều này làm rối loạn tuần hoàn sinh học, khiến cơ thể sản sinh nhiều hormone ngủ melatonin hơn, làm ta thấy uể oải và buồn ngủ. Hãy cố gắng chống chọi với cảm giác buồn ngủ để duy trì thói quen ngủ nghỉ hợp lý.

Lười ra khỏi nhà: Cái lạnh mùa đông khiến ta ngại ra khỏi nhà hơn. Điều này dễ khiến ta thụ động và lười biếng hơn, dẫn đến nguy cơ tăng cân, béo phì và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Tự ý sử dụng dược phẩm: Bị ốm là chuyện phổ biến vào mùa đông, nhưng việc tự uống thuốc mà không có chỉ dẫn, đặc biệt là thuốc kháng sinh, có thể gây hậu quả khôn lường. Tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn trực tiếp.

Uống quá nhiều rượu bia: Chuyên gia cho hay một lượng nhỏ các loại rượu như rượu rum hay whisky có thể giúp làm ấm cơ thể vào mùa đông. Tuy nhiên uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến các vấn đề về gan, thận và hệ miễn dịch.

Không dưỡng ẩm cho da: Dưỡng ẩm da là một công đoạn không thể bỏ qua nhằm ngăn ngừa tình trạng khô ráp da do thời tiết lạnh giá. Bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm và body lotion để bảo vệ làn da khi gió mùa về./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *