Một buổi tập gym hiệu quả có thể làm cơ thể đổ rất nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, không phải lúc nào đổ nhiều mồ hôi cũng là tốt.
Đổ nhiều hay ít mồ hôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ cường độ tập, nhiệt độ môi trường đến trọng lượng cơ thể – ẢNH: SHUTTERSTOCK
Khi tập luyện, cơ bắp càng hoạt động nhiều sẽ càng sinh nhiệt. Để duy trì thân nhiệt ở mức ổn định, cơ thể sẽ bắt đầu tiết ra mồ hôi để làm mát cơ thể. Về cơ bản, cơ bắp càng hoạt động nhiều thì càng phải tiết nhiều mồ hôi để làm mát cơ thể, theo Pop Sugar.
Vì vậy, có quan điểm phổ biến tin rằng đổ nhiều mồ hôi trong phòng gym là dấu hiệu cho thấy bạn đang tập luyện hiệu quả. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào cũng đúng như vậy.
Cơ thể đổ nhiều hay ít mồ hôi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tập luyện cường độ cao chỉ là một trong số các yếu tố đó.
“Cường độ tập chắc chắn là yếu tố quan trọng quyết định lượng mồ hôi đổ ra nhiều hay ít, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất”, Pop Sugar dẫn lời tiến sĩ Lindsay Baker, chuyên gia khoa học thể thao tại Viện Khoa học Thể thao Gatorade (Mỹ).
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến lượng mồ hôi là môi trường. Ví dụ, bạn sẽ đổ ít mồ hôi hơn nếu tập luyện trong phòng gym có bật máy điều hòa so với tập ngoài trời hay trong phòng không có điều hòa.
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến lượng mồ hôi là tỷ lệ mỡ, khả năng thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, trọng lượng cơ thể và một số yếu tố khác. Vì vậy, rất khó để kết luận đổ nhiều mồ hôi hơn có nghĩa là tập luyện hiệu quả hơn, tiến sĩ Lindsay giải thích thêm.
Có một số người cơ thể họ tiết ra rất ít mồ hôi, ngay cả khi tập luyện. Điều này rất có thể là do yếu tố di truyền.
Ngược lại, một số trường hợp lại tiết rất nhiều mồ hôi. Đó có thể là dấu hiệu của hội chứng tăng tiết mồ hôi. Đây là bệnh khiến cơ thể đổ mồ hôi quá mức. Ngay cả khi không tập luyện, cơ thể người mắc cũng đổ rất nhiều mồ hôi, phổ biến nhất là ở nách và bàn tay.
Lượng mồ hôi cơ thể tiết ra trong quá trình tập luyện của mỗi người có thể khác nhau. Vì vậy, người tập không cần lo lắng nếu một buổi tập đổ quá nhiều hay quá ít mồ hôi, theo Pop Sugar.
Trời nóng bức làm sao để giảm đổ mồ hôi, nhất là ở nách?
Lý do chính mà cơ thể đổ mồ hôi là để làm mát, điều tiết thân nhiệt. Ngoài ra, mồ hôi còn có tác dụng làm ẩm da, duy trì cân bằng điện giải của cơ thể. Tuy nhiên, đổ mồ hôi quá nhiều sẽ gây khó chịu.
Chất chống mồ hôi có thể giảm tiết mồ hôi và giúp giảm mùi cơ thể – ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Cơ thể con người có từ 2 đến 4 triệu tuyến mồ hôi, tập trung nhiều ở nách, bàn chân, lòng bàn tay, háng và trán. Khi các tuyến này hoạt động, mồ hôi được tiết ra, bốc hơi và làm mát cơ thể, theo Reader’s Digest.
Nếu cơ thể đổ quá nhiều mồ hôi đến mức gây phiền phức thì chúng ta có thể áp dụng những cách sau để giảm tiết mồ hôi:
1. Bôi chất chống mồ hôi
Chất khử mùi và chất chống mồ hôi thường được dùng để thay thế cho nhau. Nhưng trên thực tế, mỗi loại có những công dụng riêng biệt.
Chất khử mùi chỉ đơn thuần là tạo hương thơm, trong khi chất chống mồ hôi có tác dụng giảm tiết mồ hôi, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ da liễu Brian Ginsberg tại Bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York (Mỹ).
Chất chống mồ hôi có chứa thành phần giúp ngăn các tuyến mồ hôi, thường chứa nhôm. Nhôm tương tác với mồ hôi sẽ tạo ra một loại muối giúp bịt các tuyến mồ hôi trong vài giờ.
Một số sản phẩm chống mồ hôi theo toa có thể làm việc này rất hiệu quả. Chúng không tốn kém nhưng lại giúp ngăn ngừa mùi cơ thể do mồ hôi gây ra.
Để chất chống mồ hôi có thể phát huy tối đa, người dùng nên thoa vào ban đêm. Vì trong thời điểm này, da sẽ khô hơn ban ngày vì tiết ít mồ hôi hơn, theo Reader’s Digest.
2. Tránh thực phẩm kích thích đổ mồ hôi
Rượu bia và các loại thức uống có nhiều caffeine như cà phê, trà, một số loại nước tăng lực có thể kích thích cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Thay vào đó, để giảm mồ hôi, mọi người nên chọn các loại thức uống bù điện giải.
Nguyên nhân là rượu bia và caffeine sẽ làm cơ thể tiết hoóc môn căng thẳng adrenaline. Hoóc môn này lại kích thích các tuyến mồ hôi. Hiện tượng này đặc biệt rõ ở những người bị hội chứng tăng tiết mồ hôi. Cơ thể họ đặc biệt ra nhiều mồ hôi khi căng thẳng.
Mặc quần áo mát mẻ, thoáng khí cũng là cách giúp cơ thể giảm tiết mồ hôi, đặc biệt là khi trời nóng.
3. Uống thuốc
Nếu đã chọn các loại quần áo thoáng khí, đã dùng các sản phẩm chống mồ hôi nhưng vẫn không hiệu quả thì có thể chọn giải pháp là uống thuốc. Lưu ý là bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc chống mồ hôi nào, theo Reader’s Digest.
Một số loại thuốc kê đơn như glycopyrrolate và oxybutynin có thể giúp giảm tiết mồ hôi, đặc biệt là ở những trường hợp nặng.
Những loại thuốc này thường mang lại hiệu quả tốt nhưng có thể đi kèm một số tác dụng phụ như khô miệng, khô mắt và nhức đầu, theo Reader’s Digest.