Chưa an tâm với suất ăn chế biến sẵn

Mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể tại các tỉnh thành khu vực phía Nam đã giảm trong những năm gần đây, nhưng nguy cơ ngộ độc từ loại hình này vẫn còn hiện hữu, nhất là với các phần ăn chế biến sẵn.

Một vụ công nhân bị ngộ độc thực phẩm tập thể phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Ảnh: THÀNH SƠN

Nguy cơ vẫn rình rập

Tại Đồng Nai, báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho thấy, giai đoạn 2016-2019 xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và tại các cơ sở nấu suất ăn công nghiệp, làm 701 người mắc. Nguyên nhân chính gây nên ngộ độc thực phẩm là do việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được chặt chẽ, giá trị mỗi suất ăn thấp (chỉ 11.000 – 14.000 đồng/suất). Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn vẫn còn nhiều hạn chế.

Đơn cử tháng 3 vừa qua, sau bữa cơm trưa, 149 công nhân của Công ty TNHH Starite International Việt Nam (tên gọi khác là Công ty Kỳ Lợi, đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) có triệu chứng ói, đau bụng, mệt mỏi, phải đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom và Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Đồng Nai, cho biết theo điều tra của cơ quan chức năng, Công ty Kỳ Lợi hợp đồng với Công ty TNHH Thiên Hồng Phúc để nấu ăn tại công ty cho công nhân. Buổi trưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, có 750 công nhân đã ăn các món chay như nấm xào cải ngọt, khổ qua nhồi nấm mèo. Sau khi lấy mẫu thực phẩm để làm xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật.

TPHCM cũng là điểm tập trung số lượng lớn bếp ăn tập thể khác của khu vực phía Nam với hơn 4.000 bếp ăn tập thể, trong đó có 279 bếp ăn tại các khu công nghiệp – khu chế xuất với quy mô phục vụ hàng trăm ngàn suất/ngày. Qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bếp ăn tập thể tại các khu chế xuất – khu công nghiệp của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cho thấy, đa số các công ty ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp từ bên ngoài.

Ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho biết từ năm 2015 đến 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 22 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học với 196 người mắc. Nguyên nhân là trong quá trình chế biến, vận chuyển suất ăn đã bị vi sinh vật xâm nhập gây ngộ độc. Đây là nguy cơ mất an toàn thực phẩm, vì các cơ sở chế biến suất ăn sẵn ở xa các bếp ăn tập thể, thời gian vận chuyển thức ăn chín từ nơi chế biến đến nơi phục vụ khá dài, phương tiện vận chuyển không bảo đảm, có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường.

Nỗi lo chung

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn 2015-2019, số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình/năm, số người mắc, số người nhập viện và t.ử v.ong trung bình/năm đều giảm so với trước đó (2010-2014). Tính chung 2010-2019, cả nước ghi nhận 1.556 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 47.400 người mắc; trong đó, có 149 vụ xảy ra tại các bếp ăn tập thể trong khu chế xuất – khu công nghiệp với 10.847 người mắc, 9.889 người nhập viện. Trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với 1.135 người mắc và 1.084 người nhập viện. Riêng năm 2020, tính đến ngày 31-5, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người t.ử v.ong.

Đáng chú ý, tình hình ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp có xu hướng giảm cả về số vụ, số mắc và nhập viện; các vụ ngộ độc xảy ra nhiều nhất ở khu vực Đông Nam bộ và Bắc bộ, tiếp đến là ĐBSCL (đặc biệt là giai đoạn 2015-2019).

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, mối nguy lớn nhất gây ra ngộ độc tập thể chính là từ các suất ăn chế biến sẵn. Qua kiểm tra, khảo sát, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến. Thêm vào đó, nhiều cơ sở cung cấp suất ăn sẵn sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc. Những cơ sở này đa số có quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm… rất thủ công.

Để ngăn chặn xảy ra ngộ độc thực phẩm, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ đặc trách, nắm chắc các cơ sở, xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp đối với từng khu chế xuất, khu công nghiệp, từng bếp ăn tập thể. Cùng với đó là nghiên cứu đề xuất chính sách can thiệp về giá thành tối thiểu, khuyến cáo về định mức dinh dưỡng của một suất ăn sẵn cho công nhân. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho đơn vị, phải ký cam kết với y tế địa phương, ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp.

“Một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra là tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp – khu chế xuất, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm và thông báo công khai đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở chế biến thực phẩm vi phạm”, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Những hướng dẫn mới về mở lại dịch vụ ăn uống khi nới giãn cách xã hội cần biết

Người chế biến thức ăn, người phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, không được cười đùa, nói to… Đây là những hướng dẫn mới mà các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phải thực hiện lúc mở cửa trở lại khi nới giãn cách xã hội.

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) lúc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động lại khi nới lỏng giãn cách xã hội, bắt buộc người chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn phải đeo khẩu trang. Các quán ăn không được phục vụ nhiều người cùng lúc, khách ăn uống cần hạn chế cười đùa, nói to…

“Đặc biệt, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (cơ sở chế biến xuất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, căng tin ăn uống) cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện ATTP. Chỉ các cơ sở kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện cấp phép mới được kinh doanh trở lại”- ông Phong nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết để bảo đảm ATTP khi các cơ sở hoạt động lại sau nới giãn cách, bắt buộc người phục vụ đồ ăn phải đeo khẩu trang

Theo ông Phong, trước đây, việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc với những người chế biến thực phẩm nhưng nay bắt buộc cả với những người phục vụ trong nhà hàng, quán ăn cũng như các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài ra, nếu người chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống có bất kỳ biểu hiện sốt, ho, không được chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn.

Trong quá trình chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn, không được cười đùa, nói to, cố gắng hạn chế tiếp xúc gần. Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay… Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay, phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.

Nhiều quán ăn ở Hà Nội đã mở cửa trở lại sau nới giãn cách xã hội – Ảnh: Ngô Nhung

Một điểm mới nữa là khu ăn uống phải có đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng…

Đối với bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất, doanh trại các đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục, trường học có đông người ăn uống cần bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống. Người ăn uống yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.

“Với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, ngoài yêu cầu về ATTP theo quy định cũng cần lưu ý thực hiện phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, người bán hàng phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Thực phẩm, thức ăn ăn ngay phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn trước khi giao cho khách hàng. Các cơ sở này cũng phải bố trí đủ nước sạch và xà phòng rửa tay cho khách trước khi ăn uống, không được phục vụ cùng lúc quá đông người để bảo đảm khoảng cách an toàn”- PGS Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Người kinh doanh thức ăn đường phố cũng phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc thực phẩm – Ảnh: Ngô Nhung

Ông Phong cho biết Cục ATTP cũng đề nghị các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo các tiêu chí nêu trên, yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục/ tại các nhà hàng, khách sạn, cơ quan có bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ có poster được mô tả bằng hình ảnh hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để đảm bảo ATTP trong phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài hướng dẫn bằng văn bản, Cục ATTP cũng lập đường dây nóng để người kinh doanh có bất cứ thông tin thắc mắc, hướng dẫn đều có thể gọi để được tư vấn theo số hotline: 0913.319.936.

Cũng theo ông Phong, Cục ATTP đã có văn bản hướng dẫn riêng về việc đảm bảo ATTP trong phòng chống dịch Covid-19 đối với bếp ăn cơ sở giáo dục. Theo đó, ngoài các quy định về đeo khẩu trang đối với người chế biến, người phục vụ, khu vực ăn uống cho học sinh, sinh viên, học viên phải đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống… Nhóm đối tượng này có thể bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống. Tại các bếp ăn cần hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm bảo đảm ATTP trong phạm vi quản lý.

Không mang khẩu trang khi chế biến thức ăn sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng

Đeo khẩu trang là quy định bắt buộc với người phục vụ dịch vụ ăn uống

Theo Nghị định 115 năm 2018 về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có quy định mức phạt t.iền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người trực tiếp chế biến (tiếp xúc) thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay, đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Tin-clip: N.Dung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *