Ngoài việc điều trị thì chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng với người bị ung thư dạ dày. Bệnh nhân không nên ăn đồ nhiều dầu mỡ, chiên rán, món ăn quá chua cay…
Tại Việt Nam tỉ lệ người mắc ung thư dạ dày ngày càng cao. Trong đó một phần nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống.
Bệnh nhân ung thư dạ dày cần tuyệt đối tránh những loại thực phẩm sau:
Đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán
Những món ăn chứa nhiều dầu mỡ như cánh gà rán, đùi gà rán, xúc xích, nem chua… đều ảnh hưởng không tốt đến dạ dày. Vì vậy người bệnh cần hết sức lưu ý.
Với người khỏe mạnh, các thực phẩm này rất dễ gây ra ung thư dạ dày. Vì vậy bạn cần hạn chế hoặc kiêng hẳn để dạ dày khỏe mạnh hơn.
Những món ăn quá chua, cay
Ăn nhiều ớt, tiêu, cóc, xoài, mơ… và đặc biệt là đồ muối chua sẽ làm ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh ung thư dạ dày.
Thực phẩm đóng hộp, đồ ăn sẵn
Đồ ăn nhiều chất bảo quản, nhiều hương liệu gia vị không tốt cho bệnh nhân ung thư dạ dày.
Rượu bia, cà phê…
Những đồ uống này gây hại đến niêm mạc dạ dày, vì vậy không chỉ những người bị ung thư dạ dày mà cả những người khỏe mạnh cũng cần tránh sử dụng.
Ăn quá mặn
Trên thực tế, muối là tác nhân thúc đẩy, kích hoạt các tác nhân gây ung thư. Vì vậy, bệnh nhân ung thư dạ dày không nên ăn quá nhiều muối để tránh làm bệnh thêm trầm trọng.
Đỗ Hiên
Theo Dân trí
Cuộc sống khó khăn của những người không ‘cần’ dạ dày
Đối với những người có thể sống mà không cần dạ dày, cuộc sống của họ khó khăn hơn rất nhiều so với người thường.
Giảm nguy cơ ung thư dạ dày bằng cách tránh ăn thịt chế biến và uống quá nhiều rượu, giữ trọng lượng cơ thể khỏe mạnh – Ảnh minh họa: Shutterstock
9 năm không có… dạ dày
Katy Kosyachkova, 21 t.uổi, sống ở Ontario (Canada) bị ung thư và phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày. Cô không nhận thấy triệu chứng bệnh nào cho đến khi bị ngất trong kỳ thi cuối cùng ở đại học. Cuộc phẫu thuật dài 8 giờ đã được thực hiện ngay lập tức, kéo theo đó là thời gian cô giảm cân mạnh, từ 79,8 kg xuống còn 57 kg, theo Torontosun.
Kosyachkova kể với Torontosun rằng cuộc sống hậu phẫu vì ung thư dạ dày của cô xoay quanh “những cơn đau, lựa chọn thực phẩm hạn chế, khó tăng cân và kém hấp thu”, mất hoàn toàn cảm giác ngon miệng và chịu đựng hội chứng dumping (hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, xảy ra khi thức ăn, đặc biệt là đường, di chuyển từ dạ dày vào ruột non quá nhanh. Hầu hết người bệnh đều có các dấu hiệu và triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy, từ 10-30 phút sau khi ăn, một số khác có thể bị sớm hơn hoặc muộn hơn).
Cô Kosyachkova cho biết ban đầu cô gặp khó khăn khi ăn bất cứ thứ gì, không thể dùng bữa cùng bạn bè, gia đình, hay ra nhà hàng. Hiện tại, cô có thể thưởng thức phần ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn. Thực đơn của cô phải loại bỏ hoàn toàn đường và gia vị. Kosyachkova thừa nhận, không có dạ dày chắc chắn khiến cuộc sống trở nên thách thức hơn, đặc biệt là chuyện hẹn hò.
“Khi tôi giảm cân, da chảy xệ. Tôi cũng có một vết sẹo lớn trên bụng. Đó là một khuyết tật vô hình. Tôi ăn rất chậm, không bao giờ ăn hết phần ăn và thành kẻ kén ăn. Tôi cũng hay ợ hơi nơi công cộng, rất xấu hổ”, Torontosun ghi lại lời Kosyachkova.
Về mặt tích cực, cô có ý thức hơn nhiều về những gì đưa vào cơ thể, lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn, ăn chậm và thưởng thức trọn vẹn bữa ăn.
Đã 9 năm kể từ khi được chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày và cô vẫn sống trong nỗi sợ hãi rằng căn bệnh sẽ tái phát. “Nếu bị cảm lạnh hoặc bất kỳ cơn đau ngẫu nhiên nào, tôi lại lo nó sẽ quay trở lại… Đó không phải là bệnh chỉ ảnh hưởng đến những người lớn t.uổi có thói quen ăn uống kém, nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi”, Kosyachkova chia sẻ trên Torontosun.
Dạ dày chỉ còn lại 20%
Teresa Tiano, hiện 53 t.uổi, sống ở Ontario (Canada) được chẩn đoán bị ung thư dạ dày ở t.uổi 45, mất 80% dạ dày, giảm 43 kg. Triệu chứng bệnh của cô giống như loét nhẹ. Khi gặp bác sĩ thì cô đang ung thư dạ dày giai đoạn hai.
“Đó là một chẩn đoán rất đáng sợ – thế giới của tôi dừng lại. Tôi đã không nghĩ ai đó có thể bị ung thư dạ dày chứ đừng nói đến việc sống mà không có cơ quan quan trọng này”, Tiano nói.
Cô đã phẫu thuật nội soi, hóa trị và xạ trị sau khi phát hiện bệnh. Năm nay, Tiano bị hội chứng mệt mỏi mạn tính. Như nhiều người sống sót khác cô cũng bị thiếu m.áu, thiếu B12, mất nước và buồn nôn. Tiano đã phải vật lộn để tăng 5,5 kg và hiện nặng 58,5 kg. Cô phải học cách ăn lại từ đầu, theo Torontosun.
Kosyachkova và Teresa Tiano đồng sáng lập Mygutfeeling.ca, nhằm hỗ trợ những người khác chiến đấu với căn bệnh đáng sợ này và như Kosyachkova khẳng định: “Chúng ta có thể sống mà không cần dạ dày – 100% dạ dày của tôi đã mất! Cuộc sống không có dạ dày khó thật đấy nhưng vẫn là một cuộc sống đáng sống”.
Chủ động phòng ngừa ung thư dạ dày
Giảm nguy cơ ung thư dạ dày bằng cách tránh ăn thịt chế biến và uống quá nhiều rượu, giữ trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, theo Torontosun. Denise Gabrielson, chuyên gia dinh dưỡng về Ung thư/Huyết học tại Bệnh viện St. Michael (Canada) cho biết trọng lượng và béo phì quá mức có liên quan đến chứng viêm mạn tính, có thể làm tăng sự phát triển ung thư, theo Torontosun.
Thực phẩm cần tránh: Thịt xông khói, xúc xích, giăm bông, thịt nguội, các sản phẩm thịt đông lạnh.
Những sự thật về ung thư dạ dày bạn cần biết
Rất ít người bị ung thư dạ dày sống lâu. Bác sĩ Stephanie Snow (chuyên khoa ung thư tại Trung tâm khoa học sức khỏe QEII ở Halifax), phó giáo sư tại Đại học Dalhousie (Canada), cho biết: “Điều này một phần là do tính xâm lấn sinh học của bệnh ung thư và cũng vì nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán cho đến khi họ ở giai đoạn tiến triển”.
Các triệu chứng nói chung có bản chất không đặc hiệu: Nhiều bệnh nhân chỉ thấy khó tiêu hoặc ợ nóng. Chuyên gia nhắc nhở, một trong những dấu hiệu cảnh báo là các triệu chứng khó tiêu không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn mặc dù đã được điều trị chỉ định như thuốc ức chế a xít. Các dấu hiệu cảnh báo khác là cảm giác no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn (no sớm), giảm cân đáng kể , đau bụng trên hoặc thiếu sắt, theo Torontosun.
Theo thanhnien