Phòng chống bệnh lao: Càng làm càng “thấm”!

Tại Hội nghị sơ kết về chương trình chăm sóc đúng (CSĐ) bệnh lao tại TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Hữu Hưng-Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: “Càng làm càng “thấm”!

Thấm vì nó quá khó! Khó từ khâu tiếp cận, tới việc phát hiện, kèm bệnh nhân dùng thuốc cho tới khi họ sạch vi trùng mới dám “buông”.

Trong khi ấy, tình hình tăng dân số cơ học, người bệnh di biến động khắp nơi càng khó kiểm soát. Trên thực tế, tỉ lệ phát hiện bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng còn thấp là nguyên nhân chính làm cho dịch lao kéo dài dù ngành Y tế đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá thời gian qua.

Cộng tác viên phải tinh thông kỹ năng

Với mong muốn góp phần vào mục tiêu thanh toán bệnh lao theo Quyết định 374/QĐ-TTg năm 2014 của Chính phủ, Hội Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh (Hội YTCC) cùng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, và Trung tâm Y tế (TTYT) quận Gò Vấp bước đầu thực hiện thí điểm “Chương trình Chăm sóc Đúng” với mục tiêu chính là chủ động tầm soát phát hiện thêm người mắc lao trong cộng đồng.

Trong đó, việc xây dựng mạng lưới Cộng tác viên (CTV) phòng chống lao là rất cần thiết. Lực lượng này được ví như cánh tay nối dài nhằm phát hiện, tìm bệnh nhân lao về chữa trị. Chỉ tính trong 3 năm đầu, mô hình CSĐ tại Gò Vấp đã tiếp cận và tư vấn cho 594.564 người, đạt hơn 90% dân số trong quận (tổng số dân Gò Vấp là: 651.000 người).

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Mỹ, một CTV phòng chống lao của xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh nói: “Khó có thể nói hết sự khổ ải của người CTV phòng chống lao. Nếu không có tình thương bệnh nhân thì không làm nổi. Một bệnh nhân lao, nhà tại Sóc Trăng, sau khi lên Bệnh viện Lao phổi Phạm Ngọc Thạch khám, rồi vô tư về thăm dâu, thăm con, tại Bình Chánh cả thảy là 5 người. Do đó, nếu không giúp họ có kiến thức chủ động thì sẽ làm lây lan trong cộng đồng nhanh chóng. Người mắc bệnh được đưa vào điều trị sớm sẽ hồi phục rất nhanh nhưng nếu muộn, vi trùng lao hoành hành, sẽ ho kéo dài, yếu liệt, ngã quỵ và t.ử v.ong”.

Một nam CTV phòng chống lao của huyện Hóc môn kể: “Do tình hình tăng dân số cơ học. Nhất là các hộ tạm trú. Rất khó kiểm soát. Khi thực hiện “gõ cửa từng nhà” tôi không ít lần chứng kiến bệnh nhân của mình đang trong thời kỳ lây lan mạnh vi trùng nhưng họ vẫn đứng bán bánh mì tiếp xúc mọi người. Nhìn họ tôi muốn la lên, nhưng bệnh nhân sẽ bỏ chữa trị ngay và biến mất khỏi nơi cư trú vì sợ mọi người xung quanh biết. Người CTV phòng chống lao cũng sẽ không thể làm việc ở nơi đó vì sẽ bị bệnh nhân tẩy chay, trốn chữa trị”.

Lao không bị kỳ thị dữ dội như người bệnh HIV nhưng là nỗi sợ cho nhiều người trong cộng đồng. Về Luật Khám chữa bệnh cũng không cho phép lộ bí mật thông tin người bệnh. Do đó, cái khó của CTV phòng chống lao là chỉ được phép giáo dục cho người bệnh tự mình bảo vệ cho mình, cho gia đình và cộng đồng. “Bảo mật là nguyên tắc hàng đầu trong phòng chống lao” – ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội YTCC nhấn mạnh.

Phát thuốc và hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc đúng.

Trong qui trình CSĐ, có việc đưa người bệnh ra chụp Xquang miễn phí nhưng vì sợ bị kỳ thị nên cũng không dễ làm. Rất nhiều người im lặng khi được gọi. Do đó, chương trình CSĐ đã tiến hành chụp Xquang vào thứ 7 và chủ nhật tại địa phương để CTV kêu gọi người bệnh ra. Tại điểm chụp miễn phí có cử bác sĩ túc trực, đọc tim phổi, chẩn đoán lao tại chỗ. Người có nghi vấn được chủ động lấy đàm xét nghiệm. Nếu có mắc lao được đưa vào diện chăm sóc của địa phương ngay.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp nhận định: “CTV phòng chống lao làm việc tận tuỵ cũng chưa đủ mà còn phải có kỹ năng. Qua 5 năm triển khai chương trình CSĐ, Gò Vấp cũng phát hiện hơn 20 người bị u phổi!”.

Giám sát lao tiềm ẩn – yếu tố quan trọng thanh toán bệnh lao

Cho tới hiện tại, Việt Nam đứng thứ 14 trong số 22 quốc gia chịu gánh nặng bệnh lao cao. Hàng năm Việt Nam có gần 130.000 bệnh nhân mắc lao mới bao gồm 5.100 người mắc lao đa kháng và 17.000 người c.hết vì bệnh lao. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là nơi có dịch lao cao nhất cả nước, hàng năm đã phát hiện và đưa vào điều trị khoảng 15.000 bệnh nhân lao.

Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện cũng chỉ đạt được khoảng 60% số trường hợp mắc lao mới trong cộng đồng. Trên 30% bệnh nhân vẫn bị mất dấu, không kiểm soát được.

Riêng tại quận Gò Vấp, Chương trình CSĐ từ tháng 04/2014-05/2015, đã tầm soát 107.771 người và đã phát hiện thêm được 40 bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng, nhất là tỷ lệ bỏ chữa trị đã giảm xuống gần bằng 0% so với trước đó là 7%.

Cùng với tầm soát chủ động phát hiện bệnh nhân mới dựa vào cộng đồng, áp dụng việc chụp XQuang và xét nghiệm XPert (thay cho soi tươi đàm), vận động người trong gia đình đến cơ sở y tế để được khám, chụp XQuang miễn phí. Trong 3 năm đầu, mô hình CSĐ tại Gò Vấp, mạng lưới CTV đã tiếp cận tầm soát lao và tư vấn cho 594.564 người. Số người nghi lao được phát hiện và giới thiệu đi khám bệnh là 4.575 người, số người được xét nghiệm đàm là 3.626 người.

Số trường hợp phát hiện lao dương tính từ cộng đồng là 297; Tổng số bệnh nhân lao phát hiện từ cộng đồng của CSĐ là 565 trường hợp.

Từ năm 2017, Chương trình CSĐ đã triển khai chụp XQuang lưu động tại quận 8 và mở ra tại 6 quận huyện khác. Đến cuối tháng 9-2019, CSĐ đã tổ chức 132 cuộc XQuang lưu động tại 291 điểm. Chụp XQuang cho 40.944 người, trong đó có 4.721 phim có hình ảnh nghi lao (11,5%). Xét nghiệm đàm 3.381 người. Kết quả lao dương tính: 343 người.

Nhằm rà soát được hết các đối tượng nghi ngờ, không bị bỏ sót, chương trình CSĐ tiếp tục ứng dụng xét nghiệm QTF -(chụp cho người cao t.uổi từ 55 t.uổi trở lên, không phân biệt có hay không có triệu chứng lao) nhằm kiểm soát bệnh lao tiềm ẩn. Việc rà soát tại khoa phổi của các bệnh viện. Theo đó, 1.740 người được tiếp cận và phát hiện 104 bệnh nhân lao.

Các chuyên gia cũng nhận định, từ thực tế của chương trình CSĐ, cho thấy việc chẩn đoán và thu dung điều trị bệnh nhân lao tiềm ẩn mang tầm quan trọng được ví như vũ khí quyết định việc thanh toán bệnh lao trong cộng đồng. Người lao tiềm ẩn chưa có khả năng lây cho người khác nên khi tìm ra thì có nghĩa đã dập dịch từ trong “trứng nước”.

Huyền Nga

Theo cand

TP HCM: Phát hiện thêm hàng chục ngàn người mắc bệnh lao

Thời gian qua, bệnh lao được phát hiện có xu hướng giảm, tuy nhiên khó đạt mục tiêu giảm số lượng mắc lao trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay thành phố có khoảng 15% số lượng bệnh nhân lao của các tỉnh thành khu vực phía Nam đang được thu dung và điều trị tại thành phố. Nhờ tích cực triển khai các dự án, thời gian qua, bệnh lao được phát hiện có xu hướng giảm. Năm 2011 số ca mắc là 230 người/100 ngàn dân, đến năm 2018 con số này chỉ còn 197 người. Tỷ lệ thu nhận điều trị lao phổi đang duy trì ở 93-95 trường hợp/100 ngàn dân.

Tuy nhiên, tình hình dịch tễ bệnh lao diễn tiến khá phức tạp, công tác chống lao gặp nhiều khó khăn nên khó tiếp cận được các mục tiêu đã được đề ra là đến năm 2020 giảm số lượng mắc trong cộng đồng xuống còn 131 người/100 ngàn dân, giảm số người c.hết do lao xuống dưới 10 trường hợp/100 ngàn dân, khống chế số lượng người mắc lao đa kháng thuốc dưới 5% trong tổng số người mắc bệnh lao.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là nơi điều trị bệnh lao

Theo ngành y tế, vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể người dưới nhiều trạng thái. Khi vi khuẩn thâm nhập lần đầu vào cơ thể, gọi là lao tiềm ẩn. Việc nhiễm lao tiềm ẩn có thể được cơ thể loại trừ qua khả năng miễn dịch tự nhiên. Nếu vi khuẩn không bị t.iêu d.iệt, chúng có thể gây nhiễm lao. Khi không được điều trị, nhiễm lao tiềm ẩn có thể trở thành lao hoạt động và lây nhiễm cho người tiếp xúc. Chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn có ý nghĩa quan trọng với cuộc chiến chấm dứt bệnh lao.

Từ năm 2014, TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện chương trình “Chăm sóc đúng”, nhằm chủ động tầm soát phát hiện bệnh lao sớm, điều trị sớm, giảm lây nhiễm ra gia đình và cộng đồng. Chương trình thiết lập mạng lưới cộng tác viên, tư vấn viên trên từng phường xã đến gia đình có người mắc lao mới được phát hiện, vận động các thành viên đến cơ sở y tế khám, chụp X-quang miễn phí. Mạng lưới này còn tiếp xúc những người có nguy cơ mắc lao, nhóm dân cư hoàn cảnh khó khăn để vận động đi tầm soát. Đồng thời, tổ chức những cuộc chụp X-quang lưu động vào thứ bảy, chủ nhật tại các địa đ.iểm gần nơi cư trú để chụp X-quang cho người nghi bị lao đã được tư vấn và sàng lọc. Những người đã được chẩn đoán bị lao sẽ được vận động đi điều trị. Sau 5 năm thực hiện, thành phố phát hiện thêm hàng chục ngàn người mắc bệnh lao, giảm tỷ lệ bỏ điều trị.

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu hướng đến chấm dứt bệnh lao tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, Sở Y tế sẽ tiếp tục các giải pháp như: ứng dụng các công nghệ tiên tiến để chẩn đoán sớm, xét nghiệm kháng sinh đồ cho toàn bộ bệnh nhân trước khi điều trị; tiếp cận để sàng lọc bệnh nhân; phát hiện chủ động lao – HIV, lao t.rẻ e.m. Đồng thời, chuẩn bị thông qua việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân lao bằng bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để các bệnh nhân được tiếp cận với tất cả các dịch vụ phòng chống lao.

Huyền Nga – Nguyễn Cảnh

Theo cand

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *