Chán ăn ở trẻ nhỏ là do những rối loạn từ bên trong cơ thể, ngoài ra yếu tố tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chán ăn, do cha mẹ ép ăn, quan tâm quá mức.
Để cải thiện tình hình chán ăn ở trẻ, chăm sóc con tốt hơn, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y điển hình để bạn đọc tham khảo và áp dụng. Tùy từng nguyên nhân, biểu hiện chán ăn ở trẻ mà dùng bài thuốc phù hợp.
Do thực tích ở trường vị
Biểu hiện: Trẻ ăn uống ngày càng sút kém, thường đau bụng, sờ vào khó chịu, đại tiện phân có mùi khắm, rêu lưỡi dày nhớt, mạch huyền hoạt.
Điều trị: Tiêu thực đạo trệ.
Bài thuốc Tiêu tích tán: thần khúc 6g, mạch nha ( sao vàng) 6g, chỉ xác 3g, sơn tra (sao cháy sém) 6g, kê nội kim 3g.
Cách dùng: Ngày uống một thang đổ 500ml nước, sắc lấy 100ml chia 3 lần uống trong ngày. Cho trẻ uống 7 ngày liên tục.
Do tỳ thấp làm khốn đốn trung tiêu, tỳ mất sự kiện vận
Biểu hiện: Sau một thời gian chán ăn, bụng trướng đầy, đại tiện phân lỏng, hoặc đi ra thức ăn chưa tiêu hóa, thể trạng gầy, sắc mặt trắng nhợt, có trường hợp nôn ra thức ăn, thích nóng, sợ lạnh, tay chân lạnh, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng nhớt.
Vị thuốc sơn tra có công dụng tiêu thực trong bài thuốc “tiêu tích tán”.
Điều trị: Ôn trung kiện bổ vận hóa tỳ vị.
Bài thuốc Ôn trung vận tỳ thang: hắc phụ tử (chế) 3g, can khương 2g, nhục quế 2g, bạch truật (sao) 6g, thương truật (sao) 5g, kê nội kim 5g, thần khúc 10g, thanh bì 5g, cam thảo 3g, phục linh 6g, sơn tra (sao cháy sém) 10g, chỉ thực (sao) 6g, trần bì 5g.
Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày. Gia giảm: Nếu tỳ vị không vận hóa sinh ra chứng tiết tả, nôn mửa, tích trệ gia: sa nhân 6g, ý dĩ 10g. Nếu có kiêm chứng nôn mửa gia bán hạ (chế) 6g, tô diệp ngạnh 6g, nhục đậu khấu 6g. Nếu tích trệ nặng gia: tân lang 5g, la bặc tử 6g, cốc nha 10g, mạch nha 10g.
Quả sơn tra – Ảnh minh họa
Do thấp trọc ngăn trở làm tỳ hư không vận hóa được
Biểu hiện: Trẻ ăn uống kém trong một thời gian khá dài, người gầy còm, mặt vàng, bụng trướng, rêu lưỡi nhớt.
Điều trị: Mạnh tỳ hòa trung hóa thấp.
Bài thuốc Chiêm thị nghiệm phương: xuyên phác hoa 10g, hoàng cầm (sao) 6g, chỉ xác (sao) 6g, hoắc hương 6g, phục linh 8g, uất kim 6g, bạch truật (sao) 8g, đại phúc bì 6g, bán hạ (sao nước gừng) 6g, thần khúc 8g.
Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày. Uống sau khi ăn, khi thuốc còn ấm.
Do khí âm đều hư
Biểu hiện: Trẻ chán ăn lâu ngày, cơ thể gầy còm, khát nước, tay chân nóng, da khô, đại tiện táo bón.
Điều trị: Bồi bổ khí âm, điều hòa tỳ vị.
Bài thuốc Bình bổ phương: đảng sâm 9g, trần bì 5g, hoài sơn 9g, ô mai 3 quả, bạch truật (sao) 9g, phục linh 6g, cam thảo 3g.
Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn. Nếu bệnh thiên về vị (dạ dày) âm hao tổn gia: thạch hộc 6g, mạch môn 6g, sinh cốc nha, sinh mạch nha đều 6g. Để dưỡng vị kích thích tiêu hóa. Nếu bệnh thiên về tỳ khí hư yếu gia: hoàng kỳ 9g, thương truật 6g là các vị thuốc cam ôn để làm mạnh tỳ.
Do tỳ âm hư
Biểu hiện: Trẻ có kiêm chứng lòng bàn tay, bàn chân nóng, ra mồ hôi trộm, lưỡi đỏ bệu, ít rêu.
Điều trị: Dưỡng tỳ, bổ âm ích khí sinh tân dịch.
Bài thuốc Tư tỳ ẩm: sâm Cao ly 5g, liên nhục 10g, bạch thược 6g, kê nội kim 6g, cát căn 3g, đại táo 2 quả, hoài sơn 10g, biển đậu (sao) 10g, mạch nha (sao) 10g, sơn tra (sao) 10g, ý dĩ 10g.
Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn, khi thuốc còn ấm.
Ghi chú: Bài thuốc này dùng cho trẻ 3-5 t.uổi.
TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng
Theo SK&ĐS
Cậu bé 6 t.uổi bị tổn thương gan nặng, nguyên nhân đến từ 1 thói quen nhỏ trước khi đi ngủ
Khi bác sĩ hỏi kỹ hơn về thói quen sinh hoạt ở nhà của Đồng Đồng thì đã đưa đến kết luận, chính một việc làm nhỏ hàng ngày của ông bà Trương đã khiến con mình gánh chịu hậu quả ấy.
Một cậu bé 6 t.uổi tên Đồng Đồng ở thành phố Đồng Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc dạo gần đây luôn cảm thấy mệt mỏi và chán ăn. Thậm chí cậu bé còn thường xuyên bị cảm lạnh và sốt. Bố mẹ bé lo lắng cho con, đưa con đến bệnh viện khám thì hoảng sợ khi biết đứa con trai mới 6 t.uổi đầu của mình đã bị tổn thương gan nặng nề.
Cái tin đó như tiếng sét giữa trời quang đối với bà Trương là mẹ của Đồng Đồng. Con trai cô hoạt bát đáng yêu như vậy, sao có thể bị tổn thương gan nặng được? Nhưng khi bác sĩ hỏi kỹ hơn về thói quen sinh hoạt ở nhà của Đồng Đồng thì đưa ra kết luận, chính một việc làm nhỏ hàng ngày của ông bà Trương đã khiến con mình gánh chịu hậu quả ấy.
Bố mẹ Đồng Đồng hoảng sợ khi biết đứa con trai mới 6 t.uổi đầu của mình đã bị tổn thương gan nặng nề. (Ảnh minh họa)
Ông bà Trương đều là những người buôn bán nên rất bận rộn. Họ thường xuyên về nhà muộn và mua đồ ăn bên ngoài đem về. Đồng Đồng ở nhà đã được ông bà nội cho ăn tối nhưng khi bố mẹ mang thức ăn nóng hổi trở về, cậu bé vẫn ăn thêm khá nhiều. Người lớn trong nhà đều nghĩ rằng trẻ con càng ăn được nhiều càng mau lớn nên thấy thế còn lấy làm mừng rỡ. Ăn xong cũng đến giờ đi ngủ, cậu bé Đồng Đồng lập tức lên giường đi ngủ ngay. Thói quen ấy đã duy trì đến nay là 3 năm rồi, và đó chính là nguồn cơn khiến gan của cậu bé chịu tổn thương.
Theo bác sĩ, gan cần được nghỉ ngơi vào ban đêm. Nếu trẻ ăn no trước khi đi ngủ, vô hình chung gan phải làm việc cật lực cả đêm để tiêu hóa thức ăn, việc bài tiết độc tố của gan bị giảm “năng suất”, lâu dần chất độc tích tụ lại trong cơ thể và gây tổn thương cho gan đầu tiên sau đó đến những cơ quan khác.
Sau khi nghe lời giải thích từ bác sĩ, cha mẹ Đồng Đồng khổ sở vô cùng. Hóa ra bệnh tật của con lại đến từ chính sự thiếu hiểu biết của họ. Họ không bao giờ nghĩ rằng cho trẻ ăn no trước khi đi ngủ chẳng những không có lợi gì mà còn gây ra rất nhiều tác hại nghiêm trọng!
Ngoài việc không cho trẻ ăn no trước khi đi ngủ thì cha mẹ cũng không nên cho trẻ làm những việc sau trước giấc ngủ đêm:
Không cho trẻ dùng điện thoại di động
Trong xã hội hiện đại, điện thoại di động trở thành đồ vật gần như bất ly thân của người lớn, thậm chí là đối với cả t.rẻ e.m. Nhưng 1, 2 giờ trước khi trẻ đi ngủ, cha mẹ không nên cho trẻ xem điện thoại di động.
Xem điện thoại trong thời gian dài làm trẻ mệt mỏi, sức khỏe nói chung của trẻ bị ảnh hưởng. Nếu ngay trước khi lên giường trẻ còn xem điện thoại khiến não trẻ ở trong trạng thái phấn khích khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, có thể tỉnh giữa chừng. Điều này không nghi ngờ gì sẽ gây hại đến sự phát triển, tăng trưởng của trẻ.
Ngoài ra, mắt trẻ chưa phát triển hoàn thiện, việc xem điện thoại trong điều kiện ánh sáng không tốt trong thời gian dài sẽ gây ra tật cận thị. Một số trẻ thậm chí còn bị lác mắt khi chúng tập trung lâu trên màn hình điện thoại.
Không vận động mạnh trước khi đi ngủ
Nếu trẻ vận động mạnh ngay trước giờ đi ngủ, não của trẻ sẽ ở trạng thái cực kỳ hưng phấn và các tế bào thần kinh vận động vẫn giữ trạng thái hoạt động khi trẻ lên giường. Trạng thái hưng phấn đó không thể biến mất ngay lập tức, vì thế trẻ sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn.
Để trẻ lớn lên khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng là một phần rất quan trọng nhưng bên cạnh đó không thể bỏ qua sự chăm sóc đúng đắn của cha mẹ. (Ảnh minh họa)
Thời gian để hormon tăng trưởng cơ thể trẻ tiết ra nhiều nhất là từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng, nếu trẻ trằn trọc mãi không ngủ được sẽ bỏ lỡ mất khoảng thời gian vàng cho phát triển chiều cao này.
Để trẻ lớn lên khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng là một phần rất quan trọng nhưng bên cạnh đó không thể bỏ qua sự chăm sóc đúng đắn của cha mẹ. Chỉ khi cha mẹ nuôi dưỡng trẻ bằng những thói quen khoa học mới có thể khiến phát triển tốt và tránh được những nguy hại có thể xảy đến. Các bậc cha mẹ hãy trau dồi thêm cho bản thân những kiến thức nuôi dạy con khoa học, đừng để đến khi trẻ xảy ra vấn đề thì lúc đó hối hận cũng đã muộn!
Theo Helino