TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ mất kiểm soát, nhất là trong 2 tháng gần đây.
Bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 15,1 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,62 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 2 trường hợp t.ử v.ong.
Để phòng chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài, hạn chế tối đa số ca mắc và t.ử v.ong, lãnh đạo Sở Y tế để nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố khẩn trương triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, nắm chắc tình hình dịch bệnh và các ổ dịch trên địa bàn để tổ chức phun hóa chất, dập dịch.
Bên cạnh đó, cần phối hợp tuyên truyền để người dân biết các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để muỗi không đẻ trứng, không có lăng quăng; dùng vợt điện, nhang muỗi để diệt muỗi, xua muỗi khỏi nơi ở, ngủ trong mùng kể cả ban ngày và ban đêm.
Các bệnh viện, Trung tâm y tế trong tỉnh cần kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, theo dõi điều trị, hạn chế thấp nhất trường hợp t.ử v.ong do sốt xuất huyết.
Hạnh Dung
Theo baodongnai
Lo sốt xuất huyết phức tạp thêm
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp ở khu vực ĐBSCL với số ca nhập viện tăng đột biến nhưng người dân vẫn còn chủ quan, lơ là phòng tránh
Theo báo cáo của Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), trong 9 tháng đầu năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 308 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Quá tải giường bệnh
BS Bùi Kim Đắng, Phó Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, cho biết do vào mùa SXH nên lượng bệnh nhân điều trị tại khoa thời gian gần đây tăng đột biến, khiến quá tải giường bệnh. Khoa có 75 giường nhưng những ngày qua có hơn 100 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH và tay chân miệng.
Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau quá tải bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết Ảnh: VÂN DU
Ngồi bên giường bệnh để chăm sóc cháu ruột 3 t.uổi, bà L.T.P.M (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết cháu mắc SXH từ ngày 24-9, được đưa đến phòng khám tư điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm nên chuyển vào bệnh viện này. Theo bà M., ở khu vực nhà bà sinh sống, do có nhiều kênh rạch nên các gia đình rất lo con em mình mắc SXH.
Cán bộ y tế tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn người dân súc lu nước diệt lăng quăng để phòng chống sốt xuất huyết Ảnh: TÂM MINH
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có 822 ca SXH được phát hiện và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện này. “Số ca mắc SXH xuất hiện nhiều nhất ở thị trấn An Thới, thị trấn Dương Đông và xã Dương Tơ” – bác sĩ Võ Thành Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảo Phú Quốc, thông tin.
Trong khi đó, Đồng Tháp đang là địa phương có nhiều “điểm nóng” SXH. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh, với trên 3.000 ca mắc SXH trên toàn tỉnh trong 9 tháng qua, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số này có 106 ca nặng, 2 ca t.ử v.ong.
Điều đáng nói, dù bệnh SXH tăng nhưng một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết hoặc lơ là, chủ quan trong phòng chống. Tại các hộ dân, đa số trước và sau nhà có khá nhiều vỏ dừa, thau, bể chứa nước mưa; nhiều vũng nước kèm rác thải ứ đọng xung quanh. Chị N.T.N (ngụ xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có 3 người con bị bệnh SXH, nói: “Có nghe nói về SXH nhưng hồi nào giờ mấy đứa nhỏ không bị bệnh nên tôi cũng ít quan tâm. Con bị bệnh, tôi rất lo lắng nhưng cũng chưa biết làm sao để đề phòng cho tốt”.
Tăng cường tuyên truyền
Mới đây, khi các tuyên truyền viên của ngành y tế đến tận nhà hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống SXH, bà P.T.G (ngụ xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) quả quyết: “Tôi súc lu để diệt lăng quăng, ngủ mùng tránh muỗi cắn, mua thuốc xịt muỗi, vệ sinh quanh nhà…”. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các tuyên truyền viên phát hiện nhà bà G. có 18 vật dụng chứa nước, trong đó 10 cái lu có lăng quăng.
Do đặc thù công việc của người dân nơi đây là làm bột, chăn nuôi heo và trồng cây kiểng nên sử dụng rất nhiều lu, khạp để chứa nước và không dọn dẹp vệ sinh, úp lại sau khi sử dụng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, lăng quăng phát triển, dễ phát sinh các ổ bệnh.
Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, các huyện, thị xã, TP trong tỉnh Đồng Tháp đã triển khai những biện pháp phòng chống như: giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch bằng hóa chất; tuyên truyền cho người dân cách phòng bệnh. Tuy nhiên, theo đ.ánh giá của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng bệnh chưa mang lại hiệu quả cao; các hộ gia đình chưa ý thức tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, còn để các dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Tâm lý người dân còn trông chờ vào việc xử lý ca bệnh, ổ dịch bằng hóa chất mà không quan tâm đến diệt trừ lăng quăng tại nhà.
“Tình hình bệnh SXH trong tỉnh tăng từ tháng 7 đến nay và đang diễn biến phức tạp. Để phòng bệnh, giải pháp căn cơ trước mắt vẫn là các ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân các giải pháp phòng bệnh như: phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt. Phải tuyên truyền cho người dân hiểu lăng quăng là mầm mống của bệnh SXH để nâng cao ý thức phòng bệnh” – ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, khuyến cáo.
Ngành y tế các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đang quyết liệt triển khai các chương trình, chiến dịch phòng chống SXH; kêu gọi người dân không chủ quan trước dịch bệnh. Khi các bé có biểu hiện của bệnh, người nhà cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị.
Phát động chiến dịch diệt lăng quăng
Ban Chỉ đạo Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức lễ phát động chiến dịch “Nhà nhà diệt lăng quăng phòng chống SXH năm 2019”. Tại lễ phát động, ông Nguyễn Lâm Thái Thuận kêu gọi các cấp chính quyền, ban ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị, hộ gia đình và người dân chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh SXH, không để bùng phát.
Sau lễ phát động, các huyện, thị xã, TP trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ phát động ra quân để tạo sự quan tâm của người dân; tổ chức hoạt động diệt lăng quăng phòng chống bệnh SXH ở xã/phường.
Theo nguoilaodong