Theo các nhà khoa học Mỹ, dùng kính áp tròng giải phóng dần thuốc trực tiếp vào mắt là một sự thay thế tuyệt vời cho thuốc nhỏ mắt với lợi thế là không xâm lấn và hiệu quả điều trị cao.
Nhà nghiên cứu Daniel S. Kohane với kính áp tròng – Ảnh : Katherine C. Kohane
Theo Medical Express, kính áp tròng có thể giải quyết vấn đề vận chuyển thuốc đến võng mạc. Thông thường, tiêm là cần thiết để điều trị các bệnh ảnh hưởng đến võng mạc. Nhưng tiêm lại gây ra nỗi sợ hãi ở nhiều bệnh nhân, gây cản trở trị liệu.
Công trình nghiên cứu mới của Bệnh viện Mắt và tai Massachusetts và Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ) cho thấy có thể dùng kính áp tròng giải phóng thuốc đến vùng mắt khó tiếp cận hơn, đặc biệt là các bệnh về võng mạc. Hiện nay, hầu hết các bệnh về võng mạc đều cần tiêm mắt và cấy ghép, nhưng lại gây tác dụng phụ tiềm ẩn, một số trong đó nghiêm trọng. Hơn nữa, có khoáng 1/4 số bệnh nhân được tiêm thuốc mắt đã không quay trở lại, do sợ tiêm vào mắt. Mặc dù có những loại thuốc có hiệu quả đối với những tình trạng này, nhưng thật khó để đưa chúng đến các mô võng mạc theo cách không xâm lấn.
Còn việc sử dụng kính áp tròng để tiết ra dexamethasone (một steroid được sử dụng để điều trị các bệnh viêm mắt) có lợi thế là tiện lợi và dễ sử dụng. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm kính áp tròng trên động vật bị viêm màng bồ đào (uveitis) và phù hoàng điểm (macular edema). Hóa ra, kính áp tròng giúp giải phóng thuốc liên tục vào võng mạc trong một tuần.
Trên thực tế, khi dùng kính áp tròng có thể đạt được nồng độ cao hơn 200 lần so với các chỉ số được quan sát thấy khi nhỏ thuốc mắt mỗi giờ một lần. Và về hiệu quả, kính áp tròng hoàn toàn tương đương với tiêm xét về mặt ngăn ngừa tổn thương võng mạc. Hiện các nhà khoa học đang chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.
Vũ Trung Hương
Theo motthegioi
Cảnh báo về tình trạng dùng thuốc nhỏ mắt không theo chỉ định
Theo thông tin từ Bệnh viện mắt Trung ương, số bệnh nhân đi khám bệnh về mắt tăng cao tới 3.000 người/ngày trong đó đáng chú ý nhiều người chưa hiểu hết về thuốc nhỏ mắt, tự ý sử dụng. Đặc biệt là nước muối sinh lý, rất ít người đọc hướng dẫn sử dụng gây những tác hại không ai ngờ tới.
Nắng nóng: Số lượng người dân khám mắt tăng đột biến. Ảnh minh họa
Theo thống kê của BV Mắt Trung ương, trong tổng số bệnh nhân đi khám thì có tới 20% bệnh nhân khô mắt. Khô mắt đi kèm với các bệnh khác dai dẳng khó chữa chiếm 30 – 40%. Vào mùa nóng, số bệnh nhân đi khám bệnh về mắt tăng lại càng tăng cao.
TS.BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương cảnh báo, ngày nay có quá nhiều tác nhân gây hại cho mắt. Làm việc với các thiết bị điện tử liên tục, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng gây ra các triệu chứng khô mắt, mỏi mắt, đục thủy tinh thể, cườm khô, viêm nhiễm ở mắt…
Tuy nhiên, người dân hay có thói quen, nếu có vấn đề gì về mắt là tự ý ra hiệu dược mua thuốc nhỏ mắt về dùng. Nếu cảm thấy đỡ thì sẽ tiếp tục dùng cho nhiều lần sau mà không cần đến thăm khám tại bệnh viện. Chỉ khi tình trạng nặng mới đến gặp bác sĩ. Đây là thói quen khá chủ quan và nguy hiểm, dẫn tới nhiều tổn thương cho mắt làm cho bệnh dễ biến chứng và khó chữa.
Bởi niêm mạc mắt rất mỏng manh, dễ tổn thương và vi khuẩn dễ xâm nhập, lan truyền nên việc dùng nước muối hàng ngày vệ sinh mắt phải đảm bảo độ vô trùng tuyệt đối như thuốc tiêm truyền.
Trong khi đó, nhiều người chưa hiểu hết về thuốc nhỏ mắt, tự ý sử dụng lại rất hiếm hoi người đọc hướng dẫn sử dụng. BS Cương cảnh báo: Có bệnh nhân phàn nàn phải dùng kéo để cắt bỏ đầu thuốc nhỏ mắt trong khi ngay vỏ hộp đã hướng dẫn kỹ cách để tạo lỗ cho một lọ thuốc nhỏ mắt công nghệ kín không tạo lỗ trước để tránh vi khuẩn xâm nhập. Nhiều người mặc định nghĩ nước muối sinh lý là an toàn, tự ý dùng và một lọ nước muối sinh lý dùng cho cả gia đình hoặc dùng cả năm… Trong khi cùng là nước muối nhưng nước muối rửa vết thương khác nhỏ mắt. Cơ quan chức năng từng phát hiện, xử phạt nhiều công ty sản xuất nước muối không chất lượng, không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong sản phẩm. Nếu sử dụng các sản phẩm này, người bệnh “bỗng dưng” nhỏ thêm vi khuẩn vào mắt.
Cùng đề cập vấn đề này, PGS.TS Lê Văn Truyền, Chuyên gia cao cấp dược học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cấu trúc mắt và nhãn cầu rất phức tạp và tinh tế, niêm mạc mắt mỏng manh, rất dễ để vi khuẩn xâm nhập, lan truyền.
Do đó, công nghệ sản xuất thuốc nhỏ mắt phổ thông trước đây có các nhược điểm về phân liều, về định lượng nồng độ, hơn nữa các công đoạn sản xuất tồn tại nhiều khâu trung gian bị hở trong quá trình sản xuất như xử lý bao bì, rót dịch, đóng nút, nắp… và vi khuẩn có thể xâm nhập trong quá trình này.
Theo đó, trong quy chế dược quy định, kể cả nước muối sinh lý bắt buộc phải có chữ “nhỏ mắt” mới được dùng nhỏ mắt. Thuốc nhỏ mắt sản xuất trong điều kiện hoàn toàn vô khuẩn, tức là khu vực sản xuất yêu cầu độ sạch không khí cấp độ A (trong 1000 lít không khí trong khu vực sản xuất không được có quá một con vi khuẩn). Thứ 2 phải lọc dung dịch sau khi pha chế giúp loại bỏ 99.999% vi khuẩn để đảm bảo độ tinh khiết, an toàn của thuốc do đó mới được sử dụng.
Nếu người dân cứ tự ý sử dụng một cách vô tội vạ và không đúng cách có thể sẽ “rước” thêm họa cho mắt. Và khi không có sự thăm khám của bác sĩ, vẫn tiếp tục sử dụng trong thời gian dài sẽ có nguy cơ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho mắt.
Lương Minh
Theo congluan.vn