Nhiều người đã đặt ra câu hỏi nước nhiễm styren ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào và người dân liệu có thể tự lọc nước để dùng hay không?
Nhiều ngày sau khi người dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai phát hiện nguồn nước sạch do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Công ty Viwasupco) cung cấp qua hệ thống đến từng hộ gia đình có mùi lạ, mùi khét, chiều 15/10 UBND TP. Hà Nội cùng các sở, ngành và Công Viwasupco mới họp báo thông tin về vụ việc.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong các mẫu nước xét nghiệm đều có hàm lượng styren vượt mức cho phép từ 1,3-3,65 lần.
Con suối gần nhà máy nước sông Đà vẫn đen kịt sau một tuần. Ảnh: Hồng Quang.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi nước nhiễm styren là gì, ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Chất độc nguy hiểm
Styren là chất thuộc nhóm có chỉ tiêu giám sát mức độ C. Đây là hợp chất hữu cơ, dạng lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, nồng độ đậm đặc sẽ có mùi khó chịu. Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, giới hạn cho phép đối với styren là 20 g/lít nước.
PGS Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đơn vị trực tiếp giám sát chất lượng nước – cho biết hiện nước sạch sông Đà bị nhiễm styren không đảm bảo chất lượng với người sử dụng.
“Có hai tiêu chí đ.ánh giá đó là nước có mùi và styren có nồng độ cao hơn. Qua kiểm tra thì nguồn nước sạch sông Đà có cả 2 tiêu chí đó, nên nước này đã không đảm bảo chất lượng”, ông Hạnh cho hay.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định nguồn nước có nồng độ styren vượt ngưỡng chắc chắn gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng.
Theo chuyên gia này, styren là chất lỏng có khả năng tạo thành hỗn hợp khí gây nổ lớn nếu cất giữ trong các thùng rỗng và có chứa nhiều tạp chất, gây ô nhiễm môi trường. Hơi styren rất nguy hiểm, gây kích ứng mạnh với da và mắt. Hít phải hơi styren sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận và hệ thần kinh trung ương.
TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Đại học Y tế công cộng (Hà Nội), cho hay chúng ta có thể bị phơi nhiễm với styrene tại nơi làm việc, ở ngoài môi trường và ở nhà qua không khí, t.huốc l.á, thực phẩm, nước uống.
Theo TS Hạnh, styren có thể gây ra những ảnh hưởng sức khoẻ cấp tính và mạn tính. Tiếp xúc nghề nghiệp với styrene có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Phơi nhiễm cấp tính ở nồng độ cao có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng và hệ thống hô hấp, cảm giác đau đầu, suy nhược, chóng mặt, lú lẫn, buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, da nhạy cảm, viêm da, hen suyễn, trầm cảm…
Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh não, tổn thương gan, tổn thương mô thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng thận, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, thính giác và thị giác kém. Phơi nhiễm mạn tính với styren gây ung thư phổi ở chuột nhắt và ung thư vú ở chuột.
Người dân cần làm gì?
Với tư cách là đơn vị trực tiếp giám sát chất lượng nước, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khuyến cáo hiện tại người dân chỉ nên sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt, tắm rửa thông thường. “Trước mắt, nước để nấu nướng, uống thì nên sử dụng nước của công ty nước sạch và nước bình. Sau khi các cơ quan tiến hành sục rửa, có xét nghiệm lại về quy chuẩn thì mới nên sử dụng lại như bình thường”, ông Hạnh khuyến cáo.
TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, cũng khuyên người dân ở các quận đang sử dụng nguồn nước do Nhà máy Nước sạch sông Đà cấp thì tạm thời tìm nguồn nước khác thay thế để ăn, uống cho đến khi cơ quan chức năng khẳng định nguồn nước đã đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, dựa vào đặc tính bay hơi của styren và các chất tương tự styren, người dân có thể loại bỏ chất này ra khỏi nước bằng cách dùng sục khí để thổi hoặc than hoạt tính để lọc nước. Nếu máy lọc nước có dùng than hoạt tính thì có thể hạn chế được styren.
“Tắm giặt và vệ sinh ít nguy cơ hơn vì nồng độ styren mặc dù vượt quy chuẩn cho phép nhưng không quá cao. Mùi nước bị nhiễm styren thường khó chịu. Các thiết bị lọc nước ở hộ gia đình có sử dụng than hoạt tính cũng giúp xử lý nước nhiễm styren”, TS Hạnh nói.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để giúp người dân hạn chế styren trong nước khi chờ các giải pháp căn cơ từ đơn vị cấp nước và cơ quan chức năng.
Ngoài ra, theo TS Hạnh, để giảm thiểu phơi nhiễm với styren, người dân cũng cần giảm/bỏ t.huốc l.á, hạn chế sử dụng các đồ dùng làm từ styren như hộp xốp, đĩa đựng thức ăn, ly uống cà phê, cốc nước một lần. Tránh đựng đồ nóng trong những hộp nhựa đựng thức ăn…
Theo Zing
PGS. TS Nguyễn Trường Luyện: Uống nước có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn sẽ bị ung thư, ảnh hưởng hệ thần kinh
PGS. TS Nguyễn Trường Luyện khẳng định, nếu người dân uống phải nước có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép từ công ty nước sạch Sông Đà sẽ bị ung thư bạch cầu và nhiều loại ung thư khác.
Liên quan đến kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt do công ty nước sạch Sông Đà cung cấp, chiều 15/10, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục, Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin kết quả xác minh nội dung phản ánh của người dân về việc nước có mùi khét nồng nặc, có váng dầu.
Kết quả cho thấy, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren, thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian). Các chỉ tiêu giám sát nước mức độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát, chỉ tiêu mùi vị là không đạt.
Nước sạch Sông Đà đang khiến người dân hoang mang.
Từ kết quả này, người dân càng hoang mang hơn, khi ăn phải nước chứa hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, viện Vật lý Kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) để tìm câu trả lời.
Chất Styren dùng để làm gì thưa PGS. TS Nguyễn Trường Luyện?
Styren là chất hữu cơ lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị ngọt. Nhưng nếu số lượng nhiều như vậy nó sẽ không thể bay hơi hết và có mùi khó chịu
Styren được sử dụng rộng rãi để sản xuất polystyren và nhiều polymer khác, nhựa, lớp phủ, sơn, cao su, sợi thủy tinh… Styren nằm trong danh mục những chất gây ô nhiễm không khí độc hại, theo cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.
Nước chứa Styren gây nguy hại mức nào đối với sức khỏe người dân khi quá hàm lượng cho phép?
Nước có chứa Styren nếu vượt quá hàm lượng cho phép, người dân uống nhiều sẽ làm giảm bạch cầu, có nguy cơ gây ung thư bạch cầu và nhiều loại ung thư khác. Thậm chí, nó còn làm giảm hệ thần kinh của con người.
Nếu người dân sử dụng nước chứa Styren có thể dẫn tới trầm cảm, mất tập trung, mệt mỏi, suy yếu và nôn mửa. Chân tay sẽ bị ngứa, lở, đau mắt… bởi Styren rất độc, nó ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người.
PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, viện Vật lý Kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội).
Theo PGS, phương pháp lọc chất ô nhiễm Styren trong nước hữu hiệu nhất là gì?
Nguồn nước bị ô nhiễm không chỉ có Styren mà còn dầu thải từ xe máy, xe ô tô, xăng và một số hóa chất khác.
Trước hết, thấy nước có vấn đề công ty nước sạch Sông Đà cần lấy nước đó đưa đến các trung tâm phân tích. Thông báo ngay phía tiêu thụ nguồn nước. Phân tích xong, biết các chỉ số, các loại, các chất thì mới biết xử lý như thế nào.
Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng than hoạt tính dạng hạt kết hợp sục khí qua tháp chèn có thể giúp lọc nguồn nước bị nhiễm Styren. Nhưng, than hoạt tính chỉ có tác dụng với một lượng nước nhất định. Sau đó, than sẽ không còn khả năng hoạt động nữa do đã bão hòa.
Bởi vậy, yêu cầu công ty cấp nước Sông Đà không chỉ chịu trách nhiệm trước người dân mà còn nhanh chóng xử lý kịp thời nguồn nước, để cuộc sống người dân được đảm bảo.
PGS có khuyến cáo gì với người dân khi nước nhiễm Styren?
Cuộc sống con người là nhờ nước, chúng ta có thể nhịn nhiều thứ nhưng không thể nhịn sử dụng nước. Nước vào cơ thể đi rất nhanh đến các cơ quan nội tạng nên khi nước bị nhiễm độc người dân cần ngừng sử dụng nguồn nước, không sử dụng để nấu ăn, uống. Sau đó, cần súc rửa nước bể chứa.
Mai Thu
Theo nguoiduatin