Sau 5 tháng hoạt động, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) đã vận động được 85 bà mẹ, thu nhận 1.555 lít sữa thô, cung cấp cho 1.747 trẻ sơ sinh điều trị tại bệnh viện.
Ngày 30/10, đại diện Merck Export GmbH Việt Nam (Merck Việt Nam) đã trao tặng số t.iền 100 triệu đồng cho bệnh viện Từ Dũ, giúp duy trì Ngân hàng sữa mẹ tại bệnh viện này.
Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ được chính thức khai trương vào ngày 10/4/2019 nhằm giúp nhiều trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc bệnh lý không có sữa mẹ có cơ hội được tiếp cận nguồn sữa mẹ quý giá, an toàn.
Đây là Ngân hàng sữa mẹ thứ hai trên cả nước được Bộ Y tế cấp phép, tài trợ kỹ thuật và một phần kinh phí bởi Tổ chức FHI 360, dự án Alive and Thrive, Quỹ tài trợ Irish Aid (Chính phủ Ireland).
Sau 5 tháng hoạt động, bệnh viện đã vận động được 85 bà mẹ hiến tặng, thu nhận 1555 lít sữa thô, cung cấp cho 1.747 trẻ sơ sinh điều trị tại bệnh viện.
Sữa mẹ được lưu trữ, bảo quản tại Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ
Để ngân hàng hoạt động tốt, ngoài lượng sữa từ các bà mẹ đủ tiêu chuẩn hiến tặng thì vấn đề trang thiết bị cũng hết sức quan trọng. Hầu hết các trang thiết bị chuyên dùng như máy thanh trùng sữa, tủ đông, bình sữa… được sử dụng tại bệnh viện đều phải nhập từ Anh và một số nước tiên tiến. Do đó, để cho ra đời một Ngân hàng sữa mẹ đòi hỏi tốn rất nhiều công sức, t.iền bạc.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cũng cho biết, Ngân hàng sữa mẹ ra đời đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của xã hội, trong đó cơ bản là giúp các bà mẹ chia sẻ nguồn sữa sẵn có cho trẻ sinh non và bệnh lý, góp phần cứu sống và rút ngắn thời gian nằm viện của các đối tượng đặc biệt này.
Nguồn sữa mẹ hiến tặng được giám sát chặt chẽ
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, nguồn sữa tại Ngân hàng sữa mẹ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Do đó, nguồn sữa mẹ hiến tặng được giám sát chặt chẽ thông qua các xét nghiệm sàng lọc, phỏng vấn, kiểm tra hồ sơ bệnh án…
Đối với các bà mẹ hiến sữa bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chí về sức khỏe phải tốt, không mắc các bệnh lý có thể lây qua đường sữa mẹ như viêm gan B, C, HIV, giang mai…, và tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc ảnh hưởng chất lượng sữa mẹ.
Khi tham gia hiến tặng sữa, các bà mẹ được trang bị nhiệt kế nhằm theo dõi nhiệt độ sữa trong tủ lạnh. Mỗi đơn vị sữa hiến tặng đều được ghi tên, dán mã số và ngày giờ vắt để phân biệt hoặc có thể truy xuất khi có sự cố. Đặc biệt, sữa thanh trùng sẽ được làm nóng tới nhiệt độ 62,50 độ C trong vòng 30 phút, rồi giảm dần còn 40 độ C. Quy trình này nhằm khống chế, loại bỏ các tác nhân vi sinh học như nấm, vi khuẩn, virút, bào tử… nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng và miễn dịch của sữa mẹ.
Diệu Ngân
Theo phunuvietnam
Khánh thành Ngân hàng sữa mẹ tại TP.HCM
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở khu vực phía Nam, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), đã được khánh thành, nhằm cho trẻ sơ sinh, non tháng được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mẹ quý giá.
Sữa mẹ được chọn lọc, xử lý và bảo quản theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại Ngân hàng sữa mẹ, Bệnh viện Từ Dũ – ẢNH: NGUYÊN MI
Hôm nay (10.4), Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã được khánh thành, chính thức đi vào hoạt động.
Đây là Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở khu vực phía Nam và thứ hai tại Việt Nam (sau Ngân hàng sữa mẹ tại Đà Nẵng); được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu và với sự hỗ trợ của Cơ quan viện trợ Ireland Irish Aid và Alive & Thrive.
Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Ngân hàng sữa mẹ hoạt động theo mô hình thu nhận sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ nuôi con nhỏ bằng nguồn sữa của mình và không nhận phí.
Sữa mẹ được chọn lọc từ những mẹ không mắc các bệnh lý, không có các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sữa mẹ (không bị viêm gan siêu vi, HIV; không dùng thuốc, hút thuốc, uống rượu…). Người hiến sữa được kiểm tra, xét nghiệm m.áu theo quy trình nghiêm ngặt.
Tiêu chí của Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ là phi lợi nhuận, nhằm mang lại nguồn sữa mẹ quý giá cho trẻ sơ sinh, non tháng đang được chăm sóc tích cực tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ và các bệnh viện tại TP.HCM, đặc biệt là 4 bệnh viện chuyên khoa sản – nhi tuyến cuối (Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố).
Sau đó, khi lượng sữa dồi dào, Ngân hàng sữa mẹ sẽ mở rộng nguồn sữa đến các mẹ nuôi con non tháng trong cộng đồng.
Giúp giảm các bệnh lý sơ sinh
“So với sữa công thức, sữa mẹ đạt chuẩn vi sinh sau khi loại bỏ các yếu tố lây truyền bệnh, sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho các bé sơ sinh, non tháng, bệnh lý không được tiếp cận với nguồn sữa của chính mẹ sinh ra. Được dùng sữa mẹ giúp trẻ sơ sinh, sinh non hạn chế thấp nhất tình trạng viêm ruột hoại tử, n.hiễm t.rùng sơ sinh muộn, giảm được thời gian truyền dịch nuôi ăn qua tĩnh mạch và tổng số ngày nằm viện cũng giảm đáng kể (15 ngày)”, bác sĩ Thanh cho biết.
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định: “Để nuôi dưỡng con người từ lúc sinh ra không có gì quý giá bằng sữa mẹ”.
Theo ông Tiến, trên thực tế, nhiều trẻ sơ sinh không thể tiếp cận được nguồn sữa mẹ, như những em bé mất mẹ khi sinh, người mẹ có bệnh không cho con bú được… Trong khi đó, nhiều bà mẹ căng sữa, dư thừa, con bú không hết lại rất cần được hút bớt ra để hạn chế các nguy cơ áp-xe, tắc tia sữa… Nếu họ hiến tặng số sữa dư này, nhiều em bé sẽ có cơ hội lớn lên khỏe mạnh, phòng ngừa được nhiều bệnh tật và cũng là nguồn động viên cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ mang lại lợi ích cho bé, mà còn làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú, hai nguyên nhân hàng đầu gây t.ử v.ong ở phụ nữ.
Sữa mẹ được hiến tặng cho Ngân hàng sữa mẹ – Nguyên Mi
Xử lý sữa mẹ – NGUYÊN MI
Phòng lưu trữ sữa mẹ sau xử lý – NGUYÊN MI
Thống kê của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), hiện nay, trong gần 70.000 ca sinh mỗi năm tại Bệnh viện Từ Dũ, Khoa Sơ sinh đã tiếp nhận, chăm sóc và điều trị từ 6.000 – 7.000 trẻ sơ sinh non tháng, với các bệnh lý đi kèm đang cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu “dinh dưỡng điều trị”, hỗ trợ cho quá trình hồi phục.
Theo Thanh Niên