Dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị, đã ghi nhận gần 3.900 ca bệnh bị sốt xuất huyết.
Theo thông báo của Sở Y tế Quảng Trị, thời gian gần đây số ca bệnh đang gia tăng, có địa phương mỗi tuần số ca bệnh sốt xuất huyết tăng thêm từ 100-200 ca.
Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận 3.896 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 9,7 lần so với cùng kì năm 2018.
Ca bệnh được ghi nhận tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố (huyện đảo Cồn Cỏ chưa ghi nhận ca sốt xuất huyết), ca bệnh tập trung cao tại các huyện Hướng Hóa với 1.731 ca; Triệu Phong 833 ca và TP Đông Hà 570 ca.
Tình hình bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến khá phức tạp nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.
Cán bộ, nhân viên Y tế chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: M. Dương
Nguyên nhân do thời tiết diễn biến tạp, cùng với ý thức của người dân một số nơi còn hạn chế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Trước tình trạng trên, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đã tăng cường triển khai các biện pháp nhằm phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Phối hợp với chính quyền địa phương lập kế hoạch và thực hiện các chương trình phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp đầy đủ hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy, máy phun cho các đơn vị phục vụ công tác phòng, chống bệnh kịp thời.
Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế huyện cung cấp đầy đủ thuốc, dịch truyền phục vụ công tác điều trị, tuyên truyền đến cộng đồng các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết…
Ngành Y tế Quảng Trị khuyến cáo người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa các dụng cụ chứa vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước.
Bên cạnh đó, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá. Nên ngủ màn, mang áo quần dài tay để phòng muỗi đốt.
Đặc biệt, khi có biểu hiện của sốt cần kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, giúp ngành Y tế có sự chủ động trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Đăng Đức
Theo Dân trí
12 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại một khu dân cư ở thị xã Kỳ Anh
Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), từ ngày 12/10 – 21/10, trên địa bàn xã xuất huyệt 12 ca mắc sốt xuất huyết.
Đoàn cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh vừa có buổi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa bàn thôn Đông Yên cũ (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch SXH cho người dân thôn Đông Yên
Qua kiểm tra thực tế tại các hộ cho thấy, vẫn còn nhiều nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết như: Người dân đang còn thờ ơ, không chịu thu gom, lật úp các phế thải đựng nước tại nơi mình sinh sống; các dụng cụ chứa nước xung quanh đường làng ngõ xóm như: chai, lọ hoa, bể cây cảnh, bể nước tại các công trình xây dựng… còn có ổ bọ gậy, nguy cơ dịch có thể sẽ bùng phát nếu chính quyền địa phương và người dân không vào cuộc phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Thôn Đông Yên cũ đã được bố trí tái định cư để phục vụ các dự án trên địa bàn nhưng hiện tại vẫn còn 158 hộ dân sinh sống tạm thời, do chưa di dời.
Tỷ lệ bọ gậy, loăng quăng ở thôn Đông Yên khá cao do công tác vệ sinh môi trường không được người dân chú trọng
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh Nguyễn Lương Tâm: Hiện, việc tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn khu dân cư Đông Yên còn hạn chế; người dân còn thờ ơ, chưa quan tâm đến công tác phòng bệnh.
Mặt khác, đây là địa bàn đã được giải phóng mặt bằng nên phần lớn những ngôi nhà bị phá dỡ, bỏ hoang, rất khó khăn trong việc thu gom phế thải chứa đựng nước (là nguồn phát sinh loăng quăng, bọ gậy).
Nhà bỏ hoang không ai ở là nơi dễ phát sinh loăng quăng, bọ gậy…
Thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay là một trong những điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết gia tăng. Vì vậy, để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các thôn lân cận, nhất là công tác diệt bọ gậy tại các nơi có nguy cơ gây bệnh.
Đồng thời, nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống dịch, cũng như khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch; tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như ngủ màn, kem xoa ngoài da, hóa chất diệt muỗi…
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra bệnh nhân bị mắc SXH đang điều trị tại Trạm Y tế xã Kỳ Lợi
Trong trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và chữa trị kịp thời; không tự ý điều trị tại nhà.
Theo baohatinh