Bệnh viện vệ tinh tuyến huyện: Giảm nỗi lo vượt tuyến để khám, chữa bệnh

Sau hơn 5 năm triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, nhiều kỹ thuật cao của tuyến trên đã được chuyển giao xuống tuyến dưới, giúp nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho y tế tuyến trên.

Đặc biệt, nhiều bệnh nhân của tuyến huyện, nhất là ở miền núi, vùng sâu vùng xa được hưởng lợi vì đã được chữa bệnh kỹ thuật cao ngay tại quê nhà, không còn phải “khăn gói” vượt tuyến điều trị.

“Cầm tay chỉ việc” cho bệnh viện tuyến huyện

Vừa qua, đoàn công tác Bệnh viện E do Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát, làm việc và khám chữa bệnh cho người dân ở Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, huyện Tam Đường và huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu. Tại các Trung tâm y tế trên, phần lớn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực quá mỏng cộng thêm các trang thiết bị, trình độ năng lực chuyên môn còn hạn chế khiến người dân phải “khăn gói” vượt tuyến để chữa bệnh.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E tặng quà cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Lai Châu.

Từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E, các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến ở huyện ở Lai Châu đã làm chủ được nhiều kỹ thuật hiện đại như tim mạch, mổ nội soi ổ bụng, sản khoa, phục hồi chức năng… Được biết, để triển khai thành công kĩ thuật hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ của các bệnh viện vệ tinh, trung tâm y tế đã được đào tạo chuyên môn bài bản tại Bệnh viện E. Đặc biệt, các bác sĩ Bệnh viện E đã trực tiếp đi khảo sát, xuống tuyến dưới đào tạo “cầm tay chỉ việc” cho y, bác sĩ tại bệnh viện vệ tinh nhằm chủ động triển khai phẫu thuật, điều trị nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh khó.

Đơn cử, vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện E đã hỗ trợ bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Tam Đường mổ nội soi sỏi túi mật cho một bệnh nhân nữ (51 t.uổi, dân tộc Mông, ở Khun Há, Tam Đường). Bệnh nhân mắc bệnh từ lâu với triệu chứng xuất hiện những cơn đau quằn quại, đau vùng hố thắt lưng phải, đau lan xuống cơ quan s.inh d.ục nhưng không điều trị.

Theo đ.ánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trường Sơn- Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện E, đây là ca bệnh khó, đường mật dị dạng, sỏi to, trường phẫu thuật hẹp, mạc treo dính… Trước đây, đối với những ca bệnh này, bệnh nhân phải chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương điều trị vừa tốn kém, lại gây quá tải bệnh viện… Nhưng hiện nay, nhờ sự hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên, thì bác sĩ Trần Văn Quyết của Trung tâm y tế huyện Tam Đường đã triển khai phẫu thuật sỏi túi mật nội soi thành công.

Tương tự, cũng trong chuyến khảo sát bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Tắn – Trưởng Khoa Ngoại sản, Trung tâm y tế huyện Tam Đường, dưới sự hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật của bác sĩ Ngô Văn Thanh – Khoa Phụ sản, Bệnh viện E đã tiến hành ca mổ u nang bì buồng trứng phải thành công cho một bệnh nhân nữ (26 t.uổi, dân tộc Mông). Bác sĩ Tắn chia sẻ, khối u ở buồng trứng của người bệnh chứa đầy tóc và tổ chức bã đậu rất ít khi gặp.

Đây là những biểu hiện điển hình của u quái – một dạng u phát triển từ tế bào mầm. U quái ở buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa t.uổi, nhất là phụ nữ trong độ t.uổi sinh đẻ. “Trước đây, những ca bệnh này đều phải chuyển lên tuyến trên. Nhưng hiện nay, sau khi được các bác sĩ Bệnh viện E chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi đã “tự tin” để xử lý những ca bệnh như này”, bác sĩ Tắn chia sẻ.

Bệnh viện tuyến dưới “hút” bệnh nhân tới khám, chữa bệnh

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định: “So với các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội, Bệnh viện E vẫn còn nghèo nhưng vẫn sẵn lòng “chia lửa” cùng bệnh viện tuyến huyện của Lai Châu. Bệnh viện E sẽ hỗ trợ tối đa và toàn diện cho các trung tâm y tế như đào tạo miễn phí cho các bác sĩ, điều dưỡng nhằm nâng cao tay nghề; hỗ trợ, chuyển giao các kỹ thuật như nội soi đường tiêu hóa, tai mũi họng, mổ nội soi ổ bụng, sản khoa, cơ xương khớp, đông y…”.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Đường, kể từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm y tế tăng từ 50 người/ngày lên đến 150 người/ngày, cao điểm có ngày lên gần 200 người trong những tháng gần đây. Nhiều gói dịch vụ kỹ thuật y tế mới được áp dụng đang giúp Trung tâm thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Người dân miền núi ở Tam Đường đã hết lo vượt tuyến để chữa bệnh.

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng Phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện E cho biết, trong thời gian công tác tại Lai Châu, các bác sĩ Bệnh viện đã khám và tư vấn cho gần 500 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân mắc các bệnh lý cơ xương khớp, tim mạch, siêu âm tim, khám và tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ như dị dạng ngón tay, mí mắt, tai… Ngoài khám chữa bệnh, đoàn công tác còn trao cho Trung tâm y tế huyện Sìn Hộ bộ nẹp vít trong phẫu thuật kết hợp xương và 10 suất quà (trị giá 500.000 đồng) cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; trao 500 chiếc quần, áo t.rẻ e.m và 10 suất quà cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Tam Đường; trao máy điện phân trong phục hồi chức năng cho Trung tâm y tế huyện Than Uyên và 10 suất quà cho bệnh nhân.

Không chỉ hỗ trợ cho các Trung tâm y tế huyện ở Lai Châu khám chữa bệnh cho người dân, tại Bệnh viện đa khoa Lai Châu, các bác sĩ Bệnh viện E đã tiến hành tập huấn, đào tạo liên tục cho các y, bác sĩ tại Bệnh viện và các cơ sở y tế tại tỉnh Lai Châu. Cụ thể, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành đã cập nhật những tiến bộ trong việc chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật tim nội soi cho bệnh viện vệ tinh. Kỹ thuật này đã được các bác sĩ Bệnh viện E triển khai thường quy tại Bệnh viện và được đồng nghiệp trong nước và thế giới ghi nhận và đ.ánh giá cao. Ngoài ra, các y, bác sĩ Bệnh viện E còn trình bày, tập huấn nhiều kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới như: “Rò h.ậu m.ôn”, “Cấp cứu sơ sinh”. “Theo dõi, xử trí cấp cứu c.hảy m.áu sau sinh”, “Xử trí cấp cứu chấn thương sọ não”…

Các bác sĩ Bệnh viện E thăm, khám cho người dân tại tỉnh Lai Châu.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Tiến Thanh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Lai Châu, từ những kiến thức được cập nhật từ các bác sĩ Bệnh viện E đã giúp các bác sĩ tuyến dưới có thể chẩn đoán chính xác, đưa ra các phương pháp điều trị kịp thời, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân. Đặc biệt, thời gian tới, Bệnh viện đa khoa Lai Châu mong muốn Bệnh viện E hỗ trợ toàn diện để thành lập đơn nguyên điều trị, can thiệp tim mạch sớm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh, đồng thời nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Minh Khuê

Theo laodongthudo

Bệnh viện tuyến huyện thực hiện nhiều kỹ thuật khó

Nếu như trước kia, với một số ca bệnh khó, y tế tuyến huyện buộc phải chuyển lên tuyến trên song hiện nay nhờ thực hiện tốt đề án bệnh viện vệ tinh mà nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đã thực hiện được những ca bệnh phức tạp.

Trung tâm y tế (TTYT) huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E với các chuyên ngành Tim mạch, Ngoại khoa, Hồi sức cấp cứu…

Nhờ thực hiện được các kỹ thuật khó mà người bệnh tại cơ sở hưởng lợi.

Theo lãnh đạo TTYT huyện Tam Đường, từ khi tham gia đề án bệnh viện vệ tinh đến nay, Trung tâm đã cử nhiều kíp cán bộ đi đào tạo tại Bệnh viện E các kỹ thuật như điều trị bệnh lý cơ xương khớp và tiêm khớp ngoại vi, phục hồi chức năng, siêu âm tim, nội soi dạ dày can thiệp, phẫu thuật chấn thương ổ bụng, kíp phẫu thuật nội soi cơ bản, kíp phẫu thuật sản phụ khoa cơ bản…

Cùng với sự đầu tư về nhân lực, TTYT huyện Tam Đường đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị tiên tiến để thực hiện những kỹ thuật đã được đào tạo.

Hiện nay, Trung tâm đang triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao như nội soi Tai mũi họng; nội soi dạ dày – tá tràng; phẫu thuật kết hợp xương; phẫu thuật tổn thương bàn tay phức tạp; mổ cắt u bao gân, nối gân gấp, gân duỗi; mổ lấy thai; tiêm khớp ngoại vi, vận động phục hồi chức năng…

Trong đó, bước tiến rõ rệt nhất là từng bước thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Với sự hỗ trợ của Bệnh viện E, Trung tâm đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân (viêm ruột thừa, viêm phúc mạc ruột thừa, u nang buồng trứng, viêm túi mật mạn tính…). Các ca mổ đều an toàn, không có biến chứng sau phẫu thuật, tạo được niềm tin đối với nhân dân.

Việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới đã giảm chi phí đi lại cho người bệnh, giảm số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngay tại địa phương.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày TTYT Tam Đường tiếp đón khoảng trên 100 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh, điều trị nội trú trung bình 200 bệnh nhân.

Ngoài việc tiếp nhận những kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao đảm bảo hiệu quả, TTYT huyện Tam Đường đã thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và luân phiên cử các y bác sĩ xuống các trạm y tế để hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế xã theo Đề án 1816, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân ngay ở cơ sở, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Một cơ sở y tế tuyến huyện khác cũng được hưởng lợi nhờ thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh là Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, vừa qua đơn vị vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật “kép” mổ lấy thai và bóc tách u xơ tử cung đã hoại tử cho sản phụ Trần Thị H (SN 1982) ở xã Đoan Bái.

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa cũng triển khai kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể. Theo đó, các bác sỹ đã sử dụng máy siêu âm, điện quang, sóng xung kích hội tụ để định vị và tán sỏi vỡ vụn; sau đó các mảnh sỏi tự thoát ra ngoài qua nước tiểu.

Ưu điểm của phương pháp này là bệnh nhân không phải gây mê, gây tê hoặc bị tổn thương các cơ quan nội tạng lân cận nên hồi phục nhanh; chi phí thấp (hơn 2 triệu đồng/ca), thời gian thực hiện ngắn (từ 7 đến 30 phút). Kỹ thuật này áp dụng cho các trường hợp có kích thước sỏi thận dưới 20 mm, sỏi niệu quản, bàng quang kích thước dưới 15 mm.

Trung tâm Y tế Hiệp Hòa là đơn vị tuyến huyện đầu tiên trong tỉnh triển khai kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể. Trung bình mỗi tháng, đơn vị tiếp nhận từ 45-60 ca bệnh liên quan đến sỏi tiết niệu, trong đó hơn một nửa được chỉ định thực hiện phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, giúp người bệnh giảm chi phí, thời gian nằm viện.

Còn tại TTYT huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, nhờ là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh mà đến nay cơ sở đã thực hiện được nhiều kỹ thuật sản khoa có độ khó cao phẫu thuật Sản Phụ khoa; khám và điều trị nhi khoa và cấp cứu nhi khoa; đào tạo kíp gây mê hồi sức về kiến thức hồi sức cấp cứu, kỹ thuật gây mê cơ bản, hướng dẫn sử dụng máy thở.

Nhờ thực hiện được các kỹ thuật trên mà hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên huyện đảo Cô Tô đã có nhiều tiến bộ. Các thầy thuốc TTYT huyện Cô Tô đang dần tạo được niềm tin của nhân dân, giữ chân, không để người bệnh phải di chuyển đi xa để khám, điều trị bệnh, tiết kiệm được thời gian, giảm được chi phí khám chữa bệnh.

D.Ngân

Theo baohaiquan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *