Khánh Hòa: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, 2 trường hợp t.ử v.ong

Phần lớn những ca sốt xuất huyết nặng tại Khánh Hòa đều do nhập viện trễ, người dân tự ý sử dụng thuốc tại nhà hoặc truyền nước ở các cơ sở y tế tư nhân khiến tình trạng bệnh ngày càng diễn biến xấu.

Bệnh viện quá tải các bệnh nhân sốt xuất huyết. (Ảnh: Lê Xuân-TTXVN)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn đang diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm đến ngày 20/11, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 9.950 ca mắc sốt xuất huyết, có 2 ca t.ử v.ong, so với cùng kỳ năm ngoái (3.148 ca) số mắc tăng hơn 3 lần.

Thành phố Nha Trang và thị xã Ninh Hòa là hai địa phương đứng đầu về số ca mắc sốt xuất huyết, lần lượt là 4.824 ca và 1.915 ca.

Tiếp đó là các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, số ca mắc ở mỗi địa phương vào khoảng từ 600-860 ca.

Dự báo thời gian tới, tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết tâm phòng, chống.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa, nếu như giai đoạn tháng Tám đến tháng Chín, trung bình mỗi tháng tại đây chỉ ghi nhận từ 2-3 ca mắc sốt xuất huyết nặng thì đến tháng 11, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 5-7 ca sốt xuất huyết nặng.

Bác sỹ Vũ Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa cho biết, người dân còn khá chủ quan với căn bệnh này, khi phần lớn những ca sốt xuất huyết nặng đều do nhập viện trễ, người dân tự ý sử dụng thuốc tại nhà hoặc truyền nước ở các cơ sở y tế tư nhân khiến tình trạng bệnh ngày càng diễn biến xấu hơn, nguy cơ biến chứng, t.ử v.ong cao. Do đó, công tác điều trị, khống chế bệnh sốt xuất huyết gặp khó khăn.

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh biện pháp khống chế bệnh sốt xuất huyết.

Ngành Y tế tổ chức các hoạt động tuyên truyền và diệt lăng quăng hàng tuần, hàng tháng tại khu dân cư, nhà dân.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa phun hóa chất diệt muỗi chủ động ở các xã, phường có nguy cơ cao bùng phát bệnh; đồng thời giám sát, phát hiện sớm, xử lý ổ bệnh kịp thời, triệt để…

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh do thời tiết nắng nóng và mưa xen kẽ kéo dài làm cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển mạnh.

Cũng theo chu kỳ, những tháng này đang là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết. Do đó, nếu người dân có biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, mệt nhiều cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị./.

Phan Sáu

Theo TTXVN/Vietnamplus

Khánh Hòa: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Từ đầu năm 2019 đến nay, Khánh Hòa đã có một ca t.ử v.ong do bệnh sốt xuất huyết, là địa phương có số ca mắc cao nhất khu vực miền Trung.

Ca sốt xuất huyết nặng phải sử dụng máy thở, đang được điều trị tại phòng hồi sức Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Hiện, số ca mắc sốt xuất huyết tại Khánh Hòa tuy giảm nhưng lại gia tăng nhiều ca bệnh nặng, mặc dù chưa phải là mùa cao điểm của dịch.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho thấy, từ đầu năm đến ngày 17/7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 6.942 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (có 1 ca t.ử v.ong vào tháng 4/2019), phát hiện và xử lý hơn 340 ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng hơn 5 lần, số ổ bệnh tăng gấp 8 lần. Khánh Hòa là tỉnh có số ca mắc đứng đầu khu vực miền Trung.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, năm nay bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh có diễn biến bất thường. Những năm trước, thông thường đỉnh dịch sốt xuất huyết rơi vào tháng 9, 10, giảm dần ở các tháng cuối năm và những tháng đầu năm sau. Tuy nhiên, năm 2019, bệnh sốt xuất huyết lại phát triển mạnh vào những tháng đầu năm. Từ tháng 1 – 3/2019, toàn tỉnh ghi nhận từ 1.040 ca đến hơn 2.230 ca/tháng (gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ); từ tháng 4 – 6 số ca mắc giảm, dao động từ 490 – 600 ca/tháng (gấp 5 lần). Sang đến tháng 7, số ca mắc có xu hướng tăng, giảm theo tuần. Chỉ 3 tuần của tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận 550 ca mắc; trong đó, tuần mới nhất (từ ngày 10-17/7) mắc 194 ca, giảm so với tuần trước (204 ca).

Bác sỹ Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian vừa qua, diễn biến bệnh sốt xuất huyết tại bệnh viện khá phức tạp. Trong tháng 7, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 15 ca nhập viện, tuy không tăng đột biến về số ca mắc so với các tháng trước, nhưng hầu hết các ca nhập viện trong tháng đều thuộc dạng bệnh nặng, có nguy cơ biến chứng, t.ử v.ong cao. Do đó, công tác điều trị, khống chế bệnh có phần gặp khó khăn.

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Đông, tuy không phải là mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết nhưng hiện tại Khánh Hòa đang có thời tiết nắng mưa thất thường. Do đó, khi người dân có biểu hiện bất thường, nóng sốt cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tránh tình trạng nhập viện khi bệnh phát triển theo chiều hướng nặng.

Ngành Y tế Khánh Hòa cho biết, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đang được kiểm soát và có chiều hướng giảm so với đầu năm, nhưng, theo chu kỳ của dịch bệnh, khả năng trong những tháng đầu mùa mưa năm 2019 (từ tháng 8 trở về sau) số ca mắc sẽ tăng trở lại. Vì vậy, ngành luôn chú trọng việc phòng chống bệnh, tập trung nguồn lực can thiệp đón đầu trước khi dịch xảy ra.

Thời gian qua, cùng với các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể của tỉnh, ngành Y tế đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền và diệt lăng quăng hàng tuần, hàng tháng tại khu dân cư, nhà dân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa tiến hành phun hóa chất diệt muỗi chủ động ở các xã, phường có nguy cơ cao bùng phát bệnh; đồng thời, giám sát, phát hiện sớm, xử lý ổ bệnh kịp thời, triệt để.

Theo ông Nguyễn Đình Thoan, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, để công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả hơn nữa người dân phải chủ động trong phòng chống dịch, giữ vệ sinh môi trường sạch, chủ động diệt muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình để phòng bệnh. Các đơn vị nhà nước có vai trò, chức năng trong phòng, chống dịch cần có chế độ đãi ngộ hợp lý. Đối với những trường hợp không làm hết trách nhiệm, thậm chí là người dân để bùng phát dịch, cũng cần có chế tài phù hợp. Ngoài ra, đối với các công trình xây dựng đang thi công – nơi có nguy cơ bùng dịch cao ở đô thị, phải có chế tài quy định chủ thầu các công trình xây dựng có trách nhiệm thực hiện diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi tại các công trình đang thi công.

Tin, ảnh: Phan Sáu

Theo TTXVN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *