Israel và Đức tìm ra phương pháp nâng cao hiệu quả của vaccine phòng Ebola

Viện khoa học Weizmann (WIS) của Israel ngày 21/11 thông báo các nhà khoa học của Israel và Đức đã tìm ra phương pháp để nâng cao hiệu quả của các loại vaccine phòng virus Ebola hiện có.

Các nhà khoa học tìm ra cách thức nâng cao hiệu quả của các loại vaccine phòng chống Ebola trong tương lai. (Nguồn: DW)

Mới đây, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã chấp thuận một loại vaccine mới chống virus Ebola, giúp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh do virus này gây ra, tuy nhiên cho đến nay giới khoa học vẫn chưa hiểu rõ về cơ chế thúc đẩy khả năng miễn dịch ở người của loại vaccine trên và chưa rõ liệu nó có tác dụng bảo vệ lâu dài hay không.

Để làm rõ vấn đề này, các nhà khoa học của WIS cùng với các đồng nghiệp thuộc Đại học Cologne (Đức) đã giải mã cơ chế kích hoạt hệ miễn dịch tạo ra kháng thể của loại vaccine trên bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử có độ phóng đại lớn để quan sát cấu trúc 3 chiều (3D) cách thức các kháng thể chống lại virus Ebola, nhờ đó nhóm nhà khoa học trên đã tìm ra cách thức có thể nâng cao hiệu quả của các loại vaccine phòng chống Ebola trong tương lai.

Cũng trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những người được tiêm một liều nhỏ vaccine chống Ebola sẽ có số lượng kháng thể tương tự như những người được tiêm vaccine này với liều cao hơn. Theo các nhà khoa học, điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất vaccine, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ở châu Phi cung cấp nhiều vaccine hơn để cứu sống những người bị nhiễm virus.

Theo baoquocte

Châu Âu chính thức cấp phép lưu hành vaccine ngừa Ebola

Ngày 11/11, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cấp phép lưu hành vaccine ngừa virus Ebola. Đây là giấy phép thương mại hóa lần đầu tiên cho loại vaccine này.

Tiêm chủng vaccine phòng virus Ebola tại Mbandaka, CHDC Congo ngày 21/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo của EU nêu rõ sau các thử nghiệm của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), hãng dược Mersk sẽ được cấp phép để đưa loại vaccine này ra thị trường dưới tên gọi “Ervebo”.

Trước đó, EMA đã khuyến cáo sử dụng “Ervebo” trong ngăn ngừa dịch Ebola và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoan nghênh, gọi đây là “bước tiến lớn” trong cuộc chiến chống dịch Ebola, đang hoành hành tại CHDC Congo.

Ủy viên châu Âu phụ trách lĩnh vực y tế Vytenis Andriukaitis hoan nghênh quyết định của EU và gọi đây là quyết định quan trọng để cứu sinh mạng con người tại châu Phi nói riêng và trên thế giới nói chung.

Từ cách đây 5 năm, sau khi virus Ebola xuất hiện và gây dịch bệnh tại nhiều nước Tây Phi, các chuyên gia dịch tễ đã tập trung nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa virus căn bệnh nguy hiểm này.

Trước khi được cấp phép ra thị trường, vaccine “Ervebo” đã được thử nghiệm trên 16.000 người ở châu Phi, châu Âu và Mỹ và chứng tỏ được hiệu quả. Riêng trong đợt bùng phát dịch Ebola hồi tháng 8 năm ngoái tại Congo với 2.150 người t.ử v.ong, hơn 236.000 người, trong đó có 60.000 nhân viên y tế, đã bảo toàn được tính mạng nhờ loại vaccine này – khi đó có tên gọi “rVSV-ZEBOV-GP”.

Ngoài ra, các loại vaccine khác cũng sẽ sớm được thử nghiệm. Giới chức y tế Congo cho biết, một loại vaccine khác có tên gọi Ad26-ZEBOV-GP do hãng dược Johnson & Johnson điều chế sản xuất cũng sẽ được ra mắt vào tháng 11 trong khi 8 loại vaccine khác đang được thử nghiệm lâm sàng.

Dịch Ebola được phát hiện tại Congo năm 1976 và đã bùng phát đến lần thứ 8 hồi tháng 8/2018 ở khu vực Tây Phi, cũng là đợt bùng phát có tỷ lệ t.ử v.ong cao nhất. Trong đợt bùng phát từ năm 2013 – 2016 tại Guinea, Liberia và Sierra Leone, 11.000 người đã t.ử v.ong.

Tâm Hằng

Theo TTXVN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *