Em năm nay 30 t.uổi, mới sinh con được hơn 1 tháng và nuôi con bú lần đầu, nhưng mấy ngày nay vú bên trái bị sưng đau rất khó chịu. Có người bảo em bị viêm tuyến vú do tắc tia sữa, xin bác sĩ tư vấn về bệnh này?
Hoàng Vân (Hải Phòng)
Ảnh minh họa
Tắc tia sữa là hiện tượng hệ thống ống tuyến sữa bị tắc, do vậy sữa không chảy ra được. Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu bị tắc tia sữa không điều trị kịp thời và đúng phương pháp, người mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp- xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, dần dần người mẹ ít sữa hoặc sẽ mất sữa.
Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng tắc tia sữa là bầu vú căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần, đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít, vắt cũng không ra. Có cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, sốt, đau tăng lên nếu sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong. Khi sờ sẽ thấy có những khối tròn bề mặt gồ ghề, mật độ cứng với nhiều kích thước khác nhau, khi chạm vào rất đau.
Khi thấy dấu hiệu của tắc tia sữa, chúng ta nên dùng 1 bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng 2 bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20 – 30 lần, rồi lại làm ngược lại làm nhiều lần trong ngày. Sau khi day, ép vẫn thấy ngực căng tức, bạn có thể chườm nóng, dưới tác dụng của nước nóng (không quá nóng dẫn đến bỏng) sữa đông kết tan dần, khai thông dòng chảy tạo điều kiện cho sữa mới chảy ra. Nếu tình trạng không đỡ, hoặc không thuyên giảm bạn nên đến khám và điều trị tại cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và tư vấn.
BS. Trần Anh
Theo SK&ĐS
Chỉ mặt 3 “thủ phạm’ gây viêm tuyến vú làm mẹ đau chảy cả nước mắt
Viêm tuyến vú là một trong những nỗi ám ảnh của mẹ sau sinh. Viêm vú là tình trạng mô vú của phụ nữ bị đau và viêm. Tình trạng này phổ biến nhất ở phụ nữ cho con bú, thường trong vòng ba tháng đầu sau khi sinh.
Nếu không muốn bị viêm tuyến vú, mẹ sữa hãy tìm hiểu 3 nguyên nhân chính gây bệnh viêm tuyến vú để phòng ngừa sớm.
Cặn sữa
Cặn sữa lắng động bên trong tuyến vú là một trong những nguyên nhân chính gây viêm tuyến vú ở mẹ sữa. Bé không bú cạn hết sữa trong bầu ngực dẫn đến cặn sữa lắng đọng, gây viêm tuyến vú. Để tránh tình trạng này, bạn nên cho bé bú cạn một bầu vú rồi mới chuyển qua bên kia. Sau khi cho con bú, bạn có thể sử dụng máy hút sữa để làm trống tuyến sữa, ngăn ngừa nguy cơ tắc tia sữa, viêm tuyến vú.
Núm vú bị nhiễm khuẩn
Ngực của các bà mẹ cho con bú rất mỏng manh và rất dễ bị tổn thương. Trong quá trình bú, các động tác mút, cắn của bé có thể làm tổn thương núm vú của mẹ. Núm vú bị tổn thương dễ nhiễm khuẩn và gây viêm vú. Vì vậy, mẹ nên vệ sinh núm vú, quầng vú một cách nhẹ nhàng trước và sau khi cho bé bú.
Núm vú bị thụt vào trong
Một số người mẹ có núm vú bị tụt vào trong. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm vú sau sinh. Núm vú tụt vào trong khiến bé không thể bú hết sữa của mẹ, gây lắng đọng sữa và viêm tuyến vú. Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên cho bé bú nhiều hoặc vắt sữa nhiều hơn.
Viêm tuyến vú không chỉ gây giảm sữa mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ. Vì vậy, các bà mẹ cho con bú cần biết cách tự chăm sóc bản thân để phòng ngừa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Quỳnh Trang
Theo Sohu/emdep