Vì sao nói ăn dứa đúng cách có tác dụng nhuận tràng?
Dứa còn gọi là thơm, là loại trái cây có vị chua chua ngọt ngọt đặc trưng. Hàm lượng vitamin, chất xơ và chất chống oxy hóa tự nhiên trong quả dứa đem lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Chất xơ dồi dào
Ăn dứa nhuận tràng đầu tiên là nhờ vào chất xơ phong phú trong loại quả này. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ đủ chất xơ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nâng cao hiệu quả tiêu hóa và hấp thu, cải thiện đường ruột, chống táo bón.
Theo ước tính, một chén dứa tươi có chứa khoảng 2,3g chất xơ, chiếm 7,7% tổng lượng chất xơ khuyến nghị hằng ngày đối với nữ giới và 6% đối với nam giới. Chất xơ tự nhiên trong quả dứa có hiệu quả thúc đẩy nhu động ruột, tốt cho hệ tiêu hóa.
Enzyme đặc thù quan trọng
Bên trong quả dứa còn chứa một loại enzyme tiêu hóa là Bromelain. Chức năng của chất này là hỗ trợ phân hủy protein, thúc đẩy tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Ngoài ra, Bromelain còn giảm sưng ở ruột, cải thiện viêm xoang và xương khớp.
Đặc tính chống viêm của Bromelain trong quả dứa còn giảm sự khó chịu của các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa như viêm ruột, đau bụng, hội chứng ruột kích thích… Tiêu thụ dứa hợp lý có thể tăng cường sức khỏe đường ruột.
Một số lợi ích sức khỏe của dứa đối với các vấn đề khác của cơ thể
Bảo vệ tim mạch
Chất xơ và kali trong quả dứa có tác dụng cân bằng huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và một số bệnh mãn tính khác như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, bệnh tuyến giáp…
Tăng cường hệ miễn dịch
Bên cạnh tác dụng ăn dứa nhuận tràng nhờ vào nguồn chất xơ thì hàm lượng vitamin C trong dứa cũng tốt cho hệ miễn dịch tổng thể. Đây là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, ngăn ngừa các tác nhân gây viêm, nhiễm trùng và giảm tác hại của gốc tự do.
Phòng ngừa ung thư
Bromelain trong quả dứa có đặc tính gây ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Ngoài ra, hàm lượng các vitamin đa dạng trong loại quả này cũng tạo thành lá chắn mạnh mẽ giúp cơ thể chống lại các tổn thương tế bào.
Rủi ro tiềm ẩn và cách tiêu thụ dứa an toàn, khỏe mạnh
Mặc dù ăn dứa có lợi ích nhất định đối với hệ tiêu hóa nhưng vị chua của nó có thể gây kích thích dạ dày nếu tiêu thụ quá nhiều, đặc biệt là với người bị trào ngược dạ dày thực quản nên ăn có kiểm soát.
Dị ứng dứa tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Triệu chứng điển hình là nổi mề đay, ngứa và sưng môi, khó thở, đau rát cổ họng và lưỡi… Bạn nên ngừng ăn dứa nếu có biểu hiện dị ứng và đến gặp bác sĩ để được chăm sóc y tế.
Bromelain có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc làm loãng máu, thuốc an thần hay thuốc kháng sinh. Nếu đang điều trị bệnh, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chế độ ăn uống hợp lý.
Bạn có thể dùng quả dứa chế biến thành nhiều món ngon khác nhau như ăn tươi, làm nước ép, sinh tố, nấu nước trái cây, làm bánh, kho với cá, làm mứt… Tuy nhiên, dù là thực phẩm nào cũng cần ăn uống với mức độ vừa phải để tránh tác dụng phụ.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn giải tỏa băn khoăn về vấn đề ăn dứa nhuận tràng, đem lại thêm món ngon và có lợi cho sức khỏe gia đình.
Thiên Khuê (Theo Pharm)